Chắt chiu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu

- Thứ Ba, 28/09/2021, 06:33 - Chia sẻ

TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Thảo luận, xem xét và quyết định ngân sách có lẽ luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quốc hội các nước trên thế giới, bởi vì ngân sách quốc gia, tài chính công chính là nguồn lực vật chất chủ yếu để Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, chức năng quản trị và kiến tạo, phát triển quốc gia.

Tôi còn nhớ năm 2007, khi mới làm đại biểu Quốc hội, ngân sách nhà nước mới chỉ khoảng 357 nghìn tỷ đồng. Tới năm 2021, ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định đã gần 1,7 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong vòng 15 năm, quy mô ngân sách đã tăng gấp gần 5 lần, tỷ lệ bội chi bình quân 2016 - 2020 còn 3,45% GDP giảm mạnh so với 5,4% GDP giai đoạn 2011 - 2015.

Ngay với những nước phát triển như Mỹ thì ngân sách cũng luôn là vấn đề đau đầu của Chính phủ. Việc trình và bảo vệ Dự toán ngân sách liên bang hàng năm luôn là công việc khó khăn, ít khi nhận được sự đồng thuận ngay. Khi đoàn của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tới làm việc với Quốc hội Mỹ năm 2010, các nghị sĩ của Ủy ban Ngân sách cho biết lần đầu Chính phủ trình Dự toán là Quốc hội bác ngay, yêu cầu mang về làm lại với vô số nhận xét phản biện chính sách, đánh giá về hiệu lực, hiệu quả từng khoản, mục thu, chi. Chẳng thế mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) có tới 250 chuyên gia, nhân viên, hỗ trợ kỹ thuật cho Ủy ban Ngân sách, các Ủy ban của Quốc hội và nghị sĩ. Chúng ta cũng không quá ngạc nhiên khi thỉnh thoảng lại thấy chính phủ Mỹ thông báo chuẩn bị đóng cửa trong khi chờ Quốc hội đồng ý cho nâng trần nợ công để bù đắp thâm hụt ngân sách. Ví dụ như trong đại dịch Covid-19, tính đến tháng 6.2021, nợ công của Mỹ tăng vọt lên 28,5 nghìn tỷ USD và thâm hụt năm 2021 ước trên 3.000 tỷ USD. 

Năm nay, ngân sách sẽ đặc biệt khó khăn do tác động tiêu cực của đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19 quá khốc liệt, kéo dài trên diện rộng tại các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là ở Đông Nam Bộ, vốn là động lực và hạt nhân tăng trưởng của nền kinh tế. Việc điều hành chính sách vĩ mô, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Trong điều kiện nguồn thu ngân sách nhà nước giảm mạnh do tác động của giãn cách xã hội kéo dài, tình hình sản xuất kinh doanh của đa số hộ kinh doanh, doanh nghiệp cực kỳ khó khăn, có khả năng vỡ nợ hàng loạt do mất khả năng tài chính, không trả được nợ ngân hàng, mất đơn hàng, mất thị trường, mất lao động, chi phí chống dịch để duy trì sản xuất, chi phí nguyên, nhiêu vật liệu, logistics tăng cao cộng với rủi ro chung của kinh tế thế giới, Chính phủ đã và đang tích cực rà soát, điều chỉnh, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm, nhất là chi thường xuyên, chống lãng phí, tăng chi cho phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Việc thực hiện chính sách tài khóa bình thường vốn đã khó khăn do nguồn thu thì có hạn còn nhu cầu chi thì rất lớn đối với một nước vừa thoát nghèo như Việt Nam, nhất là chi đầu tư phát triển mà chúng ta thường chỉ đáp ứng chưa tới 50% nhu cầu, lúc nào cũng phải co kéo, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, cân đối giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương, vùng miền, chương trình mục tiêu quốc gia, công trình, dự án cụ thể theo thứ tự ưu tiên, thì trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài và nền kinh tế suy giảm sâu làm nhiệm vụ càng nặng nề hơn.

Với hệ thống pháp luật hiện hành về tài chính công và ngân sách nhà nước, trên nền tảng hiện đại hóa, tin học hóa, số hóa, việc quản lý ngân sách nhà nước đã ngày càng tốt hơn, việc phân cấp, kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách được bảo đảm, chi tiêu được kiểm soát chặt chẽ theo kết quả đầu ra trên cơ sở dự toán được Quốc hội giao, Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, bảo đảm nguyên tắc và kỷ luật tài chính, tin tưởng rằng, chúng ta sẽ có được nguồn lực tài chính để bảo đảm chống dịch và hoạt động bình thường của các cơ sở y tế để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp sớm trở lại sản xuất không chỉ trong quý IV năm 2021, mà cả trong giai đoạn phục hồi kinh tế 2 năm tới, hướng tới các mục tiêu phát triển trung hạn 5 năm.

Trong tiếng Việt có từ “chắt chiu” thật đắt và đúng với việc thu, chi ngân sách. Chính sách thuế, phí thế nào để còn nuôi dưỡng nguồn thu, chi ra sao để phát triển nguồn thu, để cái “bánh ngân sách” ngày càng to ra, phúc lợi xã hội ngày càng lớn hơn để không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và tăng cường tiềm lực quốc gia. Chắc chắn tại Kỳ họp vào tháng 10 tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận chi tiết, phân tích, đánh giá đúng tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 và quyết định ngân sách nhà nước năm 2022 để giải quyết cụ thể những nhiệm vụ đó.