FTA Mỹ - Anh

Chặng đường dài

- Thứ Bảy, 25/09/2021, 06:58 - Chia sẻ
Vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tới Mỹ để dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) và tới thăm Tổng thống Joe Biden ở Washington. Mặc dù hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA), nhưng dường như để đạt được thỏa thuận hứa hẹn sẽ là một chặng đường dài và không ít chông gai.

Nước Mỹ chần chừ

Phát biểu trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Johnson, trả lời câu hỏi liên quan đến FTA mà London đang thúc đẩy mạnh mẽ, Tổng thống Biden chỉ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phải làm việc về vấn đề đó” và rằng thỏa thuận “đang tiếp tục được thảo luận”.

	Nguồn ITN
Nguồn ITN

Ông cũng nhắc đến vấn đề Bắc Ireland trong quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rút khỏi khối này, trong đó bày tỏ Mỹ không muốn “có sự thay đổi” trong thỏa thuận đã có. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định vấn đề Bắc Ireland và đàm phán FTA Mỹ-Anh là “hai chủ đề riêng biệt”. Trong khi đó,  tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lại cảnh báo, nếu Hiệp ước thứ Sáu tốt lành, vốn giúp lập lại hòa bình ở vùng Bắc Ireland, bị tổn hại thì Washington và London sẽ không thể ký kết bất kỳ thỏa thuận thương mại nào thời kỳ hậu Brexit.

Về phần mình, bản thân Thủ tướng Anh sau cuộc họp với ông chủ Nhà Trắng cũng không xác nhận về khả năng Anh và Mỹ có thể đạt được FTA vào năm 2024. Ông nói với các phóng viên rằng, mình “thà có được một thỏa thuận thực sự hiệu quả với Vương quốc Anh hơn là đạt được một thỏa thuận nhanh chóng”.

Thực tế, các cuộc đàm phán giữa hai nước chính thức bắt đầu vào tháng 5 năm ngoái và có 5 vòng đàm phán trong thời gian cựu Tổng thống Donald Trump còn ở Nhà Trắng. Nhưng kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Giêng năm nay, không có cuộc họp nào tiếp theo giữa các trưởng đoàn đàm phán. Điều đó một phần là do thời gian cần thiết để bắt đầu và vận hành chính quyền mới và một phần là do Tổng thống không xem thỏa thuận Mỹ - Anh trong số các ưu tiên hàng đầu của mình. Trước đó, trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden từng nói rõ, bản thân không muốn ký các FTA nếu đắc cử. Ngoài ra, việc ông Johnson rất thân thiết với ông Trump không giúp Vương quốc Anh dễ dàng thu hút người Mỹ trở lại bàn đàm phán.

Nước Anh nôn nóng

Theo Telegraph, sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), Anh có thể thiết lập chính sách thương mại của riêng mình. Và Thủ tướng Anh Johnson từng ca ngợi một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ sẽ là giải pháp quan trọng thời hậu Brexit.

Ai cũng biết các thỏa thuận thương mại giúp nhằm điều chỉnh các mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia. Chúng thường nhằm mục đích làm cho giao dịch dễ dàng hơn bằng cách giảm hoặc loại bỏ các khoản phí hoặc thuế, được gọi là thuế quan, đối với hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới. Bên cạnh đó, một mục tiêu khác của giao dịch thương mại là xóa bỏ hạn ngạch về số lượng hàng hóa có thể mua bán giữa các bên. Một số giao dịch cũng tìm cách liên kết các quy định hoặc quy tắc giúp giao dịch đơn giản hơn giữa các quốc gia liên quan. Các giao dịch thương mại có thể là song phương giữa hai quốc gia hoặc đa phương giữa hơn hai quốc gia.

Brexit thực sự có tác động lớn tới các mối quan hệ thương mại của Vương quốc Anh. Giờ đây, xứ sở sương mù có thể tự đàm phán, ký kết và phê chuẩn các thỏa thuận thương mại mới của riêng mình. Thay vì trước đây, khi vẫn còn là thành viên của EU, các thỏa thuận thương mại của họ phải được Ủy ban châu Âu thương lượng thay mặt cho toàn khối.

Chính phủ nước này hiện tìm cách ký kết các thỏa thuận thương mại mới, giúp “bảo đảm tính liên tục cho hoạt động kinh doanh của Vương quốc Anh”. Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Thương mại quốc tế đã được thành lập sau cuộc bỏ phiếu Brexit với ưu tiên khởi động các cuộc đàm phán với Mỹ, Australia và New Zealand.

Trong số các đối tác, sở dĩ Anh muốn một thỏa thuận thương mại nhất với Mỹ là bởi, đất nước nữ thần tự do là đối tác thương mại lớn nhất của Vương quốc Anh, với giá trị thương mại trao đổi lên tới hơn 200 tỷ bảng Anh/năm. Thỏa thuận thương mại với đối tác quan trọng như vậy có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế đáng kể, mặc dù một số chuyên gia lập luận rằng hầu hết các yếu tố của thương mại giữa Mỹ và Anh đã được bao phủ bởi các thỏa thuận hiện có. Bên cạnh đó, do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại song phương, nên việc đạt được thỏa thuận thương mại được coi là cách hữu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, kỳ vọng về thỏa thuận nhanh chóng giữa hai nước đã phai nhạt, với việc chính quyền của Tổng thống Biden dường như tập trung hơn vào các ưu tiên trong nước. Vì vậy, các quan chức Anh đề xuất giải pháp thay thế là tham gia vào thỏa thuận thương mại tự do hiện có giữa Mỹ, Mexico và Canada, được gọi là USMCA. Nó được ký vào năm 2020 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump sau một cuộc đàm phán kéo dài về thỏa thuận NAFTA năm 1994 giữa ba nước, trong đó chủ yếu bao gồm các vấn đề khu vực cụ thể liên quan đến ba quốc gia Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, USMCA có phạm vi hạn chế về dịch vụ, vốn là thành phần mạnh mẽ trong thương mại Anh - Mỹ. Do đó, việc tham gia có thể sẽ mang lại ít lợi ích hơn so với thỏa thuận trực tiếp với Washington. Hơn nữa, nó cũng không có quy trình gia nhập xây dựng sẵn cho những người tham gia tiềm năng, vì vậy không rõ Vương quốc Anh sẽ tham gia như thế nào.

Ngoài USMCA, Vương quốc Anh cũng chính thức nộp đơn vào đầu năm 2021 để tham gia hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia xung quanh Vành đai Thái Bình Dương, được gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các thành viên CPTPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Các nước CPTPP, tạo ra một thị trường lớn với 500 triệu dân, chiếm 110 tỷ bảng Anh giá trị thương mại với Vương quốc Anh vào năm 2019. Vào ngày 2.6 năm nay, đã có thông báo rằng quá trình gia nhập sẽ bắt đầu cho phép Vương quốc Anh tham gia CPTPP, theo đó loại bỏ thuế quan đối với 95 loại hàng hóa giao dịch giữa các thành viên.

Ngoài những thỏa thuận được đề cập trên, kể từ khi rời EU, Vương quốc Anh đã ký kết các thỏa thuận thương mại với 69 quốc gia và một với EU. Gần như tất cả các thỏa thuận này đều sao chép các thỏa thuận có trước Brexit.

Thái Anh