Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam-Úc 2021

Chính sách còn thiếu nhất quán, tạo áp lực cho doanh nghiệp

- Thứ Tư, 22/09/2021, 11:20 - Chia sẻ
Đây là nhận định của Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa khi bàn về việc tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào ngành nước tại Tuần lễ Ngành nước Việt Nam - Úc 2021 với chủ đề “An toàn Cấp nước – Hướng tới sự phát triển bền vững” vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.

Mối quan tâm chung toàn cầu

Trong thư gửi tới “Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam-Úc 2021”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ những khó khăn thách thức an ninh phi truyền thống như môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây tổn thất to lớn cho nền kinh tế cũng như đời sống xã hội của người dân.

Từ khi quan hệ song phương được nâng lên cấp Đối tác Chiến lược tháng 3 năm 2018, “Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam - Úc 2021” lần đầu tiên tại Việt Nam, có sự quan tâm của Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp ngành nước hai bên trao đổi về những thách thức cũng như trao đổi các giải pháp và định hướng chính sách cho chương trình hợp tác tương lai giữa ngành nước của hai quốc gia Việt Nam - Úc.

Các đại biểu tham dự “Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam-Úc 2021” theo hình thức trực tuyến

Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Úc tại Việt Nam Robyn Mudie nhấn mạnh, nước là một lĩnh vực cơ bản trong việc mở rộng quan hệ đầu tư và thương mại song phương, hai nước đã và đang phát triển các dự án tập trung vào sức sống cho các dòng sông, quy hoạch tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả thủy lợi và tìm kiếm các giải pháp bền vững hơn cho các thách thức về nước toàn cầu.

Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam-Úc 2021” quy tụ hơn 370 thành viên của VWSA và hàng trăm doanh nghiệp tại Úc, tập hợp 22 bài tham luận từ các diễn giả Việt Nam và 18 bài của diễn giả quốc tế tại năm diễn đàn: Lãnh đạo Trẻ ngành nước; Đại dịch Covid-19 và Kế hoạch thích ứng; An toàn cấp nước cho phát triển bền vững: Chính sách và quy định; Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào ngành nước; Đổi mới sáng tạo để đạt được an toàn cấp nước.

Về phía Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá cao việc tổ chức sự kiện “Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam-Úc 2021” có chủ đề đang là nhiệm vụ trọng tâm của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Úc. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đề nghị các cơ quan, công ty ngành nước thông qua diễn đàn này tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các thành tựu công nghệ và giải pháp phát triển ngành, góp phần để hai nước sớm đạt được mục tiêu phát triển bền vững tới 2030 của Liên Hiệp Quốc.

Hoàn thiện chính sách trong an toàn cấp nước

Tiến sĩ Trần Văn Huy cho biết, Hội Nước Úc (AWA) đã và đang tham gia vào nhiều chương trình hợp tác ở Việt Nam, hỗ trợ quản trị tài sản, nâng cao chất lượng nước, tăng cường năng lực... Trong đó AWA tham gia hai chương trình cải thiện dịch vụ cấp nước ở đô thị và nông thôn, tăng cường tiếp cận nước sạch ở nông thôn Việt Nam, tham gia “Sáng kiến Giảm nhẹ Tác động của Lũ lụt ở Việt Nam năm 2020” và mới đây là hỗ trợ doanh nghiệp ngành nước ứng phó với đại dịch Covid-19.

Một phiên thảo luận tại “Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam-Úc 2021”

Xung quanh triển vọng hợp tác hai nước, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Xây dựng) Đỗ Thị Nguyệt Ánh cho biết, Việt Nam mong muốn các đối tác Úc hỗ trợ kỹ thuật như xây dựng Luật Cấp nước, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về cấp nước an toàn. Doanh nghiệp ngành nước hai bên được khuyến khích xúc tiến thương mại, hợp tác kinh doanh và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. “Việt Nam cũng mong nhà đầu tư Úc tham gia đầu tư các chương trình, dự án cấp nước quy mô liên vùng, liên tỉnh theo hình thức phù hợp, đặc biệt là hình thức PPP”, bà Đỗ Thị Nguyệt Ánh nói.

Thảo luận về việc tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào ngành nước, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, Việt Nam bắt đầu cổ phần hóa các doanh nghiệp cấp nước từ năm 2005, tới 2017-2018 đã có 101 doanh nghiệp cổ phần hóa trong tổng số 111 doanh nghiệp cấp nước nhà nước, tỷ lệ bình quân vốn nhà nước còn 75%, đặc biệt xuất hiện công ty cấp nước tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số công ty cổ phần.

Tuy nhiên, tháng 8 năm 2021, qua đánh giá thực tiễn và xét tính chất quan trọng của mặt hàng đặc biệt là nước sạch đối với sinh hoạt và sản xuẩt, Chính phủ tạm dừng thoái vốn tại các doanh nghiệp cấp nước và điều chỉnh là Nhà nước sẽ nắm giữ 50% vốn điều lệ trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch.

“Chính sách còn thiếu nhất quán, liên tục thay đổi trong nhiều năm đã tạo áp lực cho doanh nghiệp” ông Nguyễn Tiến Thỏa nhận định.

Phó Đại sứ Úc Mark Tattersall thông tin thêm, tại Úc, trong những năm 90 của thế kỷ trước, ngành nước do chính phủ Úc sở hữu toàn bộ và vận hành, được trợ cấp hoàn toàn, hoạt động không hiệu quả, do đó không có năng lực xử lý những thái cực mới trong biến đổi khí hậu. Sau nhiều cải cách lớn, đầu tư quy mô và nỗ lực giữa các bên, ngành nước của Úc đã trở nên mạnh mẽ, linh hoạt, hiệu quả, có trách nhiệm và hướng đến khách hàng hơn, dù còn nhiều thách thức đòi hỏi có chỉ đạo từ cấp quốc gia, và hợp tác từ các cấp.

Nước sạch là vấn đề then chốt của quốc gia, liên quan đến đời sống của người dân. Nhà nước cần có cơ chế phù hợp để bảo đảm tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân và xã hội, đồng thời nêu cao tinh thần đạo đức trong kinh doanh để hệ thống phát triển bền vững và người dân được an toàn trong sử dụng.

Xuân Tùng