Chiến lược “dài hơi”

- Thứ Tư, 11/08/2021, 06:33 - Chia sẻ
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo UBND tỉnh này về phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Đây thực sự là tin vui cho những người lao động xa quê trở về từ vùng dịch.

Tính từ ngày 27.4 đến nay, số công dân Thanh Hóa trở về từ vùng dịch là 16.509 người. Số công dân hiện đang thực hiện cách ly là hơn 13.000 người. Qua khảo sát, tổng số lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch có nhu cầu việc làm và học nghề là 10.300 người (chiếm 62,4%). Trong đó, số lao động có nhu cầu đào tạo nghề là 1.200 người, số lao động có nhu cầu việc làm là 9.100 người.

Để bảo đảm việc làm, ổn định đời sống cho những lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện cách ly, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đã có ý kiến với Ban cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, các sở, ngành chức năng, các địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng phương án tạo điều kiện cho những lao động trở về từ vùng dịch được học nghề, tham gia làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, tuổi tác, gia đình; giúp những lao động trở về từ vùng dịch vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của địa phương và ổn định xã hội.

Những ngày qua, chúng ta đã rất xót xa khi phải chứng kiến hình ảnh từng đoàn người đi xe máy nối nhau chạy ra khỏi vùng dịch từ một số tỉnh, thành phía Nam để trở về địa phương. Họ là những người lao động làm việc tại các khu công nghiệp và trong số đó có cả những lao động tự do. Họ đã đến nơi đất khách để kiếm kế sinh nhai. Khi dịch bệnh, họ không còn sự lựa chọn nào khác là trở về quê tạm lánh dịch. Có những người lao động trong người không còn đủ tiền để “lộ phí đường xa”, họ phải nhờ vào sự cứu giúp, hỗ trợ của những nhà hảo tâm mới đủ tiền để về quê. Trong số những người lao động ấy, có những người sẽ có cơ hội để trở lại để làm việc trong những doanh nghiệp khi họ có ký kết hợp đồng lao động, khi doanh nghiệp ấy vẫn đủ “sức khỏe” để trụ vững qua đại dịch. Nhưng có không ít người mà cơ hội trở lại làm việc của họ để tìm việc làm là xa vời vì doanh nghiệp của họ làm cũng đã tạm ngừng hoạt động, phá sản vì đại dịch. Đó là một thực tế buồn mà những người lao động ở nhiều tỉnh thành đang phải đối diện khi trở về quê hương.

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã sẵn sàng đón người dân trở về từ vùng dịch và lên kế hoạch cho việc cách ly tập trung để tránh lây lan nguồn dịch ra cộng đồng. Việc các địa phương tiếp nhận công dân trở về từ vùng dịch rất đáng trân trọng. Một mặt, thể hiện sự “chia lửa” đối với địa phương vùng dịch, mặt khác thể hiện sự quan tâm của địa phương khi người dân mình gặp khó khăn.

Việc tiếp nhận lao động trở về địa phương để cách ly là cần thiết. Nhưng sau cách ly, đời sống của những lao động này sẽ ra sao, khi phía trước họ sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn? Đó là họ sẽ phải đối diện với nguy cơ bị mất việc làm khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phải tạm dừng hoạt động, phá sản do ảnh hưởng bởi đại dịch. Hay những người lao động phi chính thức sẽ mất việc làm dài hạn bởi khó khăn chung mà Covid-19 gây ra. Do đó, việc tìm việc làm, tạo kế sinh nhai cho những lao động trở về từ vùng dịch lúc này rất quan trọng. Đây được coi là giải pháp căn cơ, là chiến lược dài hơi để bảo đảm cuộc sống của người lao động nói riêng, bảo đảm an sinh xã hội nói chung.

Dù mới đang trong kế hoạch triển khai thực hiện, và có thể phía trước vẫn còn không ít khó khăn khi đáp ứng được nhu cầu đào tạo và tìm việc làm của toàn bộ người lao động trở về từ vùng dịch nhưng cách làm của Thanh Hóa cần được lan tỏa sang các tỉnh thành khác để mở ra cơ hội việc làm cho lao động sau đại dịch. Đây là một chiến lược dài hơi. Chỉ khi có việc làm ổn định, bảo đảm cuộc sống an sinh trên quê hương mình, người lao động sẽ không còn phải “ly hương”.

Hà An