Đối phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai

Châu Âu có thể học gì từ châu Á?

- Thứ Hai, 26/10/2020, 07:00 - Chia sẻ
Trong lúc nhiều quốc gia châu Âu còn đang ngần ngại áp đặt trở lại biện pháp phong tỏa trước làn sóng mới của dịch bệnh Covid-19 thì Trung Quốc đã cho thấy khả năng kiểm soát dịch bệnh thành công và có hai quý liền kinh tế tăng trưởng dương.

Châu Âu trước cơn "đại hồng thủy" mới

Trở thành điểm nóng về đại dịch Covid-19 sau khi số ca mắc tăng chóng mặt, châu Âu buộc phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế, bao gồm cả lệnh giới nghiêm và phong tỏa.

Ngày 22.10, nước Pháp trở thành quốc gia mới nhất của châu Âu tái áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt khi Chính phủ nước này nới rộng lệnh giới nghiêm ra 54 tỉnh, với khoảng 46 triệu dân có liên quan. Quyết định trên được đưa ra sau khi nước Pháp ghi nhận tới 41.622 ca dương tính với SARS-CoV-2 qua các hình thức xét nghiệm, chỉ trong 1 ngày. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính đã vượt lên 14,3%.

Hàng loạt hàng quán trên nước Pháp phải đóng cửa vì lệnh giới nghiêm
Nguồn: Le Parisien

Bỉ, nơi tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng 100% hồi tuần trước, đã quyết định đóng cửa quán bar và nhà hàng trong 1 tháng, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Trước sự lan rộng của dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke cảnh báo, Thủ đô Brussels và khu vực miền Nam Wallonia của nước này đang tiến gần cơn "đại hồng thủy”. Điều này có nghĩa là khi đó, các nhà chức trách sẽ mất kiểm soát hoàn toàn và mọi hoạt động chăm sóc sức khỏe không liên quan tới dịch Covid-19 phải ngừng hoạt động. Bộ trưởng Frank Vandenbroucke đồng thời kêu gọi mọi người nâng cao ý thức kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe bản thân.

“Hiện giờ, chúng ta vẫn có thể kiểm soát dịch bệnh, chúng ta vẫn có thể điều tiết hoạt động của các bệnh viện. Tuy nhiên, nếu số ca lây nhiễm tiếp tục tăng, số người nhập viện tăng nhanh, chúng ta buộc phải đình chỉ một số hoạt động điều trị không liên quan đến Covid-19. Đây là điều hết sức nguy hiểm. Tôi chỉ muốn gửi thông điệp tới các bạn: Hãy tự bảo vệ bảo thân, bảo vệ những người xung quanh. Và để làm vậy, bạn không được cho phép mình bị lây nhiễm Covid-19”.

Từng là tâm điểm dịch Covid-19 tại châu Âu hồi tháng 3, nhà chức trách Italy đã phải nhanh chóng ban hành những biện pháp hạn chế mới nhằm tránh tái diễn kịch bản cũ. Theo đó, các nhà hàng, quán bar buộc phải đóng cửa sớm hơn, trong khi các cơ quan, công ty đẩy mạnh hình thức làm việc từ xa.

Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới tăng gấp 2 lần hồi tuần trước, Thụy Sĩ cũng đã đưa ra một số biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang tại những điểm công cộng, hạn chế sự kiện tụ tập đông người. Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset nhận định, làn sóng Covid-19 thứ hai đang hiện hữu, xảy ra sớm hơn với tốc độ lây lan nhanh hơn dự đoán. Trong tình trạng tương tự, Đức, Tây Ban Nha đã quyết định tăng cường biện pháp hạn chế phòng dịch như mở rộng khu vực đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

Ireland đã trở thành quốc gia Liên minh châu Âu đầu tiên tái áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc, với những quy định hạn chế được đặt ở mức cao nhất. Theo đó, toàn bộ các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu buộc phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng và quán bar chỉ được phép kinh doanh dịch vụ mang đồ ăn/uống về nhà. Người dân không được phép đi quá phạm vi 5km tính từ nhà của họ. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực trong vòng 6 tuần, kể từ 23 giờ ngày 21.10.

Tuy nhiên, trong khi giới chức châu Âu không khỏi lo ngại làn sóng dịch mới thì người dân một số nước vẫn chống đối các biện pháp phong tỏa, như ở CH Séc mới đây. Điều này buộc các nước châu Âu phải đặt câu hỏi: Làm thế nào Trung Quốc và một số nước châu Á có thể xử lý dịch bệnh thành công đến vậy?

Bài học từ châu Á

Với nhiều người ở châu Âu, cách xử lý Covid-19 của Trung Quốc và nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam bị coi là khá hà khắc, chẳng hạn việc Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán trong 76 ngày khi các ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở đây vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, các nước châu Á thành công trong kiểm soát dịch không hẳn chỉ nhờ các biện pháp kiểm soát từ sớm mà là cách xử lý mọi việc sau khi người dân được di chuyển tự do.

Cụ thể, Trung Quốc cũng như Hàn Quốc và Việt Nam đã cho theo dõi và truy vết các ca bệnh khắp nước mỗi khi có chùm ca bệnh mới. Giới chức Trung Quốc phản ứng nhanh chóng và kiểm soát các ổ dịch tại từng địa phương. Trung Quốc đã áp dụng hệ thống mã sức khỏe phân loại theo màu để theo dõi hoạt động di chuyển của người dân. Ai có tình trạng sức khỏe tốt và mã QR tương ứng màu xanh mới được vào doanh nghiệp. Từ đó, bảo đảm gần như mọi người áp dụng biện pháp này, giúp việc truy vết tiếp xúc trong trường hợp xảy ra đợt bùng phát dịch dễ dàng hơn.

Các biện pháp này cho phép chính quyền địa phương phong tỏa từng khu vực hoặc thực hiện xét nghiệm hàng loạt khi cần thiết. Thành phố Thanh Đảo ở Đông Bắc là ví dụ, trên 10 triệu dân ở đây đã được xét nghiệm trong vòng một tuần sau khi ghi nhận 12 ca nhiễm trong cộng đồng.

Phương tiện công cộng có thể bị hạn chế hoặc bị chặn hoàn toàn nếu bùng phát dịch. Nhập cảnh cũng bị hạn chế nghiêm ngặt với nhiều biện pháp cách ly bắt buộc với hành khách.

Bên cạnh đó, nhân tố quan trọng mang lại thành công trong công tác phòng, chống dịch ở Trung Quốc và nhiều nơi ở châu Á là nhờ thái độ tuân thủ của người dân. Người dân đeo khẩu trang và tuân thủ các quy định vệ sinh nơi công cộng nhờ chiến dịch tuyên truyền rộng rãi và giám sát chặt chẽ của chính quyền. Châu Á, đặc biệt là Đông Á đã trải qua dịch SARS năm 2003 và ký ức về đợt dịch này vẫn còn rõ nét, khiến người dân dễ chấp nhận đeo khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa. Còn tại nhiều nơi ở châu Âu và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đeo khẩu trang còn là vấn đề gây tranh cãi ngay cả đến tận bây giờ, mặc dù khẩu trang đã chứng minh hiệu quả phòng dịch.

Sau khi bị chỉ trích vì cách xử lý dịch ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc đã thừa nhận Covid-19 là mối đe dọa quốc gia và lập tức thay đổi cách phản ứng với dịch bệnh. Còn ở châu Âu và Mỹ, ngay cả khi thừa nhận mối đe dọa của dịch bệnh nhưng nhiều nước vẫn lưỡng lự trong chống dịch bệnh.

Các nước ở châu Á cũng cảnh giác cao kể cả khi đã quay trở lại trạng thái bình thường. Trung Quốc có thể phản ứng nhanh với chùm ca bệnh mới, theo dõi và lần dấu vết những người có nguy cơ mắc bệnh thông qua mã QR, ứng dụng, hệ thống camera giám sát rộng khắp. Nỗ lực tương tự cũng được thực hiện ở Hàn Quốc và nhiều nước châu Á.

Trong khi đó, công tác truy vết ở phần lớn châu Âu vẫn không hiệu quả. Nhiều nước thiếu khả năng xét nghiệm hàng loạt. Sau khi thực hiện xét nghiệm, nhiều nước cũng không thể đủ cơ sở hạ tầng để theo dõi người tiếp xúc và cách ly chùm ca bệnh.

Không chỉ thế, biên giới châu Âu khá rộng mở cho dù Liên minh châu Âu có quyền đóng biên giới vì sức khỏe cộng đồng. Khách du lịch mùa hè đi lại qua nhiều nơi và gây ra các đợt bùng phát dịch gần đây.

Trong những tháng can thiệp chống dịch bệnh, các biện pháp ở Trung Quốc đã có hiệu quả. Mô hình tương tự cũng thành công ở Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Á khác. Trong khi đó, châu Âu vẫn bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với đại dịch và đang chật vật với làn sóng thứ hai.

Đạt Quốc