Tản mạn

Chiếc váy của Angelina Jolie

- Chủ Nhật, 28/02/2021, 09:26 - Chia sẻ
Anh thợ may cầm tiền trở về quê nhà để rồi đến một ngày sững sờ nhìn thấy chính chiếc váy ấy được minh tinh Hollywood Angelina Jolie khoác lên trong một sự kiện thời trang, hàng trăm triệu người ngắm nhìn cô trên truyền hình. Cùng một lúc, anh nghĩ về xấp tiền rẻ mạt mà anh nhận lại sau khi cắt may chiếc váy đó.

Sự cố tác quyền giữa một nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp và Sơn Tùng MTP khiến tôi nhớ tới tác phẩm "Gomorrah" (phải lưu ý rằng đây không phải là sự so sánh). Đây là một chuyện có thật được Roberto Saviano thuật lại trong tác phẩm văn chương đoạt giải thưởng của ông về mạng lưới Mafia Ý. Trong sách, nhà văn Roberto Saviano đã tả lại một câu chuyện về chiếc váy của Angelina Jolie.

Thời điểm đó các nhà thiết kế hàng đầu ở Milan vẫn thường thuê thợ may lành nghề ở Napoli làm các mẫu phức tạp cho mình. Chuyện kể về một anh chàng nọ may rất khéo, đó là nghề gia truyền của gia đình. Có một lần, anh ta nhận may một mẫu váy rất đẹp được đặt hàng bởi một nhà thiết kế lớn. Anh ta hào hứng mong đợi có thể biến mẫu thiết kế ấy thành sản phẩm thực. Nhà mẫu cung cấp vật liệu và anh chỉ việc may. Bằng lòng đam mê cùng sự nhạy cảm của mình, anh thực hiện thành công và làm ra một chiếc váy mà khi mang lên Milan, tất cả các nhà thiết kế đều phải trầm trồ. 

Người ta trả cho anh một xấp tiền mặt, đối với anh nó là một khoản kha khá rồi. Anh cầm tiền trở về quê nhà để rồi đến một ngày sững sờ nhìn thấy chính chiếc váy ấy được minh tinh Hollywood Angelina Jolie khoác lên trong một sự kiện thời trang, hàng trăm triệu người ngắm nhìn cô trên truyền hình. Cùng một lúc, anh ta nghĩ về xấp tiền rẻ mạt mà anh nhận lại sau khi cắt may cái váy đó. 

Tác giả đã cố gắng mô tả lại tâm trạng của người đàn ông này. Anh ta thấy nó thật lộng lẫy, thật tuyệt vời nhưng bên cạnh đó cũng là một nỗi buồn khó tả. Cho đến khi gặp Saviano trong một cuộc phỏng vấn, anh ta vẫn không sao lý giải được vì sao mình lại bỏ nghề may để đi lái xe tải, dù rằng làm nghề may theo đặt hàng của các nhà mốt có thu nhập khá hơn. Chỉ biết rằng sau cái lần nhìn thấy Angelina Jolie mặc chiếc váy do chính tay mình may ra thì anh đã không bao giờ còn có thể ngồi vào bàn khâu được thêm một lần nào nữa. 

Đây là một ví dụ điển hình trong một ngành công nghiệp tạo ra sức hút cho công chúng. Nó hào nhoáng lộng lẫy nhưng cũng có cả những câu chuyện và thỏa thuận chính thức nghe hơi khập khiễng như thế. 

Nhiều người chê Sơn Tùng MTP mà quên đi một thực tế là khán giả thế nào nghệ sĩ thế đó. Đây là đặc thù của những ngành sống dựa vào số đông công chúng. Câu chuyện về chiếc váy kể trên cũng cho thấy các vấn đề hữu hình của giá trị thương hiệu, giá trị lao động, giá trị sáng tạo và khai thác nhân công. Đúng sai là thứ mà ta nghe phán xử ở tòa, còn hiện thực thì vẫn phải nhìn vào để hiểu.

Quyết định của chàng trai được nhắc đến có thể coi là dễ hiểu trong các ngành sáng tạo và quản lý tác quyền. Đôi khi người ta cảm thấy bất lực trước hiện thực, bất lực trước đám đông công chúng cuồng mộ văn hóa tiêu dùng. Nó giống như ta đang đối đầu với một con quái vật không hình hài, vô định, hoàn toàn không có phần thắng và việc quay lưng lại với nó có thể là cách xử lý hay nhất bởi vì con quái thai ấy được tạo ra từ sự thiếu sáng suốt của con người. Ở đây ta thấy nhà mốt không sai và anh thợ may cũng không sai, anh ta đưa ra một quyết định phù hợp với tâm tư tình cảm, năng lực và lương tâm. Thêm vào đó, quyết định ấy chẳng gây hại cho ai cả. Dù không có ai sai nhưng vẫn làm ta suy nghĩ.  

Hiển nhiên ở đây, tôi không định ví Sơn Tùng là nhà mốt Milan và nhà sản xuất GC là anh thợ may. Bài viết chỉ đề cập đến vấn đề kết tinh trong lao động sáng tạo và sự tưởng thưởng mà xã hội phân chia cho các đối tượng tham gia vào. Những sự ''cân bằng'' do đó chỉ có tính tương đối mà thôi.

Lê Quang