Bầu cử Afghanistan và Ấn Độ

Chìa khóa tương lai Nam Á

- Chủ Nhật, 27/04/2014, 09:06 - Chia sẻ
Khu vực Nam Á đang sôi động trong bầu không khí dân chủ, với hai cuộc bầu cử quan trọng: bầu cử Tổng thống Afghanistan ngày 5.4 vừa qua, và tổng tuyển cử ở Ấn Độ, diễn ra từ ngày 7.4 - 12.5, hai cuộc bầu cử sẽ quyết định tương lai của khu vực Nam Á.

Tranh tường vận động bầu cử ở Afghanistan  
Nguồn: Brookings

Nếu như Ấn Độ được xem là hình mẫu lý tưởng của một nước thuộc địa cũ vươn lên trở thành cường quốc khu vực và nền kinh tế lớn mới nổi trên thế giới, thì trái lại, Afghanistan - cái nôi một thời của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan - vẫn là quốc gia nghèo nhất châu Á và đứng thứ ba trên thế giới về nạn tham nhũng. Tuy mỗi nước có hoàn cảnh khác nhau, song các cuộc bầu cử ở Afghanistan và Ấn Độ có khá nhiều nét tương đồng.

Suốt một thập kỷ qua, cả Afghanistan và Ấn Độ đều tận hưởng giai đoạn ổn định lãnh đạo và liên tục một cách bất bình thường: kể từ khi chế độ Taleban bị lật đổ năm 2001, Tổng thống Hamid Karzai đã lãnh đạo Afghanistan. Ở Ấn Độ, từ năm 2004, tiến sỹ kinh tế Manmohan Singh đảm nhận chức Thủ tướng, dưới sự ủy nhiệm của triều đại Nehru-Gandhi và đảng Quốc đại cầm quyền. Cả hai nhà lãnh đạo này đều sắp mãn nhiệm. Theo Hiến pháp của Afghanistan và Ấn Độ, cả ông Karzai và ông Singh không còn cơ hội tìm kiếm thêm nhiệm kỳ nữa trong năm nay. Vì vậy, các cuộc bầu cử ở Afghanistan và Ấn Độ diễn ra trong tháng 4 này, sẽ hé lộ thế hệ lãnh đạo mới, với cách tiếp cận quyền lực nhiều khả năng là khác biệt so với thế hệ lãnh đạo hiện nay ở hai quốc gia Nam Á này.

Trong cả hai trường hợp, lựa chọn của cử tri sẽ được quyết định một phần bởi bản sắc chính trị của hai nước. Ở Afghanistan, những lực lượng chủ yếu hiện nay là các nhóm bộ lạc và sắc tộc, với ba ứng cử viên Tổng thống hàng đầu là Ashraf Ghani, Tiến sỹ Abdullah Abdullah và Tiến sỹ Zalamai Rassoul. Cả ba nhân vật này đại diện cho các nhóm bộ lạc Ghilzais, Durranis và Tajikistan, đều là những khối bộ lạc có truyền thống đối địch nhau và là những nhân tố chính gây chia rẽ trong nội bộ Afghanistan ngay từ những ngày đầu khi quốc gia này xác lập các đường biên giới hiện tại trong những năm 1840.

Tương tự, cuộc bầu cử ở Ấn Độ được xem là cuộc đua giữa hai nhân vật chính và cũng là các đại diện cho hai thế giới đối lập: ứng cử viên của đảng Bharatiya Janata (BJP) đối lập Narendra Modi, xuất thân là con trai của một người bán trà dạo, và ứng cử viên đảng Quốc đại Rahul Gandhi, thế hệ mới của gia tộc Nehru - Gandhi quyền quý. Đây là cuộc đối đầu giữa phe cánh tả với phe cánh hữu, giữa người trong cuộc với kẻ ngoại đạo, giữa phe thế tục Nehru với phe chủ nghĩa dân tộc Hindu, giữa đại diện của tầng lớp quý tộc với đại diện của những người lao động cũng như các tầng lớp thứ cấp khác trong xã hội Ấn Độ.

Các cuộc bầu cử ở Afghanistan và Ấn Độ được xem như hai cuộc trưng cầu dân ý về việc tôn giáo nên đóng vai trò như thế nào trong xã hội của họ. Nhất là ở Afghanistan, việc cử tri tham gia bầu cử Tổng thống, bất kể lực lượng Taleban tẩy chay cuộc bỏ phiếu này, được xem như lựa chọn tích cực của người dân Afghanistan cho một đất nước, nơi chính trị giữ khoảng cách nhất định với tôn giáo và bài trừ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Nhân tố kinh tế ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của cử tri trong cả hai cuộc bầu cử. Thời gian qua, cả Ấn Độ và Afghanistan đều chứng kiến giai đoạn kinh tế giảm tốc, trong khi có quá nhiều cáo buộc tham nhũng và quản lý yếu kém nhằm vào giới cầm quyền ở hai nước này. Với cuộc bầu cử lần này, nhân dân Afghanistan đang mong đợi nhà lãnh đạo mới sẽ đưa đất nước họ bước vào kỷ nguyên mới của hòa bình và thịnh vượng, sau 30 năm xung đột. Trong khi đó, Ấn Độ dường như đang từng bước khẳng định vị thế xứng đáng của mình tại các diễn đàn hàng đầu thế giới như một cường quốc vũ khí hạt nhân hay siêu cường mới về kinh tế có tiềm năng cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở cả hai nước, sự lạc quan đã nhường chỗ cho nỗi thất vọng và búc xúc trong tầng lớp cử tri trẻ tuổi. Điều này sẽ thôi thúc những cử tri này mong muốn có một sự thay đổi triệt để hơn ở cả hai quốc gia sau các cuộc bầu cử tháng 4.

Mặc dù vậy, đã xuất hiện những tín hiệu đáng mừng từ hai cuộc bầu cử. Tại Afghanistan, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 5.4 vừa qua đạt 58%, bất chấp tất cả các lời đe dọa của Taleban đánh bom nhằm vào các điểm bỏ phiếu. Còn trong vòng đầu tiên của cuộc tổng tuyển cử gồm 9 giai đoạn ở Ấn Độ, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 75% ở bang Assam và 85% ở bang Tripura. Điều đó cho thấy, bầu không khí dân chủ đang bao trùm khu vực Nam và Trung Á. 

Hai cuộc bầu cử ở Afghanistan và Ấn Độ còn là chìa khóa cho tương lai của toàn khu vực. Diễn ra trong bối cảnh NATO chuẩn bị rút quân về nước sau cuối năm nay, bầu cử Tổng thống ở Afghanistan đánh dấu thời kỳ chuyển giao lớn nhất sau gần 13 năm Mỹ đưa quân sang quốc gia Nam Á này. Cuộc bỏ phiếu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự ổn định của khu vực Nam Á, trong đó có Ấn Độ và Pakistan. Nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền ở Kabul sẽ quyết định số phận của Hiệp định Đối tác an ninh (BSA) giữa Afghanistan – Mỹ, về việc cho phép Hoa Kỳ tiếp tục duy trì 10.000 trong số khoảng 23.500 binh sỹ ở lại nước này sau năm 2014. Tổng thống đương nhiệm Hamid Karzai đã từ chối ký kết hiệp định này, nhưng cả ba ứng cử viên đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan đều khẳng định sẽ ủng hộ việc ký kết BSA nếu đắc cử. Nếu Afghanistan không ký BSA, tình hình an ninh ở nước này sẽ rất bất ổn sau khi liên quân quốc tế rút khỏi đây, do các lực lượng an ninh của Afghanistan còn non yếu, khó có thể tự chống chọi với Taleban, trong khi lực lượng nổi dậy này đang có chiều hướng mạnh lên và tìm cách đẩy mạnh các cuộc tấn công bạo lực trên khắp đất nước. Thất bại của cuộc bầu cử Tổng thống ở Afghanistan còn gây bế tắc cho hoạt động viện trợ của quốc tế, cản trở công cuộc cải cách kinh tế và làm leo thang căng thẳng sắc tộc, tạo nên khoảng trống chính trị mà Taleban có thể lợi dụng.

Đối với Ấn Độ, cuộc bầu cử Hạ viện lần này nhiều khả năng sẽ đánh dấu kết thúc 10 năm cầm quyền của đảng Quốc đại, do đảng này đã liên tục thất bại trước đảng BJP đối lập trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương gần đây. Cuộc bỏ phiếu sẽ dọn đường cho thế hệ lãnh đạo mới lên nắm quyền và giới quan sát kỳ vọng, Chính phủ mới của Ấn Độ sẽ thực hiện những thay đổi cần thiết để cải thiện nền kinh tế, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với những thách thức tăng trưởng lạm phát. Cho dù ai lên nắm quyền thì nhà lãnh đạo mới ở New Delhi cũng cần có một chương trình nghị sự tốt hơn đất nước cũng như cho khu vực Nam Á. Chính quyền kế cận ở New Delhi cần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện trách nhiệm của một cường quốc khu vực đối với hòa bình và sự ổn định ở Nam Á, bao gồm việc tiếp tục các nỗ lực cải thiện quan hệ với nước láng giềng Pakistan và tìm kiếm giải pháp hòa bình nhằm chấm xung đột ở khu vực Kashmir đã kéo dài hơn 6 thập kỷ qua.

Thanh Chi