Diễn đàn Pháp luật ASEAN 2020

Chia sẻ kinh nghiệm thi hành pháp luật

- Thứ Năm, 05/11/2020, 07:07 - Chia sẻ
Cùng chia sẻ những kinh nghiệm trong thi hành pháp luật là chủ đề của Diễn đàn Pháp luật ASEAN 2020 do Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan pháp luật/tư pháp của các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN tổ chức ngày 4.11. Diễn đàn được tổ chức với tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” theo đúng chủ đề của năm Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN 2020.

Nguyên tắc có đi, có lại

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều công sức, đặt ra các chương trình, kế hoạch và giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật cũng như tập trung bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật, thi hành đúng các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án. Tuy nhiên, công tác tổ chức thi hành pháp luật, thi hành án dân sự của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác này.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Chia sẻ tại diễn đàn, Đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam thông tin, Điều 99 Hiến pháp năm 2013 quy định, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm “tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật”. Đây là quy định mang tính cơ bản, đặt nền móng cho công tác theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức thi hành pháp luật, vai trò của bộ máy nhà nước, đặc biệt là hệ thống các cơ quan hành pháp trong tổ chức thực thi pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực sự của quản lý nhà nước và xã hội. 

Liên quan đến vấn đề công nhận và cho thi hành các bản án, phán quyết nước ngoài, Điều 423, Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2015 quy định Việt Nam sẽ công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa nước ngoài trong ba trường hợp: Theo các điều ước quốc tế quy định việc công nhận lẫn nhau các bản án của tòa án; khi không tồn tại hiệp ước, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại; khi bản án, quyết định khác của tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành theo pháp luật Việt Nam. Như vậy, các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể thi hành bản án dân sự của tòa nước họ tại Việt Nam nếu tổ chức, cá nhân Việt Nam cũng được phép thi hành các bản án tại quốc gia của họ.

Tuy nhiên, thực tế triển khai Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tương trợ tư pháp cho thấy, nguyên tắc có đi có lại rất khó thực hiện. Theo Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Bộ Ngoại giao phải phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp với các nước. Luật quy định 6 tháng/lần, Bộ Ngoại giao phải thông báo cho Bộ Tư pháp “về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp trong quan hệ với các nước”, vậy nhưng cho đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân có thể là do nguồn nhân lực cần để duy trì cơ sở dữ liệu này là quá lớn. Do đó, phương thức hỗ trợ thi hành các bản án nước ngoài trong trường hợp không có hiệp ước là không khả thi.

Nâng cao cơ hội đàm phán

Thực tế cho thấy, ban hành pháp luật là chưa đủ, việc tổ chức thi hành pháp luật mới quyết định sự thành công, hiệu quả của pháp luật. Bản án, quyết định của tòa án sẽ có ít ý nghĩa nếu chúng không được tôn trọng và thực thi trên thực tế. Hiện nay, việc công nhận và cho thi hành các bản án dân sự nước ngoài trong và ngoài khu vực ASEAN được điều chỉnh bởi các hiệp định song phương phức tạp giữa các quốc gia và thông qua các điều ước quốc tế. Cho đến nay, có rất ít hiệp định song phương và đa phương giữa các quốc gia ASEAN cho phép các tòa án của một cơ quan tài phán công nhận và cho thi hành các phán quyết của một cơ quan tài phán khác.

Tuy nhiên, luật pháp trong nước của nhiều quốc gia thành viên ASEAN có quy định về việc công nhận và cho thi hành các bản án nước ngoài trong một số trường hợp hạn chế. Đơn cử, các quyết định của tòa án nước ngoài hiện vẫn chưa được thi hành ở Indonesia. Trong khi đó, phán quyết của trọng tài nước ngoài được công nhận và có thể được thực hiện tại Indonesia sau khi nước này phê chuẩn Công ước New York vào ngày 5.8.1981 với Nghị định của Tổng thống số 34 năm 1981, trong đó các thủ tục thi hành được quy định trong Quy chế số 1 của Tòa án Tối cao năm 1990. Hay, ở Malaysia, giống như bất kỳ quốc gia trong khối ASEAN không áp dụng nguyên tắc có đi có lại, phán quyết của tòa án của quốc gia đó chỉ có thể được thi hành ở nước này bằng cách nộp đơn kiện dân sự mới.

Có thể thấy, việc công nhận và cho thi hành các phán quyết của tòa nước ngoài giữa các quốc gia thành viên ASEAN phải đối mặt nhiều thách thức do các thành viên áp dụng các hệ thống pháp luật khác nhau. Sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật dân sự, khu vực tài phán thông luật và hệ thống kết hợp khiến việc công nhận các phán quyết của tòa nước ngoài không hề đơn giản. Điều này, đòi hỏi các nước trong khối phải tham gia, ký kết các hiệp ước song phương, đa phương. Hiện Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp ước song phương và đa phương với các quốc gia khác nên đã giải quyết được phần nào những thách thức trên.

Nguyên Cố vấn chính sách UNDP Việt Nam Scott Ciment cho rằng, do khung pháp lý trong nước đã có sẵn cho việc thi hành các bản án dân sự, Việt Nam có thể rút ra được nhiều bài học từ việc rà soát các thủ tục và thực tiễn thi hành để xác định hiệu quả triển khai khung pháp lý đó. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc rà soát cẩn thận các hướng dẫn nội bộ có liên quan nhằm bảo đảm các địa phương đều hiểu rõ và có thể áp dụng các quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

Liên quan đến những đề xuất dành cho các nước trong khối ASEAN, ông Scott Ciment cho rằng, để đạt được các bước tiến mới trong việc công nhận các bản án dân sự trong khu vực, các quốc gia ASEAN có thể triển khai trước các việc làm nhằm nâng cao cơ hội đàm phán thành công giữa các chính phủ. Các cuộc đàm phán này chắc chắn sẽ đưa ra yêu cầu việc “công nhận và thực thi” các bản án của tòa nước ngoài được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại, bình đẳng giữa tất cả các bên tham gia.

Bài và ảnh: Phạm Hải