Châu Phi dẫn đầu tiến bộ ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học cho cây trồng

- Thứ Hai, 07/12/2020, 16:29 - Chia sẻ
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) về tình hình cây trồng công nghệ sinh học/biến đổi gen được thương mại hóa năm 2019 (Bản tóm lược ISAAA số 55), châu Phi hiện đang dẫn đầu tiến bộ trong việc ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) trên toàn cầu, điều này thể hiện ở việc tăng gấp đôi số lượng quốc gia áp dụng CNSH trong năm 2019.

Châu Phi được coi là khu vực có tiềm năng hưởng lợi lớn nhất từ việc ứng dụng cây trồng CNSH bởi phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến nghèo đói và suy dinh dưỡng diễn ra tại châu lục này. Năm 2018, các nước ứng dụng CNSH tại đây mới có Nam Phi, Sudan, Vương quốc eSwatini, thì đến năm 2019 đã tăng thêm 3 quốc gia (Malawi, Nigeria và Ethiopia) quyết định khai thác lợi ích của các giống cây trồng này. Ngoài ra, Kenya đã công bố việc thương mại hóa bông CNSH vào cuối năm 2019, và việc chính thức bắt đầu canh tác vào năm 2020. Bên cạnh bước tiến này, những tiến bộ đáng kể trong việc nghiên cứu cây trồng CNSH, quy định pháp luật cũng như sự chấp thuận đã được thấy rõ tại Mozambique, Niger, Ghana, Rwanda và Zambia.

Bản đồ cây trồng công nghệ sinh học tại 29 quốc gia trên thế giới năm 2019 (Nguồn: ISAAA, 2019)

Với sự tham gia của 3 quốc gia châu Phi, số lượng các quốc gia canh tác cây trồng CNSH đã tăng lên con số 29 vào năm 2019, từ 26 quốc gia năm 2018. Trong đó, năm quốc gia dẫn đầu với diện tích cây trồng CNSH lớn nhất là Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ. Với tỷ lệ ứng dụng cao các cây trồng CNSH chính tại các quốc gia này, có khoảng 1,95 tỷ người, tương đương với 26% dân số thế giới, được hưởng lợi từ CNSH vào năm 2019. 

Năm 2019, tổng cộng có 190,4 triệu ha cây trồng CNSH đã được canh tác tại 29 quốc gia trên, góp phần quan trọng vào giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực, tính bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như nâng cao đời sống của hơn 17 triệu nông dân ứng dụng CNSH cùng gia đình của họ trên toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng diện tích vùng trồng cây CNSH đạt đến hai con số đã được ghi nhận tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở Việt Nam, Philippines và Colombia.

“Trong Cuộc cách mạng xanh, bước nhảy vọt về năng suất đã đạt được thông qua việc sử dụng máy móc và thuốc trừ sâu cũng như phân bón hoá học; tại giai đoạn này của Cuộc cách mạng xanh lần thứ hai, CNSH đang đóng vai trò gia tăng trong việc giúp các nông trại nâng cao năng suất và lợi nhuận hơn nữa. Mặc dù xu hướng các công ty nông nghiệp lớn liên kết với các nông hộ nhỏ đã gây ra nhiều hoài nghi thậm chí chỉ trích, tuy nhiên điều tích cực là năng suất ở quy mô nông hộ nhỏ có tiềm năng nhân lên gấp nhiều lần,” TS. Paul S. Teng, Chủ tịch Hội đồng ISAAA cho biết.

Những đóng góp của cây trồng công nghệ sinh học vào việc giải quyết các vấn đề an ninh lương thực, bền vững và biến đổi khí hậu trên thế giới

Rất nhiều nông dân tại châu Phi đã thể hiện nhận thức và đánh giá cao hơn về CNSH. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo nông dân tại Kenya đã lấy lại niềm hy vọng đối với lợi nhuận từ việc trồng bông nhờ vào việc canh tác giống bông Bt năm 2020. “Bông Bt mang đến cho tôi cơ hội vàng để chu cấp cho gia đình và đảm bảo tương lai cho các con của tôi,” ông Francis Apailo, nông dân trồng bông tại miền tây Kenya chia sẻ. Với nhận thức cao hơn về công nghệ, những người nông dân châu Phi được kỳ vọng sẽ ứng dụng cây trồng CNSH để đem lại những tác động tích cực tới gia đình của họ cũng như cả châu lục.

ISAAA là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận chia sẻ lợi ích của công nghệ sinh học cây trồng tới các bên liên quan, đặc biệt là những nông dân nghèo nguồn lực tại các quốc gia đang phát triển, thông qua các sáng kiến chia sẻ kiến thức và hỗ trợ chuyển giao các ứng dụng CNSH độc quyền. Mạng lưới chia sẻ kiến thức toàn cầu của ISAAA cũng như quan hệ đối tác trong nghiên cứu và liên tục phát triển và nguồn thông tin dựa trên khoa học cho phép công chúng đưa ra quyết định sáng suốt về việc chấp thuận và sử dụng CNSH.

Chi An