Chiến trường mới của cạnh tranh liên minh?

- Thứ Ba, 23/02/2021, 08:37 - Chia sẻ
Với việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy sự ưu tiên rõ ràng trong chính sách đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, có nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực này sẽ chứng kiến "cuộc đua liên minh" giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó nhóm Bộ Tứ (Tứ giác kim cương) sẽ là nhân tố quan trọng.

Ưu tiên của chính quyền Mỹ

Hoạt động đầu tiên của Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden nhằm khẳng định sự ủng hộ đối với tự do hàng hải ở Biển Đông diễn ra chỉ hơn hai tuần sau khi ông nhậm chức. Sau đó, ngày 9.2, như một minh chứng rõ ràng cho sự nghiêm túc của chính quyền mới ở Washington trong việc duy trì “quan điểm cứng rắn” đối với Bắc Kinh, hải quân Mỹ đã điều hai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tới tập trận ở Biển Đông. Đây mới là lần thứ 3 cả hai tàu này được điều đến khu vực kể từ năm 2012.

Một trong những hệ quả của việc Mỹ phân bổ lại lực lượng có thể là việc chính quyền ông Biden sẽ chuyển nguồn lực từ Trung Đông sang châu Á. Điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách Mỹ xây dựng chiến lược Iran của mình, vốn đã trở nên thiếu rõ ràng kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động toàn diện chung năm 2015.

Quan điểm đối ngoại của Mỹ nhận được sự đồng thuận của giới an ninh trong bộ máy mới. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đặt khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và “thách thức đến từ Trung Quốc” trong tiêu điểm của kế hoạch quân sự dài hạn. Trước khi nhậm chức, ông Lloyd Austin đã chỉ ra rằng, Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ trong tương lai và nhấn mạnh sẽ không bao giờ cho phép sức mạnh quân sự của Trung Quốc vượt qua Mỹ. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan khẳng định rằng “khuôn khổ Bộ Tứ kim cương” (chỉ 4 nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia) sẽ đóng vai trò quan trọng trong chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Đối thoại An ninh Bốn bên (The Quad - Bộ Tứ) được hồi sinh năm 2017, mà Bắc Kinh luôn chỉ trích là một liên minh chống Trung Quốc hay "NATO châu Á".

Gót chân Achilles của Bộ Tứ

Cuộc họp Bộ trưởng Bộ Tứ đầu tiên diễn ra vào tháng 9.2019 tại New York, tiếp đó họp tại Tokyo vào tháng 10 năm ngoái, nơi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi tập hợp chống lại những hành động phi pháp của Trung Quốc ở khu vực (ám chỉ các hoạt động xây dựng, cải tạo và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông).

Tháng 11 năm ngoái, bất chấp đại dịch Covid-19 và căng thẳng biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, tất cả bốn thành viên của Bộ Tứ đã cùng nhau tham gia Cuộc tập trận hải quân Malabar. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007, Australia tham gia cuộc tập trận do Ấn Độ dẫn đầu, và đặc biệt hơn nó diễn ra trong bối cảnh nước này đang chứng kiến cuộc chiến thương mại leo thang với Bắc Kinh.

Bộ Tứ đang nỗ lực hướng tới hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo. Điều này sẽ đưa khối tiến gần hơn đến việc thể chế hóa, một kế hoạch đã được tái khẳng định sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan tuyên bố rằng, Bộ Tứ phải là “nền tảng để xây dựng chính sách quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm này chưa thể đoàn kết thành một khối thống nhất giống như NATO khi các thành viên còn phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Mặc dù sự hợp tác quân sự giữa các thành viên đã gia tăng, tất nhiên mới chỉ ở mức khiêm tốn, nhóm này vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện bất kỳ sáng kiến chung nào, ngay cả với mục đích xây dựng một liên minh an ninh thống nhất có khả năng điều phối sự hợp tác quân sự phức tạp trong môi trường tác chiến. Trong khi các cuộc chiến thương mại gần đây giữa Trung Quốc và các thành viên Bộ Tứ cho thấy lợi ích quốc gia vẫn được ưu tiên và Ấn Độ có thể trở thành gót chân Achilles của liên minh này.

Thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đang có hy vọng vượt qua cột mốc 100 tỷ USD. New Delhi, đã gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải năm 2017, sẽ phải cân bằng các mối quan hệ của mình trong tổ chức này với các mối quan hệ với Bộ Tứ. New Delhi cũng đang hy vọng sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán với Iran về phát triển cảng Chabahar chiến lược, đã bị tạm dừng sau khi Mỹ nối lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Thực tế cho thấy, vấn đề cố hữu của một liên minh không tập trung là hậu quả của việc không có sự lãnh đạo mạnh mẽ. Lợi ích chiến lược giữa các đối tác liên minh dễ dàng đi theo những định hướng khác nhau, dễ tạo điều kiện cho một thế lực đối địch khai thác các rạn nứt, nhất là một đối thủ có khả năng gây sức ép trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế hay trên không gian mạng.

Sự thể hiện tình đoàn kết chỉ mang tính biểu tượng mà không được hỗ trợ bởi khả năng sẵn sàng hành động tập thể trên thực tế không phải là sự răn đe. Chẳng hạn như, nếu Ấn Độ nghĩ rằng Nhật Bản, Australia và kể cả Mỹ không đủ sức giúp nước này giành chiến thắng trong một cuộc xung đột với đối thủ của họ, thì New Dehli sẽ có nhiều lý do để hạn chế căng thẳng với đối thủ hoặc có thể giới hạn hợp tác quân sự với các thành viên Bộ Tứ ở mức sao cho không gây ra sự trả đũa quyết liệt của đối thủ.

Những vấn đề trên cho thấy, tương lai của nhóm Bộ Tứ chủ yếu phụ thuộc vào Mỹ - thành viên quyền lực nhất khu vực. Kinh tế rơi vào suy thoái sẽ gây sức ép rất lớn buộc Mỹ phải phân phối lại chi tiêu. Trong bối cảnh đó, quân đội Mỹ càng căng ra nhiều nơi thì càng giảm khả năng hỗ trợ các thành viên khác, các đồng minh và bạn bè trong khu vực sẽ càng cảm thấy lo ngại nếu như họ thực sự phụ thuộc vào cam kết quốc phòng của Mỹ.

Câu chuyện từ Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Philippines là những ví dụ cụ thể của sự rạn nứt này. Mỹ đang gặp phải một vấn đề lớn, đó là mối quan ngại của khu vực về khả năng tiếp tục cung cấp lợi ích công cộng của mình. Những quan ngại này ngày càng gia tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.

Tuy nhiên, bất chấp những điểm yếu của mình, Bộ Tứ vẫn hứa hẹn sẽ là một liên minh hiệu quả trên mặt trận đa phương nếu Tổng thống Biden xây dựng lại các liên minh, đặc biệt nếu các quan hệ đối tác mới được khám phá, bao gồm cả với ASEAN. Đối với các quốc gia Đông Nam Á, nơi mà sự hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc hay Mỹ đều trở nên nhạy cảm về mặt chính trị, thì việc hợp tác với các quốc gia Bộ Tứ khác có thể là lựa chọn thay thế đáng hoan nghênh.

Nguồn: ITN

Các liên minh đối trọng

Bên cạnh Bộ Tứ, Mỹ đã và đang củng cố mạng lưới liên minh an ninh khu vực. Mới đây, Mỹ và Philippines tiến hành thảo luận về khả năng nối lại Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA), vốn bị Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đơn phương hủy bỏ hồi tháng 2 năm ngoái sau 2 thập kỷ tồn tại. Thỏa thuận này sẽ cho phép quân đội Mỹ đóng quân ở Philippines, trong bối cảnh các nước khu vực ngày càng cảnh giác với Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đang tập hợp các đồng minh nhằm đối trọng với liên minh do Mỹ đứng đầu. Vào tháng 12.2019, Moscow, Tehran và Bắc Kinh đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên ở Ấn Độ Dương và Vịnh Oman, nơi được truyền hình nhà nước Iran mệnh danh là “tam giác quyền lực mới trên biển”.

Sau khi ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018, các lệnh trừng phạt một lần nữa được áp đặt đối với Tehran, buộc nước này phải củng cố quan hệ với Nga và Trung Quốc. Cùng năm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng ủng hộ vị thế của Iran tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một hiệp ước Á - Âu do Trung Quốc lãnh đạo, theo đó, Iran sẽ được nâng cấp từ vị trí quan sát viên lên thành viên đầy đủ. Một năm sau, Bắc Kinh và Tehran quyết định nâng cấp quan hệ của họ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” và hai nước đang xem xét một thỏa thuận kinh tế trị giá 400 tỷ USD. Tuần này, Nga và Iran khởi động cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng tham gia và Trung Quốc theo sau, 4 năm sau khi Nga và Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận chung ở Biển Đông lần đầu tiên.

Có vẻ như với những trọng tâm rõ ràng về chính sách đối ngoại và an ninh của chính quyền Joe Biden, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ trở thành “chiến trường mới” của cuộc cạnh tranh liên minh. Tuy nhiên, một cuộc chiến ở khu vực sẽ là kịch bản xa vời, vì tất cả các bên liên quan đã nhiều lần chứng minh khả năng kiềm chế - cho dù đó là giữa Mỹ với Iran; Trung Quốc với Ấn Độ; Mỹ và Nga, hay Mỹ và Trung Quốc. Mọi người chơi đều coi trọng sự ổn định kinh tế và chiến lược trong một khu vực quan trọng của thương mại hàng hải thế giới.

Đạt Quốc