Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19

Chấp hành nghiêm quy định

- Thứ Năm, 18/02/2021, 06:14 - Chia sẻ
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP Hà Nội quyết định đóng cửa tất cả quán ăn đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê và tạm thời dừng việc mở cửa các cơ sở di tích, đình chùa, tôn giáo kể từ 0h ngày 16.2. Khảo sát của phóng viên cho thấy các địa phương đều đồng loạt ra quân kiểm tra, hầu hết các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn đều chấp hành nghiêm mệnh lệnh.

Đồng loạt chấp hành nghiêm quy định

Trước những diễn biến mới, có chiều hướng phức tạp và gia tăng các ca bệnh, chiều ngày 15.2 (mùng 4 Tết), tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Hà Nội với các quận, huyện, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu đóng cửa tất cả quán ăn đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê và tạm thời dừng việc mở cửa các cơ sở di tích, đình chùa, tôn giáo từ 0 giờ ngày 16.2.

 Hàng quán vỉa hè đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch.
Hàng quán vỉa hè đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch.

Theo đó, tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè và quán cà phê đến khi có chỉ đạo mới của UBND thành phố. Đối với nhà hàng ăn phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1 m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà. Trường hợp không đáp ứng đầy đủ việc phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu, cho dừng hoạt động theo thẩm quyền. Các quận, huyện cũng được yêu cầu thường xuyên kiểm tra việc đóng cửa các quán game, internet, bar, karaoke... theo chỉ đạo của UBND thành phố. Nguyên nhân của quyết định này là do Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây nhiễm mầm bệnh trong cộng đồng.

Ghi nhận của phóng viên trong những ngày qua cho thấy, trước khi quyết định trên có hiệu lực, các hàng quán tại phố cổ cũng như một số di tích, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các đền, chùa tại Hà Nội khá đông khách tới vui chơi, ăn uống. Thế nhưng đến sáng 16.2, sau khi có lệnh của thành phố, hầu hết hàng ăn vỉa hè, quán cà phê trên địa bàn Hà Nội đã chấp hành nghiêm quy định của thành phố. Một số cửa hàng đã sắp xếp bàn ghế, đóng cửa hàng quán. Một số hàng, quán đã chủ động dán thông báo, băng rôn tạm đóng cửa hàng để phòng dịch. Cụ thể, một quán trà chanh trên vỉa hè phố Chợ Gạo, quận Hoàn Kiếm trước đó không lâu vốn tấp nập khách và phần lớn khách đến đây không đeo khẩu trang, nhưng sau khi có lệnh cấm, lực lượng chức năng đã được huy động, ra quân yêu cầu tất cả các hàng quán hàng phải đóng cửa thì quán này ngay lập tức chấp hành nghiêm mệnh lệnh đóng cửa không tiếp khách.

Tương tự, tại tầng 1 dãy nhà liền kề trên đường Tố Hữu, quận Hà Đông tận dụng làm nhà hàng, quán ăn, một số cửa hàng phở trong khu vực này mở cửa từ ngày 15.2 (tức Mồng 4 Tết), nhưng do trong đêm 15.2, ngay khi có yêu cầu của UBND TP Hà Nội, các cửa hàng ăn tại khu này đều đồng loạt đóng cửa từ ngày 16.2.

Ngay cả đối với phố Nguyễn Văn Lộc, quận Hà Đông vốn là tuyến phố điển hình có kiểm soát An toàn thực phẩm, ngay trong ngày 16.2 - ngày đầu thực hiện yêu cầu, hầu hết cửa hàng, quán cà phê và trà đá vỉa hè trên tuyến phố này đều đóng cửa.

Mạnh tay để ngăn chặn dịch triệt để

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị trong những ngày tới, các quận, huyện, thị xã tập trung cao độ truy vết, khoanh vùng, cách ly đối với các trường hợp F1, F0 phát hiện trong hai ngày qua, không được để chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để người dân biết rõ các nguy cơ để phòng ngừa. 

Mặc dù các quán hàng ăn, trà đá vỉa hè đều đồng loạt đóng cửa sau khi được lực lượng chức năng thông báo, song vẫn còn một số quán hàng ăn sáng, ăn nhanh tại một số địa bàn chưa thực hiện nghiêm quy định. Đơn cử, quán bún cá trên phố Nguyễn Khắc Cần, quận Hoàn Kiếm vào trưa ngày 17.2 vẫn tấp nập người ra vào bất chấp lệnh cấm. Cách đó không xa, một số quán hàng kinh doanh thức ăn đường phố, trà đá, vỉa hè trên phố Hàng Mã cũng được lực lượng chức năng yêu cầu thu dọn ngay lập tức vì không tuân thủ chỉ đạo. Ngược một chút về các địa bàn xa nội thành như tại các đường nhánh của phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, khu vực Nhổn - Trạm Trôi, trục đường 32 - Sơn Tây… do thiếu vắng lực lượng chức năng nên tại các nơi này không khó để bắt gặp những quán hàng ăn rong vẫn hoạt động bình thường như chưa hề có lệnh cấm.

Chia sẻ về quyết định tạm thời đóng cửa quán vỉa hè theo chỉ đạo của thành phố, chị Hoàng Thị Mai, chủ quán cơm bình dân tại Long Biên, Hà Nội bày tỏ: Quyết định của thành phố về việc đóng cửa tạm thời các quán hàng vào thời điểm này là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế. Bởi sau Tết mọi người về quê ăn Tết trở lại thủ đô khá nhiều, nếu không ngăn chặn các hàng quán thì nguy cơ bùng phát dịch sẽ rất cao. Đối với các hàng quán, tôi nghĩ việc đóng cửa ở thời điểm này không quá bị ảnh hưởng bởi đầu năm khách không nhiều, trong khi đó việc thuê nhân công làm việc tại quán cũng khó, nếu thuê được giá cũng cao gấp đôi, gấp rưỡi ngày thường nên đóng cửa để vừa bảo đảm công tác phòng dịch, vừa không tốn chi phí cũng là điều cần làm.

 Khảo sát tại một số quán hàng ăn tại các tuyến phố lớn trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hà Đông… cho thấy, để ứng phó với diễn biến dịch, thay vì đóng cửa hàng, nhiều quán hàng vẫn phục vụ khách hàng bình thường, nhưng với hình thức bán hàng cho khách mang về hoặc qua hình thức giao hàng tận nơi. Đơn cử, quán bún bò của anh Nguyễn Văn Thành, Văn Quán, Hà Đông, mặc dù trước đây quán ăn của anh chỉ phục vụ khách tại quán, nhưng từ đợt dịch Covid-19 diễn ra năm 2020, để không phải đóng cửa hoàn toàn, quán chuyển sang phục vụ khách online. Anh Thành cho biết: “Chúng tôi đã có kinh nghiệm phục vụ khách trong đợt dịch Covid-19 năm 2020 nên khi có yêu cầu của lãnh đạo thành phố cửa hàng chấp hành nghiêm. Chỉ mong nhanh chóng hết dịch để các hoạt động của người dân được trở lại bình thường như trước”.

Chị Nguyễn Mai Hà, chủ quán cơm văn phòng ở Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng chia sẻ: từ ngày 17.2, tất các cơ quan bắt đầu làm việc trở lại và chị đã có kế hoạch mở quán ăn hoạt động sau 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán để phục vụ thực khách. Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của  thành phố, chị Hà quyết định mở quán hoạt động trở lại vào ngày 17.2 như kế hoạch, nhưng không phục vụ tại quán mà chỉ bán cho khách mang đi. “Quán đã có lượng khách quen nhất định nên tôi đã chủ động liên hệ với 3 shipper để kịp ship suất ăn cho khách có nhu cầu”…

Dẫu vậy, bày tỏ quan điểm và bình luận về vấn đề này trên mạng xã hội, dư luận cho rằng: TP Hà Nội cần làm nghiêm, quyết liệt, chặt chẽ, xử lý mạnh tay hơn nữa đối với những trường hợp vi phạm lệnh cấm và không tuân thủ đúng theo quy định để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Hải Thanh - Xuân Mai