Ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19

Chia sẻ dữ liệu mở là chìa khóa thành công

- Thứ Hai, 15/11/2021, 06:51 - Chia sẻ
Các ứng dụng chỉ là phần nổi của việc áp dụng công nghệ trong phòng, chống dịch. Chúng ta không thể giải quyết được tận gốc các bất cập hiện nay nếu không quan tâm tới việc hình thành và chia sẻ các nguồn dữ liệu được sử dụng thống nhất và tập trung.
Dữ liệu cần được chia sẻ công bằng cho các bên tham gia cung cấp ứng dụng chống dịch

Có khả thi chỉ với một siêu ứng dụng?

Ứng dụng công nghệ được xác định là một trụ cột trong phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khi các hiệu quả cụ thể của ứng dụng công nghệ thời gian qua còn chưa được đánh giá một cách đầy đủ, thì các bất cập trong triển khai thực tế đã bộc lộ. Đó là hiện trạng có nhiều ứng dụng cùng tính năng với nhiều loại mã QRCode khác nhau gây lúng túng cho người sử dụng. Nguồn dữ liệu dùng để chứng nhận tiêm chủng chưa được thu thập đầy đủ và bảo đảm chính xác để có thể triển khai cơ chế “hộ chiếu vaccine” trên phần mềm ứng dụng. Khi việc giãn cách xảy ra trên diện rộng của cả nước thì ứng dụng công nghệ không được triển khai kịp thời để giải quyết các bài toán về giấy đi đường, vận tải luồng xanh...

Trước thực trạng các bất cập, chúng ta có chủ trương hợp nhất xây dựng một phần mềm ứng dụng duy nhất phục vụ phòng chống dịch. Cách tiếp cận này nhằm tạo ra một siêu ứng dụng chỉ có thể giải quyết được một số bài toán cơ bản trong khai báo y tế, truy vết người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, nó không thể giải quyết được mọi bài toán phát sinh tại mỗi địa phương và tại mỗi thời điểm khác nhau. Cách thức tổ chức và vận hành xã hội ở các địa phương rất đa dạng nên có các yêu cầu nghiệp vụ chỉ có thể đáp ứng được bởi các ứng dụng dùng riêng. Đặc biệt hiện nay, việc phòng, chống dịch không chỉ dừng ở góc độ quản lý y tế, dịch tễ mà còn là công tác an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Do đó việc chỉ tồn tại một ứng dụng phục vụ phòng chống dịch sẽ là bất khả thi.

Một bài học ứng dụng công nghệ thành công trong phòng, chống dịch đến từ Ấn Độ. Nước này đã tạo ra một nền tảng quản lý dữ liệu tiêm chủng quốc gia có tên là CoWIN cho phép kết nối với nhiều ứng dụng của bên thứ 3 để tạo thành mạng lưới ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch. Nền tảng này cung cấp các dịch vụ dữ liệu cơ bản nhất của chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 cho tất cả các ứng dụng có nhu cầu khai thác sử dụng. CoWin được xây dựng để đáp ứng quy mô triển khai cho dân số trên một tỷ người của Ấn Độ. Trong vòng 4 tháng sau khi triển khai nó đã đạt được số lượng trên 200 triệu người đăng ký tiêm. Tại lúc cao điểm có 3,1 tỷ lượt truy cập dữ liệu trong một ngày.

Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Đối tác dữ liệu mở châu Á 2021

Dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, vào ngày 16.11 tới, Hội Truyền thông số Việt Nam, Liên minh dữ liệu mở châu Á và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng phối hợp tổ chức Hội nghị Đối tác dữ liệu mở châu Á 2021 (AODP 2021).

AODP là sự kiện thường niên do Liên minh dữ liệu mở châu Á và các đối tác tổ chức từ 2015 và đây là năm đầu tiên Việt Nam chủ trì tổ chức. 

Với định hướng khai thác giá trị dữ liệu mở phục vụ phát triển kinh tế số, AODP 2021 có chủ đề “Trao đổi dữ liệu và tăng cường hợp tác đa bên cho phát triển dữ liệu mở” với thông điệp tăng cường hợp tác công - tư và thương mại hóa thành công dữ liệu mở.

Bên cạnh đó, hội nghị tập trung thảo luận về dữ liệu mở trong lĩnh vực giáo dục và y tế; đồng thời là dịp để doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế kết nối, mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh.

 

Vai trò dữ liệu và chia sẻ dữ liệu mở

Có thể thấy, các ứng dụng chỉ là phần nổi của việc áp dụng công nghệ trong phòng chống dịch. Chúng ta không thể giải quyết được tận gốc các bất cập hiện nay nếu không quan tâm tới việc hình thành và chia sẻ các nguồn dữ liệu được sử dụng thống nhất và tập trung. Các dữ liệu về khai báo y tế, xét nghiệm, tiêm chủng và điều trị y tế tạo ra các thông tin cơ bản dùng để hoạch định chính sách ứng phó với đại dịch. Nó không chỉ dùng riêng cho các mục đích quản lý về y tế mà cần được dùng kết hợp với các nguồn cơ sở dữ liệu khác để phục vụ công tác an sinh xã hội. Đồng thời trong tương lai gần, nó còn dùng làm nền tảng vận hành hoạt động của nền kinh tế thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh dựa trên cơ chế “hộ chiếu vaccine”.

Dữ liệu được xem là yếu tố then chốt bảo đảm sự thành công của ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch. Cần xây dựng một cơ chế quản lý hiệu quả bằng một cơ sở hạ tầng dữ liệu thống nhất, có độ tin cậy cao do cơ quan nhà nước đứng ra đảm nhiệm. Dữ liệu sẽ được chia sẻ công bằng cho tất cả các bên tham gia vào mạng lưới cung cấp các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch. Từ đó cho phép đa dạng hóa các phương thức thu thập dữ liệu bảo đảm tính đầy đủ, theo thời gian thực và đúng đắn từ các nghiệp vụ quản lý ở cơ sở. Đây là cách duy nhất để giải quyết các bất cập về sự không chính xác của dữ liệu hiện nay khi đang được thu thập bằng phương thức số hóa từ các văn bản giấy.

Dữ liệu phục vụ phòng chống dịch thường chứa thông tin cá nhân. Để bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu khi cung cấp cho bên thứ 3 sẽ phải được xử lý để ẩn danh hoặc chỉ được cung cấp khi có sự xác nhận đồng ý của chính cá nhân đó (thông qua các cơ chế sử dụng mã xác nhận OTP trên điện thoại di động hoặc thư điện tử).

Ngoài dữ liệu cá nhân còn có các dữ liệu được tổng hợp dưới dạng số liệu dùng trong công tác thống kê, theo dõi các biến động để phục vụ phòng, chống dịch. Các số liệu này nên là dữ liệu mở để có thể tự do khai thác, tái sử dụng cho các mục đích khác nhau. Nguồn dữ liệu được cung cấp bảo đảm tính thời gian thực và có mức độ tin cậy cao để có thể phục vụ ra quyết định hoàn toàn dựa trên số liệu. Ví dụ để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chúng ta đang áp dụng chính sách đánh giá phân loại các địa phương theo 4 cấp độ dịch. Việc khoanh vùng chống dịch được khuyến cáo phân chia ở phạm vi hẹp nhất tối thiểu là cấp xã, phường. Việc đánh giá phân loại nguy cơ các vùng dịch sẽ chỉ thực sự hiệu quả nếu các nguồn số liệu về tiêm chủng, người nhiễm bệnh, năng lực khám chữa bệnh của các địa phương có đầy đủ và được cập nhật kịp thời.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin được quyền tự do khai thác nguồn dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để sáng tạo ra các công cụ hỗ trợ phòng, chống dịch đáp ứng từng nhu cầu đặc thù của mỗi địa phương. Đây chính là phương thức tiếp cận giúp huy động được tổng nguồn lực xã hội cùng giải quyết bài toán an sinh xã hội bằng các ứng dụng công nghệ.

TS. Tạ Tuấn Anh