Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022:

Chấn chỉnh trách nhiệm của cơ quan hành chính trong tiếp công dân

- Thứ Năm, 04/11/2021, 10:31 - Chia sẻ
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, sau khi nhận được kế hoạch chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ đã nghiêm túc tổ chức triển khai và thống nhất cao với các nội dung, thời gian, phương pháp, cách thức giám sát của các Đoàn giám sát.

Khẳng định sự cần thiết của chuyên đề giám sát, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, chuyên đề giám sát thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 5 năm qua và ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Thông qua giám sát, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc cụ thể, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc và từ đó có giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đây sẽ là cơ sở để Thanh tra Chính phủ chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, đặc biệt là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu tại hội nghị

Ảnh: Hồ Long 

Cũng theo ông Trần Ngọc Liêm, Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát và gửi về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, giúp Chính phủ xây dựng báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ 1.7.2016 đến 1.7.2021.

Thời gian vừa qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã luôn tích cực, chủ động giúp Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hằng năm, Thanh tra Chính phủ đều có báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, trước khi trình Quốc hội. 

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương đã chỉ đạo trực tiếp, tham gia giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, phức tạp. Đặc biệt, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cùng Thanh tra Chính phủ giám sát trực tiếp, tham gia giải quyết nhiều vụ việc dứt điểm, từ đó, trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu tố cáo theo thẩm quyền cũng như các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được quan tâm thực hiện. Nhờ đó, tình hình khiếu nại, tố cáo có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, qua rà soát tại các tỉnh, thành phố thì vẫn còn 979 vụ việc đang được các địa phương tiếp tục giải quyết. Trong đó, có 35 vụ việc đã xác định là phức tạp, kéo dài đã được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020 đã kiểm tra, rà soát 24 vụ việc tại 10 địa phương và đến nay còn 10 vụ việc ở một số địa phương nữa. Vì vậy, chuyên đề giám sát này sẽ giúp Chính phủ xem xét cụ thể về những vụ việc mà Chính phủ đã rà soát nhưng các địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đây cũng là dịp rất tốt để tập trung xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc. 

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị, trong quá trình giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các địa phương, Đoàn giám sát cần có sự phối hợp ngay từ đầu của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đối với các vụ việc cụ thể. Bởi vừa qua, các địa phương đã làm rất tích cực và đã có những số liệu cụ thể, nhưng khi trực tiếp giải quyết, nếu Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tại các địa phương vào cuộc ngay từ đầu, xác định rõ và cùng với UBND cấp tỉnh xem xét, rà soát thì giám sát sẽ có hiệu quả tốt hơn.

Thanh Chi