Quốc hội thảo luận tổ về ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022

Chấp nhận bội chi hay chọn giải pháp an toàn?

- Thứ Năm, 21/10/2021, 14:32 - Chia sẻ

Sáng 21.10, tiếp tục Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội thảo luận tại tổ về Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid - 19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Xã hội và cho rằng, năm 2021 nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid - 19. Đảng, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách tài chính nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch; nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đã hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống nhân dân. 

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long thảo luận tại tổ
Ảnh: Hồ Long

Trong bối cảnh khó khăn, các ĐBQH cũng đồng tình với việc cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết như Chính phủ trình. Tuy nhiên, ĐBQH Lương Quốc Đoàn (An Giang) đề nghị cần ưu tiên bố trí đủ nguồn để thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu của người nghỉ hưu trước 1995, điều chỉnh chuẩn nghèo và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội đã ban hành. Một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể hiệu quả chi ngân sách cho phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021? Chỉ rõ địa chỉ ở đâu hiệu quả, ở đâu sử dụng chưa hiệu quả để kịp thời chấn chỉnh. Cho rằng, năm 2022 là năm quan trọng để phục hồi nền kinh tế, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ dự kiến nguồn lực ngân sách phải chi là bao nhiêu để phục hồi kinh tế.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) lưu ý, Chính phủ cần xác định nguồn lực dành cho phòng, chống dịch Covid – 19 và phục hồi nền kinh tế trong năm 2022 là bao nhiêu? Các chuyên gia nhận định, nguồn lực này cần dành ra từ 3 – 4% GDP mới đủ để phục hồi nhanh lại nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ chưa có con số rõ ràng. Mặt khác, nếu chi từ 3 – 4% GDP cho công tác phòng, chống dịch Covid – 19 và phục hồi kinh tế thì sẽ vượt mức bội chi do Chính phủ đề ra. Ông Nguyễn Văn Hiển đặt vấn đề, chúng ta có chấp nhận vượt mức bội chi để phục hồi nhanh nền kinh tế, hay đi theo giải pháp an toàn là không vượt trần bội chi, nhưng chính sách nhỏ giọt và phục hồi hậu Covid – 19 sẽ mất nhiều thời gian hơn? 

Đối với giải pháp tăng thu, giảm chi, ông Nguyễn Văn Hiển khuyến cáo, giảm chi thực sự rất khó nhưng tăng thu cần lưu ý các vấn đề đã được nói đi, nói lại nhiều lần vẫn chưa khắc phục được, đó là thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đối với các nguồn thu từ thuế và phí, phải khắc phục cho được tình trạng chuyển nguồn, trốn thuế, gian lận thuế... "Tăng cường thực thi pháp luật tốt mới là giải pháp tăng thu tốt nhất”, ông  Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh. 

Hoàng Ngọc