Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh

“Chiếc áo” phù hợp cho đầu tàu kinh tế

- Thứ Bảy, 14/11/2020, 06:16 - Chia sẻ
Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh như đề xuất của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội với mong muốn, Nghị quyết được Quốc hội thông qua sẽ là “chiếc áo” mới góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế hiện nay. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố mang tên Bác bứt phá mạnh mẽ hơn, thực hiện được khát vọng của “đầu tàu kinh tế” cả nước.

Khơi thông nguồn lực, tăng công suất cho đầu tàu kinh tế

Việc Quốc hội có nên ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh để thực hiện ngay từ ngày 1.7.2021 mà không phải thực hiện thí điểm là nội dung còn ý kiến khác nhau thời gian qua. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận thứ hai về dự thảo Nghị quyết này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, các nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Đà Nẵng được Quốc hội thông qua trước khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có hiệu lực thi hành. Mô hình chính quyền đô thị tại hai địa phương này lúc đó khác với mô hình chính quyền địa phương được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 nên phải thực hiện thí điểm. Trong khi đó, điểm khác biệt căn bản của dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương (Điều 44, Điều 58).

Phân tích vấn đề này, ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) khẳng định, đây là cơ sở quan trọng để có thể đồng tình và ủng hộ việc thực hiện ngay mô hình, tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh mà không cần thí điểm. Như vậy, nếu được thông qua, đến tháng 7.2021, Nghị quyết của Quốc hội sẽ có hiệu lực, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP Hồ Chí Minh đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (An Giang) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Cách đây hai năm, chúng ta đã quyết định điều tiết lại nguồn thu từ TP Hồ Chí Minh cho ngân sách Trung ương, cho thấy sự "gánh vác" của thành phố đối với cả nước như thế nào. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nêu rõ TP Hồ Chí Minh có những đặc thù nhất định về địa kinh tế và tổ chức chính quyền đô thị, nhất là khi thành phố đang là đô thị đặc biệt, với số quận nhiều hơn huyện. “Ở các đô thị thì câu chuyện liên thông giữa quận này với quận kia, hay nói cách khác là công dân sinh sống ở quận này và làm việc ở quận kia là hoàn toàn bình thường, khác với các địa bàn nông thôn”, ĐB Nguyễn Mai Bộ chỉ rõ.

Theo ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), dù là siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước, nhưng mô hình chính quyền tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang được “khoác chiếc áo” đồng dạng như với các địa phương khác. Trong khi hàng chục năm nay, đặc điểm, quy mô kinh tế - xã hội, công tác quản lý nhà nước đã có những chuyển biến sâu sắc, đòi hỏi phải kịp thời thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển cho địa phương. Vốn phải gánh vác vai trò là động lực, là đầu tàu quan trọng của cả nước nên các cấp lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vẫn luôn trăn trở nhiều năm qua. "Chính họ chứ không ai khác, hiểu rõ nhất những bất cập của “chiếc áo” thể chế chật chội mà TP đang “mặc”", ĐB Phạm Trọng Nhân thẳng thắn.

Từ những lý do nêu trên, nhiều đại biểu cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội khi được thông qua và triển khai sẽ “góp phần khơi thông nguồn lực, tăng công suất cho đầu tàu kinh tế”. Nghị quyết này cũng sẽ chuyển tải thông điệp về lẽ sống mà thành phố đã tìm kiếm và lựa chọn, từ trong khát vọng, trách nhiệm và nghĩa tình của mình về một mô hình chính quyền mà ở đó, mỗi tầng nấc được gỡ bỏ là thêm những bổn phận với Nhân dân, trách nhiệm với sự phát triển và dĩ nhiên không chỉ dành riêng cho thành phố.

Với ĐB Phạm Trọng Nhân, “sức nặng” của Nghị quyết này không nằm ở tập tài liệu hàng trăm trang, mà ở nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố, cũng như UBND quận và phường. Bởi bên cạnh những nhiệm vụ do luật định, chính quyền nơi đây còn gánh vác thêm rất nhiều nhiệm vụ, trách nhiệm khác mà ở trạng thái bình thường cũng đủ thấy áp lực. Khi Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, nơi đây sẽ phải luôn đặt trong "trạng thái bình thường mới", bởi hoạt động thực thi chức năng, nhiệm vụ của thành phố lúc đó sẽ phải sâu rộng đến cả cấp phường.

Cần quy phạm hóa trách nhiệm giải trình

Từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND thành phố trong thời kỳ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) thừa nhận, bên cạnh những thành công được người dân thành phố ghi nhận, đánh giá cao, quá trình này cũng có một số hạn chế. “Hoạt động giám sát chưa được như mong muốn. HĐND thành phố đã cố gắng giám sát nhưng độ phủ của hoạt động giám sát và kết quả thực hiện kết luận giám sát, tái giám sát chúng tôi vẫn chưa hài lòng”. Chỉ rõ thực tế này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị cần tăng cường hoạt động giám sát của HĐND thành phố để đáp ứng yêu cầu của người dân. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần bổ sung quy định để tăng số đại biểu hoạt động chuyên trách cho HĐND TP Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tăng cường năng lực, hiệu quả thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, chức năng giám sát của HĐND thành phố thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Q. Khánh

Đặt vấn đề về phương thức thực hiện quyền dân chủ nhân dân ở 2 cấp không có HĐND, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, dự thảo Nghị quyết phải quy phạm hóa 5 giải pháp. Trước hết, phải quy phạm hóa trách nhiệm giải trình của chính quyền thành phố, chính quyền quận và phường theo định kỳ đối với những nơi không có HĐND. Thứ hai, quy định về việc định kỳ tổ chức đối thoại của người đứng đầu chính quyền từng cấp với Nhân dân. Thứ ba, quy định về việc tăng cường thời lượng, số lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố, cũng như tăng cường số lượng đại biểu HĐND chuyên trách. Thứ tư, có quy định để tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và ĐBQH TP Hồ Chí Minh. Thứ năm, đưa ra quy định về hình thức trưng cầu dân ý và xin ý kiến Nhân dân phù hợp, khi chính sách tác động trên diện rộng, liên quan đến địa giới hành chính phường, quận, nhất là thu hồi đất đai. Theo ĐB Lê Thanh Vân, thực hiện được 5 giải pháp đó bằng các quy phạm cụ thể mới bảo đảm được quyền dân chủ của Nhân dân thông qua chính quyền và người đại diện của mình.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, qua đó bổ sung một số quy định vào dự thảo Nghị quyết để góp phần đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, bảo đảm quyền dân chủ của Nhân dân ở những nơi không tổ chức HĐND.  

Lê Bình