Gợi mở kịch bản khôi phục kinh tế

Chính phủ nên giải cứu tất cả doanh nghiệp khó khăn

- Thứ Tư, 29/09/2021, 06:55 - Chia sẻ
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất Chính phủ giải cứu tất cả doanh nghiệp gặp khó khăn, không nên phân biệt. Trường hợp phải lựa chọn đối tượng để giải cứu do nguồn lực có hạn thì nên chọn doanh nghiệp có triển vọng phục hồi tốt, có năng lực cạnh tranh và chống chịu, thuộc ngành hàng ưu tiên hay thiết yếu, doanh nghiệp lớn có đóng góp và có ảnh hưởng lớn ở thị trường…

Kinh tế có thể phục hồi khi vẫn còn Covid

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, cần có cách tiếp cận kết hợp: Khoanh vùng dịch bệnh, thích ứng với sự tồn tại dai dẳng của Covid cùng với phục hồi nền kinh tế. Như vậy, phải xác định nền kinh tế vẫn có thể phục hồi trong khi vẫn còn Covid. Tuy nhiên, mở rộng diện tiêm chủng vaccine có hiệu quả và kịp thời là điều kiện quan trọng và tiên quyết để phục hồi kinh tế thành công.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mở cửa nền kinh tế khi bệnh dịch chưa được kiểm soát có thể khiến dịch bệnh bùng phát trở lại nhiều lần, làm tổn thất về người, gây hoang mang trong xã hội và mất niềm tin của nhà đầu tư, kinh doanh. Do vậy, cách thức kết hợp, lộ trình dỡ bỏ giãn cách và mở cửa nền kinh tế cần được xây dựng cẩn trọng có tính tới các phương án và kịch bản khác nhau.

Trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân chịu tác động rất mạnh của dịch bệnh, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, các giải pháp kiểm soát dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế trước tiên phải lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm và là mục tiêu của các chính sách can thiệp. Duy trì được cho doanh nghiệp sống sót, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh ở mức tối thiểu là yêu cầu đầu tiên.

Ông Tuấn cũng đề xuất, Chính phủ xem xét giải cứu tất cả doanh nghiệp gặp khó khăn vì các doanh nghiệp khác nhau cho đến thời điểm này đều đã yếu đi rất nhiều. “Việc cứu trợ cấp thiết hơn bao giờ hết, do đó không nên phân biệt doanh nghiệp nào”, ông nhấn mạnh. Trong tình huống bắt buộc phải lựa chọn một số đối tượng để giải cứu do nguồn lực có hạn, thì cần có các tiêu chí phù hợp, bao gồm: Doanh nghiệp có triển vọng phục hồi tốt, có năng lực cạnh tranh và chống chịu, thuộc ngành hàng ưu tiên hay thiết yếu, các doanh nghiệp lớn có đóng góp và có ảnh hưởng lớn ở thị trường vì doanh nghiệp lớn mà đổ vỡ có thể kéo theo nhiều đổ vỡ khác trên thị trường. 

Cùng với đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở trên các lĩnh vực khác nhau bằng công cụ thể chế và tài chính. Phát huy động lực các trụ cột của tăng trưởng kinh tế, trong đó đặc biệt là xuất khẩu, đầu tư công và kích cầu tiêu dùng nội địa. Đồng thời, xem xét mở cửa cho phép người lao động có đủ điều kiện về an toàn dịch bệnh (tiêm 2 mũi vaccine) tham gia sản xuất và các hoạt động xã hội khác một cách bình thường để bảo đảm nguồn lao động bị thiếu hụt do giãn cách và “hồi hương”.

Thủ tướng đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì làm việc với các quốc gia để công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine”

Nguồn: ITN 

Cần ban hành gói hỗ trợ mới 

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có 3 giải pháp trọng tâm, trước mắt để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đầu tiên, cần ban hành gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp. Dựa trên kinh nghiệm, xu hướng trên thế giới và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để gói kích thích ban hành “vừa đủ liều lượng, vừa đúng và trúng đối tượng”, nhanh vào cuộc sống. Gói kích thích có thể gồm các giải pháp: Gia hạn nợ, khoanh nợ; miễn, giảm thuế, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh, miễn, giảm các nghĩa vụ đóng góp; cơ cấu lại các khoản nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn; thuận lợi hóa tiếp cận nguồn vốn tín dụng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...

Thứ hai, tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển. Theo đó, cần đẩy mạnh thực hiện đầy đủ các giải pháp cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và giá thành vận chuyển, thành lập tổ công tác liên ngành của các bộ và các cơ quan liên quan để rà soát, tháo gỡ ngay khó khăn về chi phí logistics và tình trạng thiếu container. Tiếp tục cắt giảm các loại phí, chi phí đối với hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu.

Thứ ba, khẩn trương xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế. Hiện nay, nhiều nước triển khai mạnh mẽ chính sách “hộ chiếu vaccine”. Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng áp dụng chế độ chứng nhận miễn dịch y tế để đón tiếp, phục vụ các đối tượng đã tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bảo đảm an toàn cho các hoạt động giao thương quốc tế như du lịch, hàng không, thương mại, ngoại giao, giáo dục, xuất khẩu lao động… 

Tiếp tục duy trì và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình đón tiếp phục vụ, kiểm dịch y tế, hàng không, biên phòng, an ninh cửa khẩu, hải quan, du lịch, cơ sở lưu trú… Chủ động, tích cực và sáng tạo trong hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực, hợp tác song phương và đa phương trong việc đồng bộ hóa các tiêu chí và điều kiện kỹ thuật thống nhất chấp nhận các hình thức xác nhận miễn dịch Covid-19 trong hoạt động giao thương quốc tế.

Vy Hương