Chất vấn để tìm tiếng nói đồng thuận

- Thứ Tư, 10/11/2021, 08:26 - Chia sẻ
Sáng nay, 10.11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Đây là một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm. Cử tri và nhân dân kỳ vọng rất nhiều vào phiên chất vấn này. Bởi chất vấn ở đây không phải là “bới lông tìm vết” mà chất vấn để tìm tiếng nói đồng thuận, giúp công tác quản lý, điều hành hiệu quả hơn.
Sáng nay, 10.11, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế 

Không phải ngẫu nhiên, người đầu tiên được lựa chọn để ngồi vào “ghế nóng” trong Phiên chất vấn lần này là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Bởi lẽ, y tế đã trở thành lĩnh vực “nóng” trong suốt 2 năm qua bởi sự xuất hiện của Covid -19. Chúng ta chứng kiến mỗi ngày có tới hàng nghìn, thậm chí hơn chục nghìn người nhiễm, và đau xót hơn hết, hàng chục nghìn người đã ra đi mãi mãi vì Covid. Trong cơn bão dịch đó, hình ảnh những “chiến sỹ áo trắng” đã lao vào tâm dịch để cứu người, cứu đồng bào mình thật sự gây xúc động. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phòng, chống dịch vẫn còn những hạn chế, cần phải khắc phục.

Người đứng đầu ngành y tế cũng thẳng thắn nhận định, đây là đại dịch mới, chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra trên quy mô toàn cầu; hầu hết các nước chưa có nhiều kinh nghiệm và có các cách ứng xử khác nhau; biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh, khó kiểm soát đối với tất cả các nước và kéo dài nên trong thời gian đầu của đợt dịch, công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động. Còn tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc dịch đã đi qua; ngược lại, khi có dịch lại hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh; còn thiếu quyết liệt, thiếu kiên định, còn chần chừ; sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa các địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, thiếu nhất quán.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 cũng cho thấy: Các quy định của pháp luật hiện hành chưa thể bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh. Nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi, một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây bức xúc trong xã hội, nhất là việc đi lại của người dân. Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch. Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vaccine... đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước; ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn tình trạng thiếu thống nhất, đồng bộ. Công tác truyền thông giai đoạn đầu còn chậm trễ trong việc cung cấp thông tin định hướng dư luận.

Chúng ta không thể phủ nhận được những thành quả, những nỗ lực của ngành y tế trong suốt 2 năm qua khi phải chống chọi với dịch Covid -19. Hình ảnh các nhân viên y tế không quản ngại ngày đêm ăn ngủ trong tâm dịch để bảo vệ tính mạng người dân. Hình ảnh lãnh đạo ngành y tế đã ngày đêm đi vào tâm dịch để trực tiếp chỉ đạo nóng những việc cần làm ngay để dập dịch... Tất cả những hình ảnh đó, việc làm đó cử tri, nhân dân đều ghi nhận, đánh giá cao với tình cảm biết ơn và trân trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh có, vẫn còn có những tồn tại trong công tác phòng chống dịch, công tác tiêm chủng... Ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn về những tồn tại. Tuy nhiên, chất vấn không phải là việc “bới lông tìm vết” mà cùng nhau thẳng thắn nhìn lại những điều chưa làm được để tìm ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp. Chất vấn là để tìm được tiếng nói đồng thuận, để giúp Tư lệnh ngành, Chính phủ quản lý, điều hành hiệu quả hơn.

Đây cũng là phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội Khóa XV. Cử tri, nhân dân và dư luận kỳ vọng rất nhiều vào độ "nóng" của phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên này.

Hà An