Theo dòng sự kiện

Chất lượng lập pháp từ những dự luật đầu tiên

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 06:41 - Chia sẻ
Kết thúc ngày làm việc thứ tư của Kỳ họp thứ Hai, 6/7 dự án luật “đầu tay” của nhiệm kỳ Khóa XV đã được Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ. Qua các phiên thảo luận cho thấy, các ĐBQH đều đánh giá cao chất lượng chuẩn bị các dự án luật, kể cả hồ sơ do Chính phủ trình và đặc biệt là báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Trong đó, nhiều ĐBQH cho rằng, nếu tiếp thu đầy đủ và giải trình thấu đáo các vấn đề được cơ quan thẩm tra đặt ra cũng như ý kiến tại phiên thảo luận tổ thì một số dự án luật có thể thông qua được luôn chứ không cần phải chờ đến kỳ họp sau.

Những nhận định, đánh giá này đã cho thấy sự chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Bởi trước đây, như nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhiều lần nhận xét, chất lượng các dự luật trình Quốc hội lần đầu hầu như “đều có vấn đề”. Vẫn có tâm lý cho rằng, dự luật trình Quốc hội lần đầu mới chỉ là “cày vỡ” rồi sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện. Vì thế, có tình trạng, dự luật sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu thì đã thay đổi hẳn cả về bố cục, nội dung chính sách, trong đó có cả những chính sách mới được bổ sung. Điều này không chỉ khiến các dự luật không bảo đảm chất lượng mà còn làm mất rất nhiều công sức, thời gian của Quốc hội.

Để chấm dứt tình trạng này không có cách nào khác là phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương lập pháp. Các cơ quan của Quốc hội đã chủ động phối hợp với cơ quan trình từ sớm, từ xa rồi thì phải chủ động hơn nữa, sớm hơn nữa, xa hơn nữa. Với tinh thần đó, chỉ chưa đầy nửa tháng sau Kỳ họp thứ Nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực đã làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội về 7 dự luật trình Kỳ họp thứ Hai, không phải “một phiên họp chung, nghe hết một lượt” mà là nghe từng dự án luật. “Lúc đấy, nhiều dự án luật còn chưa có hồ sơ gửi đến các cơ quan của Quốc hội để nghiên cứu chứ chưa nói đến thẩm tra sơ bộ”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chia sẻ.

Tuy là cuộc làm việc “mang tính chất nội bộ”, nhưng những vấn đề cốt lõi của từng dự án luật đã được bàn thảo chi tiết tại các cuộc làm việc này. Trên cơ sở đó, Thường trực các Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, tham vấn chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động để khi hồ sơ dự án luật được cơ quan trình gửi đến thì có thể thẩm tra được ngay.

“Ủy ban Pháp luật chịu trách nhiệm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, thực sự là lĩnh vực vô cùng khó, vô cùng chuyên sâu nên chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo trực tuyến với các chuyên gia trong cả nước, đại diện các công ty luật, giới luật sư, giới doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các giảng viên chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp trực tiếp hoạt động trong các lĩnh vực này… Nhờ đó, Ủy ban đã có dữ liệu thông tin hết sức phong phú phục vụ cho quá trình thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về những vấn đề cụ thể của dự luật này”.

Nhắc lại quá trình này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, sau khi các dự án luật được thẩm tra sơ bộ và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ đã giải trình, tiếp thu tối đa để hoàn thiện. Trong đó có những dự luật được hoàn thiện trong thời gian rất gấp nhưng với sự đồng hành chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ nên đã bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội. Đơn cử như dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ Nhất, Chính phủ muốn rút khỏi chương trình vì không chuẩn bị kịp. Nhưng qua làm việc với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Lãnh đạo Quốc hội thấy rằng dự luật này không thể trì hoãn được. Do đó, cơ quan thẩm tra và cơ quan trình đã làm ngày làm đêm với nhau để chuẩn bị.

Qua nhiều vòng thảo luận, giải trình, tiếp thu, chất lượng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội đã khác hẳn. Nếu phiên bản ban đầu vẫn theo tư duy truyền thống, ứng xử với điện ảnh như một ngành nghệ thuật thuần túy, như nhận xét của giới chuyên gia “là dự luật về phim” thì lần này đã tiếp cận điện ảnh với tư cách là một ngành công nghiệp văn hóa, một ngành kinh tế với những yêu cầu hoàn toàn khác so với điện ảnh truyền thống. Từ “suýt” phải rút khỏi chương trình, dự luật được các ĐBQH đánh giá là có chất lượng tốt. Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cũng tương tự như vậy, “chất lượng gần như là lần trình thứ hai rồi”.

“Lần này, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định là Bộ Tư pháp đã làm rất kỹ lưỡng, trách nhiệm và cũng linh động. Khi có sự thay đổi, điều chỉnh thì đã thẩm định bổ sung ngay. Các cơ quan của Quốc hội cũng làm việc hết sức cầu thị, tích cực, trách nhiệm, lắng nghe nhau, tiếp thu được rất nhiều ý kiến của các ngành, các giới…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận.

Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, ở từng dự án luật vẫn có những nội dung còn ý kiến khác nhau, không phải cơ quan thẩm tra và cơ quan trình có ý kiến khác nhau mà ngay cả giới chuyên gia cũng có ý kiến khác nhau. Vì thế, Quốc hội phải tiếp tục thảo luận cho kỹ lưỡng để dù chọn phương án nào cũng phải khả thi nhất, đạt được sự đồng thuận cao nhất. 7 dự luật trình tại kỳ họp này là những sản phẩm lập pháp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV nên phải thực sự chuẩn mực. Vì thế, đúng như Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, mỗi đại biểu Quốc hội cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, thảo luận cho thật kỹ, thật “chín” để hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm chất lượng luật tốt nhất để luật ban hành đi vào cuộc sống được ngay, không bị lỗi nhịp hay nhanh phải sửa đổi, bổ sung.

Lam Anh