Hội thảo Giáo dục năm 2019: Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập Quốc tế

Chất lượng là yếu tố sống còn

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 08:42 - Chia sẻ
Dưới dạng hội thảo tương tác, Ban tổ chức muốn nhiều người phát biểu, nhìn nhận vấn đề ở các góc độ khác nhau, để qua đó, sẽ có sự nhìn nhận toàn diện hơn về vấn đề phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế. Thực tế, trong giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp là một vấn đề khó.

Hội thảo đã nghe phân tích của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đặt ra những vấn đề căn bản của giáo dục nghề nghiệp trên thế giới. Có những vấn đề mang tính định hướng để chúng ta phát triển, như: 5 xu thế toàn cầu, 3 lĩnh vực cải cách, 2 cơ hội cải cách hướng tới một hệ thống giáo dục nghề nghiệp đẳng cấp thế giới tại Việt Nam. Cũng tại Hội thảo, chúng ta đã nghe 3 chuyên đề: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các diễn giả, đại biểu tham dự đã thẳng thắn trao đổi, qua đó cho thấy bức tranh giáo dục nghề nghiệp Việt Nam có nhiều thành tựu, tuy nhiên, còn có nhiều vấn đề đặt ra.

Tôi ghi nhận 5 vấn đề thu hoạch từ Hội thảo: Thứ nhất, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi từng lo lắng liệu có đủ chuyên gia để nhìn nhận các vấn đề của giáo dục nghề nghiệp hiện nay hay không? Qua hội thảo, tôi có lòng tin rằng, chúng ta đã hình thành được một đội ngũ chuyên gia - những người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở, nhà quản lý chính sách...

Thứ hai, giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Đôi khi chúng ta phân định từng bộ, từng địa phương, từng cơ quan... nhưng tất cả phải hoạt động trên cơ sở có một chiến lược thống nhất về phát triển giáo dục nghề nghiệp, dưới sự quản lý của nhà nước.

Thứ ba, vấn đề tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp còn đặt ra nhiều tồn tại, bất cập.  Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 đã nói rất rõ vấn đề tự chủ của các đơn vị đào tạo, khẳng định tự chủ là điều kiện tất yếu để tạo môi trường cho giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng phát triển. Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng quy định 3 yếu tố căn bản nhất là tự chủ trong chuyên môn, nhân sự và tài chính. Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, tự chủ kèm theo chiến lược phát triển, sứ mệnh đào tạo của từng cơ sở.

Thứ tư, chất lượng là yếu tố sống còn của giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Chất lượng phải có quy trình chứ không phải cái gì đó mơ hồ, nhà trường phải theo quy trình xây dựng chất lượng. Đương nhiên, trong giáo dục nghề nghiệp, nhà trường phải gắn kết với doanh nghiệp.

Thứ năm, phải đi đến tận cùng các chính sách đã ban hành và đang làm. Điều gì cũng đã được nói đến, đang triển khai, nhưng chưa đi đến cùng. Hiện nay chính sách  có nhiều, riêng trong giáo dục có Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp - đó là Luật chuyên sâu dưới Luật Giáo dục, rồi Luật Giáo dục đại học, rồi Bộ luật Lao động, Luật Việc làm... Vấn đề tuyển sinh, liên thông, khung trình độ tám bậc đã được đặt ra; Luật Giáo dục 2019 cũng đặt ra việc dạy văn hóa trong trường nghề, nhưng sẽ được triển khai như thế nào, nhìn nhận ra sao?...

Hội thảo nhằm tạo sự nhìn nhận trong đa dạng, nhưng thống nhất về vấn đề giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Hy vọng rằng, các ý kiến sẽ tạo ra được cơ sở để những nhà làm chính sách vĩ mô, quản lý nhà nước, kể cả các thầy cô trong cơ sở đào tạo, doanh nghiệp sẽ nhìn nhận lại, hiểu và điểu chỉnh từ góc độ chính sách vĩ mô nhà nước tới quản lý, từng cơ sở. Báo chí truyền thông cũng tạo dư luận nhìn rõ hơn, để thấy rõ ràng, với nước đang phát triển như Việt Nam, giáo dục nghề nghiệp là cực kỳ quan trọng.

Chúng tôi tin rằng, tất cả cùng hành động, các ý kiến ngày hôm nay sẽ được chuyển tải, và từ từ trở thành kết quả. Và đóng góp cao nhất của chúng ta là đội ngũ giáo dục nghề nghiệp tốt hơn, đội ngũ nhân lực tốt hơn, sự phát triển đất nước tốt hơn. Tôi tin đó không còn là ước mơ, mà sẽ thành hiện thực. 

L. Thư - Th. Nguyên lược ghi