Chạy có kịp đích

- Chủ Nhật, 01/11/2020, 09:01 - Chia sẻ
Mặc dù, đã có 5/7 tỉnh đã tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 6/7 tỉnh đã tích hợp với nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có Vĩnh Phúc, Bắc Ninh có số lượng giao dịch thành công phát sinh nhiều, các tỉnh còn lại chỉ dừng ở hoàn thành kết nối kỹ thuật, chưa phát sinh giao dịch hoặc số lượng giao dịch rất ít.

Đây là kết quả kiểm tra, đôn đốc về tình hình cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử ở 7 địa phương như Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình... Theo đó, đã có 7/7 tỉnh đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia và hầu hết đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Giang. Một số tỉnh đạt tỷ lệ cao về gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử như Bắc Giang 98%, Bắc Ninh 95%. Các tỉnh đều đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Thái Bình là tỉnh có số lượng xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử nhiều (92%).

Liên quan đến công tác triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện tất cả các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái hồ sơ. Bắc Ninh, Hà Nam là những tỉnh có nhiều hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đáng lưu ý, có 5/7 tỉnh đã tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 6/7 tỉnh đã tích hợp với nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, chỉ Vĩnh Phúc, Bắc Ninh có số lượng giao dịch thành công phát sinh nhiều, các tỉnh còn lại chỉ dừng ở hoàn thành kết nối kỹ thuật, chưa phát sinh giao dịch hoặc số lượng giao dịch rất ít. Việc triển khai tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia của các tỉnh đều rất chậm. Thêm vào đó, còn nhiều dịch vụ công/thủ tục hành chính đã quá hạn hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, đã có 5/7 địa phương ban hành các quyết định quy định chế độ báo cáo liên quan đến việc triển khai chuẩn hoá chế độ báo cáo; xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hầu hết các tỉnh đã triển khai hoặc đang triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Chẳng hạn, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang đang thử nghiệm kết nối 9 chỉ tiêu kinh tế - xã hội với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Bắc Ninh, Bắc Giang đã kết nối Hệ thống camera giám sát Trung tâm phục vụ hành chính công với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Từ thực tế kiểm tra cho thấy, có sự chưa đồng đều trong việc triển khai thực hiện ở các tỉnh, thành phố. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chia sẻ, liên thông và tích hợp; đáng lưu ý việc tích hợp kết quả xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia mới chỉ dừng lại ở việc “dán thủ tục”, tỷ lệ hồ sơ xử lý trên môi trường mạng chưa nhiều. Chính vì thế Tổ công tác của Chính phủ đã đề nghị các địa phương này tập trung vào tái cấu trúc, quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính, tập trung mạnh mẽ vào các thủ tục hành chính liên quan dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp… đồng thời giao chỉ tiêu đến hết tháng 11.2020 hoàn thành việc kết nối hệ thống báo cáo quốc gia; bảo đảm được mục tiêu kết nối 70% ở cấp tỉnh, 60% cấp huyện, 30% cấp xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, từ kết quả thực hiện cũng cho thấy các địa phương cần tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ liên quan về những lợi ích thiết thực của việc thực hiện Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Phạm Hải