“Chìa khóa” nâng cao chất lượng hợp tác xã

- Thứ Ba, 07/12/2021, 05:55 - Chia sẻ
Bên cạnh một số mặt tích cực, việc phát triển kinh tế tập thể và xây dựng mô hình hợp tác xã điểm của tỉnh Long An còn một số điểm nghẽn như công tác giám sát, hỗ trợ hợp tác xã ở một số huyện chưa được thực hiện thường xuyên; nhận thức về hợp tác xã và lợi ích của các tổ chức hợp tác xã chưa đầy đủ, thống nhất; năng lực tổ chức sản xuất của các hợp tác xã còn hạn chế… Do đó, để kinh tế tập thể và hợp tác xã phát huy hết vai trò trong nền nông nghiệp hiện đại, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chủ động của thành viên hợp tác xã.
Long An phát triển, nhân rộng mô hình hợp tác xã điểm
Nguồn: ITN

Quy mô sản xuất còn nhỏ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An, thời gian qua, mô hình hợp tác xã điểm, điểm, điển hình ứng dụng công nghệ cao, đã tạo được sức lan tỏa, nhiều hộ sau khi tham quan học tập chủ động tham gia vào hợp tác xã và thực hiện áp dụng quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao mà hợp tác xã đang thực hiện. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện mô hình hợp tác xã điểm, chỉ có 4/16 hợp tác xã đạt 5/5 tiêu chí của hợp tác xã điểm, 6 hợp tác xã không thay đổi so với ban đầu, 5 hợp tác xã tăng 1 tiêu chí và 5 hợp tác xã tăng 2, 3 tiêu chí so với ban đầu. 

Bên cạnh đó, một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn hoạt động mang tính chất cá nhân; trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; số lượng hợp tác xã thành lập nhiều nhưng số hợp tác xã ngừng hoạt động và hoạt động ở mức trung bình, yếu chiếm tỷ lệ cao (ước đến thời điểm ngày 31.12.2021, có 25 hợp tác xã ngừng hoạt động, chiếm 11,62%…). 

Việc phát triển, nhân rộng mô hình hợp tác xã điểm, điển hình ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ, năng lực quản lý còn hạn chế, khả năng tài chính hạn hẹp. Bên cạnh đó, một số hợp tác xã cũng khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do không có tài sản thế chấp nên hiệu quả đạt được chưa cao. Được chọn để xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi bò thịt từ năm 2019, hợp tác xã Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa đạt nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng đàn bò. Tuy nhiên, hiện nay hợp tác xã vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, nhất là chưa tiếp cận được nguồn vốn vay để nhân rộng đàn bò. 

Theo thống kê, toàn tỉnh Long An hiện có 277 hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải... với hơn 42.000 thành viên, tổng vốn điều lệ là 377 tỷ đồng. Doanh thu bình quân hàng năm của các hợp tác xã đạt trên 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt gần 100 triệu đồng.

Chú trọng tập huấn, nâng cao nhận thức

Xác định “chìa khóa” nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp chính là nâng cao năng lực quản lý, điều hành của hội đồng quản trị, Ban Giám đốc hợp tác xã và thay đổi nhận thức của thành viên hợp tác xã, hàng năm, ngành nông nghiệp, liên minh hợp tác xã tỉnh, cấp huyện đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ hợp tác xã, do các trường thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức trong và ngoài tỉnh. Nội dung các lớp tập huấn gồm hướng dẫn hoạt động theo Luật Hợp tác xã, xây dựng phương án kinh doanh, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, quản trị kinh doanh...

Giai đoạn 2013 - 2020, ngành nông nghiệp phối hợp Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý hợp tác xã và cán bộ quản lý kinh tế tập thể cấp tỉnh, huyện với 4.417 lượt người dự, tổng kinh phí 2.919 triệu đồng. Riêng Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp các trường tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã, cán bộ quản lý kinh tế tập thể cấp tỉnh, huyện, hội viên phụ nữ, với kinh phí 2.969 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Chí Thiện cho biết, để kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, nâng cao nhận thức là giải pháp hàng đầu, do đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, góp phần giúp người dân nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc phát triển kinh tế tập thể trong cơ cấu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là gắn hợp tác xã với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, bởi nơi nào có cấp ủy, chính quyền quan tâm, coi nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm thì nơi đó hợp tác xã phát triển mạnh và ngược lại… 

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An, để mô hình hợp tác xã nông nghiệp phát triển ổn định hơn trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, tập huấn pháp luật về hợp tác xã; hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã. Tiếp tục rà soát tình hình hoạt động của các hợp tác xã, giải quyết dứt điểm hợp tác xã ngưng hoạt động và hợp tác xã ngừng hoạt động lâu năm không giải thể được do chưa xử lý được tài chính, tài sản, nợ đọng...

Dương Cầm