Chiêm nghiệm và nuôi dưỡng tinh thần vì giáo dục

- Thứ Tư, 28/07/2021, 05:07 - Chia sẻ
Giáo dục là hệ thống công lớn nhất ở hầu hết quốc gia, tác động đến cuộc sống của mọi công dân trong cả hiện tại lẫn tương lai. Việc quản trị cả một hệ thống lớn như vậy để bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững rõ ràng là vô cùng phức tạp. Kinh nghiệm của người đi trước trong quá trình dẫn dắt hệ thống giáo dục có thể giúp các tân bộ trưởng thành công trong việc thúc đẩy cơ hội cho học sinh để các em trở thành kiến trúc sư cho tương lai của chính mình.
Cuốn sách gồm 18 lá thư của các nhà lãnh đạo giáo dục cao cấp gửi tới tân Bộ trưởng Giáo dục

Những chiêm nghiệm từ thực tế

Công ty Cổ phần Xuất bản và Dữ liệu (ETS) và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam vừa hợp tác ra mắt cuốn sách “Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục”, tập hợp 18 lá thư của các nhà lãnh đạo giáo dục cao cấp (nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cố vấn cấp cao…) gửi tới tân Bộ trưởng Giáo dục. Đây là kết quả của Sáng kiến Đổi mới giáo dục toàn cầu (Global Education Innovation Initiative), dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng nhằm mở rộng tri thức và hiểu biết để thúc đẩy cải thiện nền giáo dục công với mục đích trang bị cho tất cả học sinh đầy đủ năng lực cần thiết để gia nhập và đóng góp vào một thế giới đang thay đổi vô cùng nhanh chóng.

Tác giả của cuốn sách, ông Fernando M. Reimers - Giám đốc Sáng kiến Đổi mới giáo dục toàn cầu “hy vọng rằng những chiêm nghiệm từ thực tế dẫn dắt các cải tổ giáo dục ở quy mô lớn sẽ khơi gợi nhiều câu hỏi, tư duy, và là sự chuẩn bị tốt mà những ai sẽ đảm đương trách nhiệm tương tự trong tương lai có thể học được từ những người tiền nhiệm”.

Với hai dịch giả Hoàng Anh Đức và Lê Anh Vinh, có lẽ “Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục” không phải là một giáo trình hay công thức để những Bộ trưởng Giáo dục có thể áp dụng và thành công hơn. Tuy nhiên, đây là một hạt mầm trân quý để nuôi dưỡng tinh thần vì giáo dục, bất kể là quan chức, nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh, hay các nhà giáo dục tương lai.

Đồng thuận và cam kết chính trị

Giáo dục không chỉ là quyền lợi của mỗi công dân mà còn là yếu tố quyết định tăng trưởng, phát triển và khả năng cạnh tranh của một đất nước. Vì thế, “nếu không có sự đồng thuận chính trị đằng sau giáo dục, bạn sẽ phải chiến đấu cho vị thế của giáo dục, để mọi khu vực bầu cử hiểu được tầm quan trọng của nó. Giáo dục là cung cấp dịch vụ với chất lượng thích đáng cho tất cả trẻ em và thanh thiếu niên. Do đó, giáo dục là một nỗ lực lâu dài đòi hỏi sự cam kết chính trị đầy đủ của cả bộ máy lập pháp, hành pháp và xã hội nói chung” - nguyên Bộ trưởng Giáo dục Peru Jaime Saavedra đúc kết.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia Cecilia María Vélez White nhắn nhủ: “Lý tưởng, dù thế nào đi nữa cũng là nguồn động lực mạnh mẽ nhất mà một nhà lãnh đạo giáo dục có thể có. Chính lý tưởng của một số nhà lãnh đạo đã thúc đẩy khả năng tiếp cận giáo dục và cơ hội cho hàng tỷ trẻ em trên toàn thế giới. Chính những lý tưởng đó đã cho ra đời những hệ thống giáo dục đại chúng, miễn phí. Cũng chính các lý tưởng đó đã chiến đấu, loại trừ những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục. Lý tưởng là điều liên tục thu hút học sinh trở thành giáo viên và cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp phụng sự cộng đồng…

Nhiều năm sau khi rời nhiệm sở, tôi đã đề ra lời hứa: Tôi sẽ không để họ đánh mất lý tưởng của tôi. Với những ai đã chọn lựa để phụng sự, tôi xin nhắn nhủ: Đừng để người khác lấy mất lý tưởng của bạn”.

“Sự chiêm nghiệm của những nhà lãnh đạo cấp cao về những bài học xương máu, những vui mừng và nuối tiếc của họ chính là những thông điệp rõ ràng nhất để mỗi cá nhân liên quan tới giáo dục thấu hiểu thêm về các góc nhìn của người khác, từ đó thực sự trân trọng tính cộng tác để hướng tới những mục tiêu chung”.

Hoàng Anh Đức - Lê Anh Vinh

Không có con đường tắt

Như những mong mỏi thường tình, bất kỳ Bộ trưởng Giáo dục nào cũng muốn đất nước mình trở thành một trong những nước có thành tích cao nhất trong khi họ tại vị và được hưởng một số lợi tức chính trị từ những nỗ lực của họ. Nhưng theo nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mexcio Otto Granados, điều này là không thể, vì một số lý do. Đầu tiên, việc chuyển đổi bất kỳ hệ thống giáo dục quốc gia nào sẽ mất ít nhất 20 - 30 năm và không nhiệm kỳ chính trị nào có thể duy trì trong một khoảng thời gian như vậy. Một lý do khác thậm chí quan trọng hơn, các mục tiêu giáo dục không thể được đo lường đơn giản bằng các bài kiểm tra, mà cần được đo thông qua thành quả, sự tiến triển kinh tế - xã hội trong suốt cuộc đời của mỗi học sinh. Những thành quả này chỉ có thể được đánh giá ở tương lai dài hạn.

GS. Oon-Seng Tan, nguyên Giám đốc Viện Giáo dục Quốc gia Singapore khẳng định, giáo dục là một chặng đường dài, và chất lượng giáo dục tác động đến việc xây dựng quốc gia, bảo tồn các giá trị, và phát huy năng lực của con người trong việc thích ứng, đổi mới và tạo ra giá trị mới. “Giáo dục cần phải được định hướng dựa vào tương lai. Các nhà lãnh đạo giáo dục cần phải nhận thức được bản chất thay đổi của kiến thức, quá trình học tập và bối cảnh xung quanh”.

Không có bất kỳ Bộ trưởng hay Bộ Giáo dục nào biết toàn bộ thách thức, thực trạng và bối cảnh mà họ sẽ phải đương đầu. Trẻ em sẽ được phụng sự tốt nhất bởi những nhà lãnh đạo có khả năng kết hợp chuyên môn để biết những cái đã biết với sự khiêm nhường để học những gì chưa biết. Sau sự nghiệp 6 thập kỷ, trải qua nhiều vị trí, từ giáo viên đến lãnh đạo hệ thống giáo dục, dẫn dắt một tổ chức chính phủ với vai trò nhà lãnh đạo toàn cầu, Eric Jamieson (Australia) cho rằng, câu hỏi quan trọng mà bất kỳ nhà lãnh đạo giáo dục nào cũng phải cân nhắc là: Đâu là cách tốt nhất để chúng ta giúp tất cả học trò phát triển toàn diện, phát huy tiềm năng của mình, và định hình tương lai chung dựa trên nền tảng thịnh vượng của mỗi cá nhân, cộng đồng và cả hành tinh?

Hà Việt