Chế tài trách nhiệm tiếp dân với người đứng đầu

- Thứ Tư, 13/10/2021, 06:59 - Chia sẻ
Theo Báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp 2021 được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đưa ra lấy ý kiến mới đây, về cơ bản, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định. Tuy nhiên hầu hết không bảo đảm theo quy định của Luật Tiếp Công dân.

Cụ thể, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định. Số ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trên địa bàn toàn quốc là 471 ngày, trung bình là 8 ngày, đạt 42% yêu cầu theo quy định. Đáng chú ý, có Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng, từ 1.1.2020 đến 30.6.2021. Ngoài ra, tại nhiều địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền cho Phó Chủ tịch hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng Ban Tiếp công dân tiếp dân thay. Cụ thể, số ngày Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch tiếp dân là 272 ngày, chiếm 23%; số ngày ủy quyền cho cơ quan chuyên môn tiếp dân là 208 ngày, chiếm 18%.

Trái ngược với tình trạng trên, tại một số địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất hoặc các đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu nại, phản ánh liên quan đến chế độ chính sách; trình báo, phản ánh tình hình an ninh trật tự; đề nghị thực hiện các quyết định đã có hiệu lực… Sau các buổi tiếp dân định kỳ hàng tháng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đều ban hành văn bản để chỉ đạo giải quyết vụ việc...

Như vậy có thể thấy, dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng về cơ bản vẫn chưa đạt yêu cầu - ít nhất là về số lượng ngày tiếp công dân. Thực tế, không phải đến bây giờ mới có tình trạng người đứng đầu địa phương nhiều tháng không tiếp hoặc viện lý do để không thực hiện chế độ công tác này, điển hình là tình trạng giao cho cấp phó hoặc cơ quan chức năng. Việc này không chỉ sai về luật, sai về chức trách mà người được giao tiếp thay sẽ không đủ thẩm quyền để giải những quyết vấn đề mà công dân kiến nghị dẫn đến việc người dân bức xúc, trong khi yêu cầu là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân; tăng cường đối thoại, tiếp dân tại ngay nơi xảy ra vụ việc, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của dân ngay từ khi mới phát sinh.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, thứ nhất là do cán bộ thiếu trách nhiệm, không làm đúng trách nhiệm. Thứ hai là năng lực cán bộ hạn chế, thiếu kiến thức. Thứ ba là việc xử lý cán bộ không thực hiện chế độ tiếp công dân chưa cương quyết. Những nguyên nhân này, hiển nhiên là không thể chấp nhận vì tiếp công dân đã được quy định thành chế độ công tác, được điều chỉnh bởi các chế tài pháp luật.

Thực hiện tố việc tiếp công dân tốt sẽ là cơ sở quan trọng để giải quyết khiếu nại, tố cáo một cách thấu tình đạt lý, khách quan, công tâm và minh bạch. Do vậy, để để khắc phục tình trạng không thực hiện đúng quy định về tiếp công dân, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành quy định, biện pháp chế tài làm cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi không thực hiện tiếp công dân, không trực tiếp chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo hoặc giải quyết khiếu nại tố cáo chậm, để xảy ra vụ việc bức xúc, đông người, kéo dài.

Bên cạnh đó, nghiên cứu xem xét sửa đổi Luật Khiếu nại, Luật Đất đai, trong đó, tăng thời hạn giải quyết khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư để việc giải quyết khiếu nại bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, đề nghị bổ sung chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vi phạm quy trình và thời hạn giải quyết.

Ninh Khánh