Thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường

Chi phí cao hay trách nhiệm thấp?

- Thứ Ba, 10/10/2017, 08:44 - Chia sẻ
Theo một số doanh nghiệp, khó khăn hiện nay trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đó là các tiêu chuẩn, quy định về tuân thủ bảo vệ môi trường của cơ quan chức năng thường xuyên thay đổi, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Song, thực tế nhận thức của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, nhiều dự án đi vào vận hành mà chưa có biện pháp bảo vệ môi trường hoặc có nhưng không đạt yêu cầu.

Khó vì chi phí?

Ông Cù Hoài Nam, Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian thanh tra vừa qua, việc doanh nghiệp thực hiện không đúng báo cáo ĐTM chiếm tới 66%.

Một trong những nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp “viện dẫn” là các tiêu chuẩn, quy định về tuân thủ bảo vệ môi trường của cơ quan chức năng thường xuyên thay đổi khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó khăn trong thực hiện. Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho biết, thời gian đầu khi đầu tư xây dựng nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải và sử dụng những hóa chất mà Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường đưa ra cũng như các tiêu chuẩn ngành tại thời điểm đó. Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, các tiêu chuẩn có sự thay đổi, bổ sung nên dẫn đến việc công ty phải tiến hành thay đổi hạng mục hệ thống xử lý nước thải để đáp ứng. Điều này đã gây tốn kém nhất định cho doanh nghiệp.


66% doanh nghiệp thực hiện không đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường
Nguồn: ITN

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Thép Dana Ý Hồ Nghĩa Tín, thực tế báo cáo ĐTM ban đầu tương đối chuẩn song trong quá trình phát triển, mỗi lần doanh nghiệp tiến hành nâng cấp hệ thống, công nghệ hay nâng cao hiệu suất sản xuất sẽ bị vướng ở chỗ bị khống chế bởi sản lượng ban đầu của báo cáo ĐTM. Mặc dù nhiều văn bản pháp luật có nói đến việc khi thay đổi về công nghệ, thiết bị nhưng tác động môi trường không vượt quá khả năng xử lý của hệ thống cũ thì không cần thiết phải làm lại báo cáo ĐTM. Thế nhưng thực tế doanh nghiệp phải thay đổi báo cáo ĐTM chứ không được bổ sung.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mảng hóa chất cho biết, khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp cũng làm báo cáo ĐTM, đến năm 2014 khi mở rộng hoạt động, doanh nghiệp buộc phải làm lại báo cáo ĐTM do báo cáo ban đầu không còn phù hợp. Đến năm 2016, doanh nghiệp tiếp tục phát triển hơn, thậm chí thừa mặt bằng cho một số đơn vị muốn thuê và lại phải tiếp tục làm ĐTM mới với chi phí rất tốn kém. Tại sao không cho phép bổ sung ĐTM với chi phí thấp hơn thay vì làm mới hoàn toàn?

Ông Cù Hoài Nam, Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên lý giải, trước đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có cho phép bổ sung ĐTM, tuy nhiên thực tế phát sinh những bất cập khi doanh nghiệp mở rộng, thay đổi hoạt động, khi đó không chỉ tồn tại một bản gốc mà có quá nhiều ĐTM bổ sung, đáng nói bản ĐTM đi kèm thường sơ sài, rất khó đối chiếu, quản lý. Chính vì vậy Luật Bảo vệ môi trường 2014 yêu cầu phải làm lại báo cáo ĐTM, đây là quy định doanh nghiệp phải tuân thủ. 

Còn xem nhẹ báo cáo ĐTM

Ông Võ Văn Hồng, một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết, nhận thức của doanh nghiệp công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, nhiều dự án đi vào vận hành mà chưa có các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường hoặc có nhưng không bảo đảm yêu cầu của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; chưa lập hồ sơ báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xem xét và cấp giấy xác nhận.

Thực tế cho thấy, việc chủ đầu tư thực hiện các thủ tục môi trường vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều trường hợp doanh nghiệp giao khoán, phó mặc cho đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư và thủ tục môi trường, xem thủ tục môi trường như một thủ tục “phụ” để được thông qua, phê duyệt dự án nên nội dung trong dự án đầu tư còn sai khác so với triển khai trong thực tế. Điều này dẫn tới tình trạng một số chủ đầu tư khi làm dự án chỉ “vẽ” ra cho đẹp, kèm theo đó công nghệ “trên giấy” còn thực tiễn khi lắp đặt thiết bị lại gia công, chắp vá, dẫn tới nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cũng có doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và hệ thống xử lý chất thải theo nội dung, thủ tục môi trường được phê duyệt nhưng vì lợi nhuận nên đã không vận hành thường xuyên.

Nhiều chuyên gia cho biết, không hiếm dự án đã đi vào hoạt động mới hoàn thiện thủ tục về môi trường; hoặc không lập lại thủ tục môi trường khi nâng công suất, quy mô sản xuất và chỉ khi cơ quan quản lý kiểm tra phát hiện và yêu cầu mới làm. Điều đó đòi hỏi công tác thanh tra, giám sát, quản lý nhà nước phải được chú trọng. Bởi nếu không thực hiện bài bản, rất dễ xảy tình trạng đối phó của chủ đầu tư.

Thảo Mộc