<i>Chìa khóa</i> giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu công nghiệp

- Thứ Bảy, 08/06/2013, 08:44 - Chia sẻ
Trước những tác động tiêu cực tới môi trường như gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, đất, không khí với sự gia tăng các chất thải rắn nguy hại, Khu công nghiệp (KCN) được xem là một trong những tác nhân làm suy thoái môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của cộng đồng dân cư. Tháo gỡ những vướng mắc trong các quy định của pháp luật là chìa khóa để giảm thiểu ô nhiễm tại các KCN.
 
Nguồn: sggp.org.vn

Theo số liệu thống kê của Bộ TN-MT, trong tổng số 429 cơ sở, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố được thanh tra năm 2012 có đến 157 cơ sở vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường với số tiền đề nghị xử phạt lên tới 32,7 tỷ đồng. Mặc dù các KCN bước đầu đã chú trọng vào xử lý ô nhiễm môi trường song nhìn vào những con số thực tế trên có thể khẳng định công tác bảo vệ môi trường tại KCN vẫn còn nhiều rào cản. 

Không ít chuyên gia nhận định, thực trạng này là hệ quả của chính sách pháp luật còn mơ hồ, thiếu thực tiễn, chồng chéo và thiếu sự thống nhất không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn mà các cơ quan quản lý cũng lúng túng khi thực thi nhiệm vụ. Đơn cử, nếu như Nghị định số 21/2008/NĐ-CP xác định Ban quản lý các KCN được phép thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong KCN theo ủy quyền của cơ quan có thẩm quyền thì Nghị định số 29/2011/NĐ-CP về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường lại bỏ sót trách nhiệm của Ban quản lý KCN. Trong khi đó, đây là đối tượng được không ít chuyên gia môi trường nhận định như người “gác cửa” nhằm ngăn chặn các ngành nghề ô nhiễm đầu tư vào KCN, bởi đôi khi doanh nghiệp (DN) không lường hết được những hậu quả xấu của một số ngành nghề. 

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường cũng băn khoăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình khi thời gian sửa đổi văn bản pháp luật quá ngắn, việc thực hiện báo cáo công tác BVMT của các DN tại các KCN ở nhiều địa phương cũng vì thế mà đạt hiệu quả chưa cao. Mặt khác, nhằm tăng hiệu quả giám sát, quản lý về môi trường, pháp luật có quy định các cơ quan cùng tham gia quản lý, giám sát về vấn đề môi trường KCN bao gồm cả Tổng cục Môi trường, Sở TN-MT, UBND cấp huyện, Ban quản lý KCN, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cấp bộ và tỉnh. 

Mục tiêu là vậy nhưng trên thực tế, công tác quản lý giữa các cơ quan chuyên môn tại nhiều nơi còn chồng chéo dẫn tới tình trạng có DN tại KCN trong 1 tháng phải “tiếp” đến chục đoàn kiểm tra, giám sát. Hơn nữa, cũng dễ gây nên hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm khiến công tác quản lý nhà nước khó đạt hiệu quả. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn nhận định, “nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát sẽ gây nhiều phiền hà cho DN và dẫn tới tác dụng ngược trong quản lý nhà nước”.

Việc xác định một khoảng cách an toàn về môi trường từ các KCN, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất trong ngành nghề tới khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm mà còn tạo môi trường sống trong lành cho dân cư sống xung quanh khu vực. Đây cũng là nội dung đã được đề cập tới trong Luật BVMT 2005. Theo đó, “KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có nguy cơ gây tác hại đối với môi trường phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên”. 

Thế nhưng, cho tới nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định về phương pháp xác định hoặc khoảng cách cụ thể áp dụng đối với KCN mà vấn đề này chỉ mới quy định đối với cơ sở sản xuất, cất giữ một số loại hóa chất nguy hiểm theo quy định tại Điều 22 Luật Hóa chất và Điều 13, 14, 15 Nghị định 108/2008/NĐ-CP. Từ thực tế đó, việc ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về khoảng cách an toàn từ KCN tới khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên, vùng được bảo vệ là yêu cầu cấp thiết. Song, giải quyết được nội dung đó chưa hẳn đã hết mà pháp luật cần đưa ra những định lượng rõ ràng, xác định KCN như thế nào là “có nguy cơ gây tác hại đối với môi trường”. Bởi nếu các quy định còn chung chung, nghiêng về định tính như vậy sẽ chỉ càng khiến cơ quan quản lý không biết viện dẫn vào đâu để xử phạt các KCN gây ô nhiễm môi trường.  

Có thể nói, cùng với việc nâng cao nhận thức của các DN trong hoạt động BVMT cũng như đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát thì tháo gỡ những vướng mắc trong các quy định của pháp luật là chìa khóa để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN.
Đỗ Quyên