Bầu cử và Covid-19: Chi phí bầu cử

Chi phí tăng cao vì Covid-19

- Chủ Nhật, 09/05/2021, 08:07 - Chia sẻ
Các cuộc bầu cử không hề rẻ vì phải liên quan đến việc sử dụng hàng nghìn nhân viên thời vụ, thuê mặt bằng, in ấn khối lượng lớn tài liệu bầu cử... Chi phí cho các cuộc bầu cử thường có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, nhưng những thách thức tài chính này còn gia tăng đáng kể do đại dịch Covid-19. Điều này chủ yếu là cơ quan tổ chức bầu cử phải tăng cường các chi phí liên quan đến các biện pháp giảm thiểu rủi ro, bao gồm cả các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn khu vực bỏ phiếu cũng như thiết kế các hình thức bỏ phiếu đặc biệt.

Nhiều nước phải tăng chi phí

Trong cuộc bầu cử của Uganda, chi phí bầu cử đã tăng thêm 14,6 triệu USD với các khoản phải tăng cường như đào tạo cho cán bộ phòng phiếu; mua sắm trang thiết bị kiểm tra nhiệt độ; dung dịch sát khuẩn…

Ngoài Mỹ, các cơ quan quản lý bầu cử khác cũng đã yêu cầu tăng cường tài trợ từ Trung ương hoặc địa phương. Ví dụ: Ủy ban Bầu cử Lãnh thổ Thủ đô Australia đã yêu cầu thêm 2,3 triệu AUD (1,6 triệu USD) để tổ chức cuộc bầu cử hội đồng lập pháp ACT ngày 16.10.2020. Các quỹ sẽ chi trả để mở rộng việc sắp xếp bỏ phiếu sớm từ 5 trung tâm bỏ phiếu sớm thành 15 trung tâm, chi phí cho thêm giờ làm việc của nhân viên bầu cử trong thời gian 20 ngày cũng như các chiến dịch thông tin công khai về lợi ích của việc bỏ phiếu sớm. Với dân số trong độ tuổi đi bầu cử là 283.162 người, ước tính chi phí tăng thêm cho mỗi cử tri là 5,65$/người.

Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine đã yêu cầu từ Chính phủ và Quốc hội nước này một khoản tài trợ bổ sung 1,252 tỷ UAH (46 triệu USD) để tổ chức cuộc bầu cử địa phương vào tháng 10.2020.

Trước khi diễn ra bầu cử, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Sri Lanka cũng cảnh báo, cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7.2020 sẽ tiêu tốn thêm từ 6 - 7 tỷ rupee (32 - 37 triệu USD), trong đó 1 tỷ (5,3 triệu USD) sẽ được chi cho dung dịch sát khuẩn và các thiết bị y tế bổ sung.

Báo cáo của cuộc bầu cử năm 2020 tại Indonesia cho thấy, chi phí phát sinh thậm chí còn lên đến 98,8 triệu USD cho các biện pháp bảo đảm y tế.

Trong khi đó ở Thái Lan, các cuộc bầu cử địa phương đáng lẽ diễn ra trong năm 2020 đã phải trì hoãn thêm vì các quỹ dành để tài trợ cho cuộc bầu cử đã được sử dụng sang phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Hàn Quốc - tấm gương về an toàn và tiết kiệm

Hàn Quốc là một tấm gương về tổ chức bầu cử trong thời kỳ đại dịch mà từ đó các nước có thể rút ra những bài học đáng kể. Vào tháng 4.2020, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc (NEC) đã tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội với kết quả là  66,2% cử tri đi bỏ phiếu, cao nhất trong lịch sử (với 29,12 triệu phiếu bầu). NEC đã thực hiện một loạt các biện pháp an toàn và sức khỏe cũng như mở rộng các cơ chế bỏ phiếu sớm để cho phép một số lượng lớn người dân đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử không phân biệt nơi cư trú của họ. Ước tính sơ bộ cho thấy chi phí của cuộc bầu cử vào khoảng 226,7 tỷ won Hàn Quốc (189 triệu USD), một con số tăng không đáng kể so với 203,4 tỷ won của Hàn Quốc (170 triệu USD) cho cuộc bầu cử Quốc hội năm 2016. Các chuyên gia đánh giá, chi phí gia tăng do các yếu tố: thứ nhất do lạm phát, thứ hai do sự gia tăng số cử tri đủ điều kiện từ 42.056.325 người lên 43.968.199 người. Và cuối cùng do Covid-19, chủ yếu liên quan đến chi phí mua thêm thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE). Chỉ riêng các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động bỏ phiếu trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã lên tới 20 tỷ won Hàn Quốc (16 triệu USD), tương đương khoảng 9% tổng chi phí bầu cử.

Nhân viên bầu cử Hàn Quốc  

Bầu cử Quốc hội Đức sẽ tốn kém chưa từng có

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9 năm nay được dự đoán sẽ tốn kém hơn bao giờ hết, theo một báo cáo của tờ Saarbrücker Zeitung. Bộ Nội vụ liên bang ước tính tổng chi phí dành cho cuộc bầu cử sẽ lên tới 107 triệu euro. Đây sẽ là cuộc bầu cử tốn kém nhất lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức khi lần đầu tiên số tiền chi cho bầu cử vượt quá 100 triệu euro. Trước đó, cuộc bầu cử năm 2017 tiêu tốn 92 triệu euro.

Lý do chính cho chi phí phát sinh kỷ lục này là sự tăng mạnh của số lượng cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện. Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ chia sẻ: “Số cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện dự kiến sẽ tăng cao vì tình hình đại dịch Covid-19 có thể vẫn diễn biến phức tạp vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử”.

Càng nhiều lá phiếu được gửi qua bưu điện, chi phí cho cuộc bầu cử càng tăng cao. Lý do là vì Chính phủ Đức cung cấp miễn phí dịch vụ gửi phiếu qua đường bưu điện cho các cử tri. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức năm 2017, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu qua bưu điện trên toàn liên bang đạt 28,6%. Tỷ lệ này dự kiến tăng cao hơn trong năm nay khi người dân có xu hướng “bầu cử từ xa” thay vì trực tiếp đến những địa điểm bỏ phiếu.

Ngoài ra, trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, các điểm bỏ phiếu và các khu vực hỗ trợ bầu cử sẽ cần tuyển thêm số lượng lớn nhân viên, theo Phát ngôn viên của Chủ tịch Ủy ban Bầu cử liên bang. Điều này đồng nghĩa với việc tổng chi phí phụ cấp cho nhân viên cũng tăng theo. Thông thường, họ sẽ nhận được số tiền bồi dưỡng từ 25 - 35 euro khi làm việc tại điểm bỏ phiếu.

Theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang, sẽ có 60,4 triệu cử tri Đức tham gia cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 26.9, trong đó có khoảng 2,8 triệu cử tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu. Quốc hội liên bang Đức được bầu 4 năm/lần.

Đạt Quốc