Châu Âu tìm nhà lãnh đạo mới

- Thứ Năm, 02/12/2021, 08:14 - Chia sẻ
Việc bà Angela Merkel rời sân khấu chính trị sau 16 năm làm Thủ tướng không chỉ mở ra kỷ nguyên mới ở Đức mà còn có ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong Liên minh châu Âu (EU).

Cái bóng lớn

Theo AFP, người kế nhiệm của bà đang được chờ đợi để lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, cũng như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Mario Draghi đều đã được giới thiệu là ứng cử viên để đảm nhận vai trò lãnh đạo châu Âu của bà Merkel. Song các nhà phân tích cảnh báo, không ai có thể ngay lập tức đảm đương nhiệm vụ, do EU còn vô số thách thức chưa được giải quyết - từ tranh chấp nội bộ về pháp quyền cho đến nguy cơ bị gạt ra ngoài lề địa chính trị, đến những cú sốc sau Brexit.

Được ca ngợi vì bàn tay lèo lái vững chắc giúp khối liên minh lá cờ xanh vượt qua khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, Thủ tướng Angela Merkel - người sẽ từ biệt chính trường khi ông Scholz chính thức được bầu làm Thủ tướng vào tháng 12 này, đang rời sân khấu trong khi vẫn vô cùng được tín nhiệm trong và ngoài nước.

Trong suốt hơn một thập kỷ rưỡi cầm quyền, bà đôi lần bị chỉ trích vì khăng khăng bám sát kế hoạch của mình bất chấp sự phản đối của các đối tác, nhưng bên cạnh đó bà cũng được ca ngợi vì luôn giữ vững đường lối.

Ông Sebastian Reiche của Trường Kinh doanh IESE ở Tây Ban Nha viết: “Bà Angela Merkel được coi là một trong những chính trị gia quan trọng nhất trong thế hệ này, với tư cách là nhà lãnh đạo trên thực tế của EU và nhà lãnh đạo của thế giới tự do”.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), 41% công dân EU nói rằng nếu có thể, họ sẽ bỏ phiếu cho bà Merkel. Tương tự, chỉ 14% chọn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

“Chủ quyền châu Âu”

Tuy nhiên, một số nhà phê bình phương Tây cho rằng, nền chính trị “ổn định” của bà Merkel ngồi ngoài các cuộc khủng hoảng và ưu tiên các lợi ích kinh tế ngay cả trong giao dịch với Nga hoặc Trung Quốc chỉ làm hạn chế hội nhập châu Âu và thúc đẩy sức ì.

Việc bà rời nhiệm sở có thể sẽ mở ra cánh cửa cho một nhà lãnh đạo châu Âu quan trọng khác là Tổng thống Pháp Macron ngồi vào ghế lái.

Một số tín hiệu cho thấy châu Âu sẽ có thay đổi. Hiện Pháp nắm giữ chức Chủ tịch châu Âu từ tháng Giêng và với một liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ Xã hội lãnh đạo ở Đức sắp nhậm chức, ngay cả câu ngạn ngữ lâu đời của Đức về sự khắt khe về ngân sách cũng có vẻ lung lay khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu dường như muốn chi tiêu theo cách của mình để có thể thoát khỏi đại dịch.

Tương tự như vậy về quốc phòng, Đức đã từng được thoải mái dưới “lá chắn Mỹ”, không còn chắc chắn như vậy nữa sau nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, buộc các tầng lớp chính trị ở Berlin phải xem xét là những điều mà họ vẫn luôn cho là chắc chắn và bắt đầu thay đổi tư duy.

Chứng minh cho thay đổi đó, liên minh sắp tới của ông Scholz gồm các đảng Dân chủ Xã hội, đảng xanh và đảng Dân chủ Tự do, đã tuyên bố trong thỏa thuận của họ rằng nhiệm vụ của Chính phủ mới là xây dựng “một quốc gia mạnh về kinh tế và đông dân ở trung tâm châu Âu để kích hoạt, thúc đẩy và phát triển châu Âu có chủ quyền”.

Ông Alexandre Robinet-Borgomano của Viện Montaigne, Pháp nhận định: Sự ra đi của bà Merkel có thể cho phép tầm nhìn của Pháp về một châu Âu hùng mạnh phát triển, đó là tham vọng mà ông Macron đã luôn ấp ủ kể từ khi lên nắm quyền.

“Chủ nghĩa Merkel” sẽ kết thúc?

Trước sự thay đổi lãnh đạo sắp tới ở Berlin, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Italy Draghi gần đây đã ký một hiệp ước hợp tác song phương mới. Ngay cả khi vị tổng thống 43 tuổi của Pháp nói rằng nước này không tìm cách thay thế mối quan hệ Pháp - Đức, thời điểm của hiệp ước trên được đưa ra khi EU đang tự tái thiết sau Brexit.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp phải đối mặt với cuộc bầu cử vào năm 2022 trong bối cảnh phe cực hữu đang đặt ra nhiều thách thức lớn. Dù kết quả thế nào, Pháp vẫn có thể bị ràng buộc với chính trị trong nước trong một thời gian, hạn chế khả năng phát triển tầm nhìn lớn cho châu Âu.

Trong khi đó, ông Scholz, 63 tuổi, một chính trị gia giàu kinh nghiệm từng phục vụ trong hai Nội các của Thủ tướng Merkel, có thể nắm bắt cơ hội trở thành người kế nhiệm của bà. Nhưng các nhà phân tích cảnh báo, thời thế đã thay đổi, và nhiều điều “chủ nghĩa Merkel” có thể không phù hợp với kỷ nguyên mới.

Hai nhà phân tích Piotr Buras và Jana Puglierin của ECFR viết: “Chính sách duy trì trung lập và tránh các giải pháp cứng rắn cho tình trạng khó khăn của châu Âu dường như không phải là cách tiếp cận khả thi đối với những thách thức phía trước”. “Chủ nghĩa Merkel khó có thể tồn tại lâu hơn bà Merkel ... bởi vì EU sẽ cần một nước Đức có tầm nhìn xa hơn và can đảm hơn để củng cố nền tảng và bảo vệ vị trí của mình trên thế giới".

Hiện chưa rõ liệu ông Scholz, người từng tự phong mình là theo phong cách của bà Merkel trong chiến dịch tranh cử của Đức, sẽ bước ra khỏi cái bóng của bà để thực hiện một con đường cấp tiến hơn hay không.

Với việc cả hai người chơi chủ chốt của châu Âu có thể cần thời gian để thích nghi với thực tế hiện tại, một cực mới của sự ổn định đã xuất hiện ở miền Nam châu Âu vốn từng phải đối mặt với khủng hoảng nợ.

Nguồn: Reuters

Sự đình trệ tiềm ẩn?

Được mệnh danh là “Super Mario” trong thời gian nắm quyền lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã mang lại ổn định cho một quốc gia từng là tiêu đề cho những biến động chính trị và bê bối.

Theo bà Nicoletta Pirozzi của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Rome, ông Draghi “có thể lấp đầy khoảng trống mà bà Angela Merkel để lại với tư cách là người xây dựng sự đồng thuận trong Hội đồng châu Âu”.

“Ngoài ra, so với cách tiếp cận thận trọng của bà Merkel, ông ấy có thể tạo ra động lực mới trong các lĩnh vực chính của hội nhập châu Âu, từ cải cách quản lý kinh tế đến chính sách đối ngoại và quốc phòng, với sự hợp tác của Pháp và Chính phủ mới của Đức".

Nhưng bà Pirozzi lưu ý rằng, nhiều điều sẽ phụ thuộc vào việc liệu nhà lãnh đạo Italy, 74 tuổi, có thể quản lý để thực hiện thành công kế hoạch phục hồi kinh tế của EU hay không.

Cuộc bầu cử Tổng thống của Italy vào đầu năm 2022 “có thể thay đổi hoàn toàn bức tranh”, vì ông Draghi cũng được coi là “một trong những ứng cử viên tiềm năng đáng tin cậy nhất” trong cuộc đua đó.

Cho đến khi một nhà lãnh đạo mới của châu Âu có tầm như bà Merkel xuất hiện, một số nhà phân tích nhìn thấy một tương lai u ám cho khối, tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Nhà phân tích Helen Thompson của Đại học Cambrige tỏ ra bi quan, bà viết: “Bị cản trở bởi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, và những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ, EU đang sống trong một thế giới khác với những năm bà Merkel lên ngôi”. Theo bà, cả Thủ tướng Đức (mới) lẫn Pháp đều không thể lãnh đạo châu Âu, và trong trường hợp đó châu Âu sẽ dần tiến đến sự đình trệ.

Linh Anh