Chính sách cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch

- Thứ Bảy, 18/09/2021, 06:10 - Chia sẻ
TS Trần Văn -Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Khóa XIII

Trong lúc cả nước đang quay cuồng phòng, chống dịch, cứu chữa người mắc Covid-19, ngành y tế phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khoẻ và tính mạng khi thực thi công vụ. Có lẽ cần phải thiết kế một gói hỗ trợ riêng cho ngành y tế, cụ thể là cho các bệnh viện, các cán bộ, nhân viên ngành y trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chống dịch.

Lý do trước hết là bởi, hiện nay, phần lớn các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đều thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, các bệnh viện phải cử những bác sĩ, điều dưỡng và đội ngũ cán bộ kỹ thuật ưu tú nhất tới các bệnh viện dã chiến làm nhiệm vụ. Giãn cách xã hội và cách ly y tế cũng làm giảm mạnh số lượng người dân tới khám chữa bệnh, nên nguồn thu giảm mạnh so với kế hoạch, trong khi vẫn phải bảo đảm chi theo thực tế và còn chi nhiều hơn cho yêu cầu chống dịch. Kết quả là tình hình tài chính của nhiều bệnh viện công lập gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong khi họ cùng với việc thực hiện “thiên chức” của ngành y chữa bệnh, cứu người cũng là những người “làm công, ăn lương” để nuôi gia đình, cho con cái ăn học và phụng dưỡng cha mẹ.   

Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 chính là thời kỳ đặc biệt nên phải có các biện pháp đặc biệt hỗ trợ các bệnh viện công về tài chính. Có lẽ trong giai đoạn này phải tạm dừng cơ chế tự chủ tài chính vì tất cả tập trung cho chống dịch và Nhà nước phải dùng ngân sách để cấp bù cho các bệnh viện công ở mức thu nhập bình quân của năm liền kề để bảo đảm thu nhập, đời sống của cán bộ nhân viên y tế, bảo đảm kinh phí sửa chữa, duy tu trang thiết bị để vận hành bình thường các cơ sở y tế công lập vừa chống dịch, vừa thực hiện chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho người dân.

Thứ hai là cần sớm có các cơ chế chính sách để phần nào bù đắp những khó khăn của tuyến đầu phòng chống dịch, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta đã được nghe những câu chuyện hết sức cảm động về tinh thần chịu đựng hy sinh, gian khổ của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện dã chiến, nhất là ở tuyến trên, khu vực chăm sóc đặc biệt với bệnh nhân nặng. Các anh chị, dù vất vả, khó khăn đến đâu cũng không nề hà, miễn là cứu sống được bệnh nhân. Trong thư của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế ngày 9.9, đã ghi nhận “đội ngũ thầy thuốc đã bỏ nhiều công sức, mồ hôi, nước mắt trong điều kiện làm việc căng thẳng đồng thời cũng gác lại tình cảm riêng tư và chịu những mất mát, hy sinh". Nhiều người cho rằng, sự đãi ngộ mà các nhân viên y tế đang nhận được nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng của ngành và những đóng góp của họ cho đất nước, nhất là trong đại dịch Covid-19.

Đó có thể là các chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung, các phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn, sinh hoạt đối với lực lượng y tế để đủ sức tái tạo sức lực, cả về thể chất và tinh thần sau những ca làm việc căng thẳng. Nếu chúng ta “chống dịch như chống giặc” thì phải coi lực lượng y tế đang ở chế độ trực chiến. Hơn nữa, các dự báo lạc quan nhất cho thấy dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn với nhiều biến chủng mới, nhất là khi mùa đông đến dần, cho tới khi người dân được tiêm vaccine đầy đủ, nên việc chăm lo, giữ chân lực lượng nhân lực giỏi, chất lượng cao của ngành y tế là việc làm cấp bách.

Được biết, tiếp theo các chính sách phụ cấp đặc thù  đối với cán bộ tham gia công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 theo Nghị quyết số 58/NĐ-CP ngày 8.6.2021 của Chính phủ, mới đây, ngành y tế đã lại trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19. Mong rằng những đề xuất của Bộ Y tế sẽ nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành và địa phương để Chính phủ sớm có quyết sách để ngành có thể tổ chức thực hiện ngay, sớm ngày nào hay ngày đó.

Nguồn kinh phí có thể được Chính phủ bố trí từ dự phòng ngân sách nhà nước, các quỹ dự trữ tài chính nhà nước, từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên theo nghị quyết của Quốc hội và các nguồn tài chính hợp pháp khác, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội theo luật định.

TS Trần Văn