Chạy đua với thời gian

- Thứ Tư, 23/12/2020, 06:48 - Chia sẻ
Nếu biến chủng mới của SARS-CoV-2 đang khiến nước Anh phải tự cách ly thì những bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể khiến xứ sở sương mù càng thêm cô độc. Chỉ còn một tuần nữa là năm 2020 sẽ kết thúc, liệu việc đạt được thỏa thuận có trở nên xa vời khi mà mới đây Thủ tướng Boris Johnson vẫn kiên quyết không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, đồng thời nhấn mạnh nước Anh có thể tiến lên mà không cần thỏa thuận.

Hy vọng mong manh

Phát biểu trước phóng viên, người phát ngôn của Thủ tướng Johnson tái khẳng định quan điểm rõ ràng là, giai đoạn chuyển tiếp sẽ chấm dứt vào ngày 31.12. Người phát ngôn cũng cho biết, mọi thỏa thuận song phương nếu đạt được đều phải phê chuẩn trước ngày 1.1.2021, nghĩa là thời gian còn lại rất hạn hẹp và đội ngũ đàm phán của Chính phủ Anh đang nỗ lực không ngừng vì mục tiêu này.

Nguồn: NYT

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi chính quyền vùng Scotland kêu gọi gia hạn giai đoạn chuyển tiếp vì sự xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 tại Anh khiến nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và vận chuyển hàng hóa qua lại với xứ sở sương mù, đe dọa hoạt động giao thương.

Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ cũng cùng quan điểm trên, đồng thời nêu rõ, trong giai đoạn hiện tại, Vương quốc Anh nên tránh ra đi mà không có thỏa thuận vào ngày 1.1.2021. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tobias Ellwood viết trên Twitter: “Hãy để các cuộc đàm phán thương mại Brexit tiếp tục. Đây là những điều kiện lý tưởng để xác định hợp lý sự thịnh vượng và an ninh trong tương lai của chúng ta. Nếu không có thỏa thuận nào vào năm mới, hãy làm những gì tốt nhất cho Vương quốc Anh và tạm dừng đồng hồ”.

Trong khi đó, Thị trưởng London Sadiq Khan nhận định, ý tưởng rời EU mà không có thỏa thuận “là liều lĩnh ngay cả trước khi bùng phát Covid-19 mới” và điều đó không được phép xảy ra. Mặc dù, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer hôm đầu tuần từ chối ủng hộ gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, nhưng nhấn mạnh, ông muốn Thủ tướng Johnson đưa ra một thỏa thuận trong tuần này.

Dù chỉ còn 7 ngày nữa là Anh chính thức chấm dứt mọi ràng buộc thành viên EU, rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan, nhưng hy vọng 2 bên đạt thỏa thuận về quan hệ tương lai ngày càng trở nên mờ mịt khi hạn chót 20.12 mà Nghị viện châu Âu (EP) đưa ra tiếp tục bị bỏ lỡ.

Hiện các đoàn đàm phán của Anh và EU vẫn làm việc tại Brussels để tìm cách tháo gỡ 2 vấn đề gây cản trở chính gồm quyền đánh bắt cá và các quy định về thương mại bình đẳng. Một nguồn tin châu Âu cho biết, nếu 2 bên có thể đạt thỏa thuận trong vài ngày tới, thì cũng cần đi kèm cơ chế triển khai thỏa thuận có điều kiện từ đầu tháng 1.2021 khi EP vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận. Một thỏa thuận thương mại Brexit sẽ bảo đảm không bị áp thuế và hạn ngạch. Thương mại hàng hóa chiếm một nửa thương mại hàng năm của EU - Vương quốc Anh, trị giá gần 1.000 tỷ USD.

Hiện EU đã hoàn tất các kế hoạch tạm thời để quản lý hoạt động giao thông đường bộ và đường không trong 6 tháng và hoạt động đánh bắt trong 1 năm nhưng cần một thỏa thuận đối ứng từ phía Anh. Tuy nhiên, tại buổi họp báo gần đây, khi được hỏi về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại, Thủ tướng Johnson đã phát biểu: “Lập trường không thay đổi, vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Các điều khoản theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ thỏa đáng hơn đối với Vương quốc Anh. Chúng tôi chắc chắn có thể đối phó với bất cứ khó khăn nào. Không phải chúng tôi không muốn có thỏa thuận, song các điều khoản của WTO sẽ hoàn toàn thỏa đáng. Điều quan trọng là mọi người đều hiểu rằng, Vương quốc Anh phải có khả năng kiểm soát toàn diện hệ thống luật pháp của mình và chúng tôi cũng phải có khả năng kiểm soát các hoạt động ngư nghiệp của riêng mình”.

Nỗ lực phút chót

Việc không đạt được thỏa thuận về thương mại hàng hóa sẽ gây ra những làn sóng chấn động thông qua các thị trường tài chính, làm tổn thương các nền kinh tế châu Âu, gây rắc rối tại các biên giới và phá vỡ chuỗi cung ứng.

Trong trường hợp “không đạt được thỏa thuận” về thương mại, Anh sẽ mất quyền tiếp cận mức thuế và hạn ngạch bằng 0 vào thị trường chung châu Âu gồm 450 triệu người tiêu dùng chỉ sau một đêm. Anh sẽ phải tự động tuân theo các điều khoản của WTO trong giao dịch thương mại với khối liên minh lá cờ xanh. Nó sẽ áp đặt mức thuế toàn cầu mới của Vương quốc Anh (UKGT) đối với hàng hóa nhập khẩu của EU, trong khi EU sẽ áp đặt mức thuế quan chung từ bên ngoài đối với hàng hóa nhập khẩu của Anh. Các hàng rào phi thuế quan có thể cản trở thương mại, khiến giá cả được dự đoán là sẽ tăng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Anh.

Vì vậy, Phố Downing vừa đưa ra lời đề nghị về việc tiếp cận đánh bắt cá cho các đội tàu EU trong vùng biển của Anh nhằm phá vỡ bế tắc đàm phán thương mại Brexit, tăng hy vọng về một thỏa thuận trước Giáng sinh. Sau một thời gian đàm phán khó khăn trong bối cả cả hai bên dường như cố thủ, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Vương quốc Anh, David Frost, được cho là đưa ra một đề xuất có thể mở khóa các cuộc đàm phán bế tắc.

Theo các nguồn tin của EU, yêu cầu của Anh về việc giảm 60% sản lượng đánh bắt theo giá trị trong vùng biển của Anh đã được điều chỉnh xuống còn 35%, gần hơn nhiều so với mức giảm 25% mà người đồng cấp EU của ông Frost là ông Michel Barnier từng tuyên bố sẽ sẵn sàng chấp nhận. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng chấp nhận giai đoạn 5 năm cho các thỏa thuận mới, với một thỏa hiệp cũng nhiều khả năng về việc áp dụng thuế quan hoặc lệnh cấm xuất khẩu đối với hàng hóa ở nơi mà quyền tiếp cận đánh bắt thay đổi sau giai đoạn này.

Khi hạn ngạch giảm, một hội đồng trọng tài độc lập sẽ suy ra chi phí và cho phép một trong hai bên đánh thuế hàng hóa. Theo một số nguồn tin, điều khoản chấm dứt cũng được đưa ra nếu việc giảm tiếp cận được đánh giá là nghiêm trọng, mở ra cuộc đàm phán mới về tất cả các khía cạnh của thỏa thuận thương mại.

Các nguồn tin ở Anh từ chối bình luận trong khi nhiều nhà ngoại giao EU hôm đầu tuần tỏ ra hoài nghi rằng lời đề nghị có thể được chấp thuận. Một nhà ngoại giao cấp cao phát biểu: “Paris là chìa khóa”, “điều đó là chưa đủ nhưng vẫn có thể mở khóa mọi thứ”. Tuy nhiên, cũng trong hôm thứ Hai, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clément Beaune cho biết, nước này sẽ cảnh giác về các đề xuất của Vương quốc Anh, bởi Paris lo ngại Vương quốc Anh chưa làm đủ về điểm mấu chốt quan trọng khác là cam kết tạo ra một “sân chơi bình đẳng” trong thương mại hàng hóa.

Ngọc Minh