Chính sách cấp bách, triển khai phải cấp bách

- Thứ Sáu, 14/01/2022, 06:16 - Chia sẻ
Với tỷ lệ tán thành cao, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng. Gói chính sách này được cử tri, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn để phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian sớm nhất.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, gói chính sách này tập trung vào 4 lĩnh vực: y tế, phòng, chống dịch Covid-19; an sinh xã hội, lao động và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.

Quốc hội quyết định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%); bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị Covid-19. Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi… Cử tri và doanh nghiệp đánh giá cao quyết đáp rất kịp thời của Quốc hội. Chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp được hồi sinh sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Đây là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài các khung khổ 5 năm 2021 - 2025, phục vụ cho nhiệm vụ cấp bách. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, cho phép Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu…

Với việc áp dụng một số cơ chế đặc thù này tạo sự chủ động cho Thủ tướng và Chính phủ để điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Tuy nhiên, để chính sách này sớm được triển khai và phát huy hiệu quả, Chính phủ cần khẩn trương ban hành các giải pháp để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật để thực hiện Chương trình. Đồng thời, hướng dẫn tổ chức thực hiện các cơ chế quy định gắn với trách nhiệm cụ thể, bảo đảm không để xảy ra việc lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí. Rõ ràng, việc gắn trách nhiệm cụ thể trong quá trình thực thi chính sách này sẽ tránh được tình trạng dòng tiền hỗ trợ đi “chệch hướng”.

Thực tế triển khai một số chính sách hỗ trợ thời gian qua cho thấy, dù không nhiều nhưng vẫn xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Điều này không chỉ làm thất thoát ngân sách mà còn ảnh hưởng niềm tin của cử tri, nhân dân vào các chính sách nhân văn. Để không xảy ra tiêu cực, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan trong triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách này, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách. Cùng với đó là cơ chế giám sát, kiểm toán chặt chẽ trong quá trình thực hiện chính sách này.

Được triển khai thực hiện trong 2 năm nhưng gói chính sách lần này được ví “tạo sức sống mới cho nền kinh tế”. Do đó, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm triển khai chính sách cấp bách này, phân bổ nguồn lực cho đúng, trúng, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa.

Song Hà