Châu Âu băn khoăn giữa kinh tế và môi trường

- Chủ Nhật, 26/01/2014, 08:14 - Chia sẻ
Hàng tỷ euro là số tiền hàng năm Liên minh châu Âu (EU) bỏ ra để thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường. Nhưng ngay đến những thành viên ưu tiên chính sách môi trường nhất cũng bắt đầu lo ngại châu Âu không thể cùng lúc có được 2 điều: hoàn thành các mục tiêu môi trường và phục hồi tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Chiến lược môi trường đến năm 2030 được Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 22.1 được xác định là gạch nối giữa những mục tiêu ngắn hạn vào năm 2020 và mục tiêu dài hạn vào năm 2050. Theo đó, EU đặt mục tiêu cắt giảm 40% lượng khí nhà kính so với mức năm 1990, cũng như sản xuất 27% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo. Hệ thống giao dịch khí thải (ETS) sẽ được cải cách với việc thành lập quỹ dự trữ chứng chỉ phát thải, một cơ chế linh hoạt có lợi cho các quốc gia ít phát thải. Ngoài ra, các thành viên sẽ phấn đấu đạt mức sử dụng điện năng hiệu quả 25% vào thời điểm trên. Nhưng đây không phải là mục tiêu bắt buộc.  

Một ngày trước khi EC công bố chiến lược trên, tại một hội thảo về môi trường tại Berlin, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho biết, hiện nước này tốn 32 tỷ/năm để trợ giá cho điện năng từ năng lượng tái tạo, hạt nhân của chính sách môi trường mang tên Energiewende. Theo ông Gabriel, không còn quốc gia nào chịu gánh nặng lớn như vậy. “Phải bảo đảm bảo vệ môi trường sẽ gắn với phát triển kinh tế, hay ít nhất không đe dọa điều đó”, ông Gabriel cảnh báo. Giá điện ở Đức cao thứ 2 ở châu Âu, chỉ sau Đan Mạch.

Đúng ra EC có thể công bố chiến lược trên sớm hơn nếu không có sự phản đối mạnh mẽ từ Anh và một số nước khác. Đề xuất của London về việc bỏ mục tiêu sản xuất 27% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo bị bác bỏ vào phút cuối bởi Đức, Pháp và Italy không có cùng quan điểm. Phó giám đốc Liên hiệp Công nghiệp Cộng hòa Séc Jan Rafaj nhận xét, với một chiến lược tham vọng quá mức, châu Âu lần nữa thể hiện rằng châu lục này không muốn nâng cao sức cạnh tranh của chính mình. Một số nước thành viên khác thì cho rằng giảm 35% lượng khí thải là đủ.

Trong khi đó, theo các nhà hoạt động môi trường, EC đã đặt mục tiêu quá thấp. Nhóm Những người bạn của Trái đất và Hòa bình xanh tuyên bố chiến lược là một thất bại chính trị, bởi tất cả các mục tiêu đều quá thấp. Còn theo chuyên gia Barbora Urbanova từ Liên minh Khí hậu, EC đúng ra phải nâng mục tiêu giảm khí thải lên 40%, nếu muốn giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 20C.   

Liên quan đến chính sách môi trường, châu Âu hiện chia thành 2 luồng ý kiến đối lập. Ngày càng nhiều người cho rằng EU đã quá tham vọng trong lĩnh vực môi trường mà bỏ quên kinh tế. Theo Cao ủy Biến đổi khí hậu Connie Hedegaard, ý kiến này không đúng bởi nghiên cứu và phát triển nguồn năng lượng mới là ngành tạo ra nhiều việc làm mới nhất trong giai đoạn khủng hoảng. Thu phí và cấp phép khí thải carbon cũng là động lực thúc đẩy phát minh sáng tạo trong giới doanh nghiệp.

Ý kiến của bà Hedegaard có đúng và có sai. Nghiên cứu luôn tạo ra nhiều cơ hội mới, nhưng trong ngắn hạn gánh nặng chi phí lại quá lớn. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi châu Âu chưa phục hồi từ cơn bão nợ công. Đức, quốc gia giàu có nhất châu Âu, cũng đã lên tiếng. Hay ở Tây Ban Nha, giá điện sinh hoạt trung bình là 30 cent/kWh – và chừng đó vẫn chưa đủ để trả chi phí cho nhà sản xuất điện. Chính phủ phải bù đắp phần còn lại, chi nhiều cho môi trường nghĩ là Madrid, vốn đang chật vật giảm nợ công, phải cắt giảm chi tiêu của hệ thống phúc lợi,… Cuộc cách mạng khí đá phiến ở Mỹ không chỉ giúp giảm đáng kể chi phí năng lượng cho giới doanh nghiệp nước này, mà còn đẩy các doanh nghiệp cung cấp than tràn sang thị trường châu Âu. Chi phí sản xuất cao do giá nhiên liệu cao ở lục địa già làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp châu Âu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sẽ tính đến việc chuyển sang dùng than, cuối cùng lại làm tăng lượng khí thải nhà kính. Đó là một nghịch lý đáng buồn: trong khi Mỹ, quốc gia luôn bị chỉ trích vì ít cam kết trong lĩnh vực môi trường, giảm đáng kể lượng phát thải nhờ cuộc cách mạng trong công nghệ năng lượng thì EU, dẫn đầu thế giới về những chính sách môi trường tiến bộ, lại có nguy cơ vì chính những chính sách này mà không đạt được cả mục tiêu môi trường lẫn kinh tế. Theo nhà phân tích Tim Boersma ở Viện Nghiên cứ Brookings, châu Âu cần tìm lợi thế cạnh tranh của riêng mình thay vì cố đuổi theo thành công của Mỹ, mà cơ sở đến từ điều kiện tự nhiên. Nhưng lợi thế này nằm ở đâu, thì đó lại là một câu chuyện dài tốn nhiều giấy mực khác.

Ngọc Điệp