Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid -19:

Chính sách đặc biệt phải được đánh giá thận trọng, chắc chắn và hiệu quả

- Thứ Tư, 08/12/2021, 18:38 - Chia sẻ

Chiều 8.12, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ phòng, chống dịch Covid -19 và gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và được Quốc hội uỷ quyền 

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch 2 năm vừa qua; đồng thời rà soát, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; Chính phủ nhận thấy mặc dù Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc áp dụng các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp mà chưa ban bố tình trạng khẩn cấp; tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những vướng mắc, bất cập do quy định tại các Luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ của công tác phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng, chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa; để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện Chiến lược, Chính phủ đã có Tờ trình số 521/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Ảnh: Lâm Hiển

Qua tiếp thu ý kiến góp ý trong quá trình chuẩn bị thẩm tra, Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết, báo cáo và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Khám bệnh, chữa bệnh; Thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; Dược; Trang thiết bị y tế. Cụ thể: Chính phủ kiến nghị cho phép Bộ Y tế, các Bộ, ngành và các địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề.

Chính phủ cũng kiến nghị, trường hợp người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 phải điều trị do bị mắc Covid-19 trong quá trình tham gia phòng, chống dịch Covid-19 hoặc phải cách ly sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19: Được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo lương trong thời gian điều trị do bị mắc Covid-19 hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng, trong đó Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước chi trả phần còn lại; Được hưởng các chế độ phòng, chống dịch Covid-19 nếu tiếp tục tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian điều trị do bị mắc Covid-19.

Bên cạnh đó, Chính phủ kiến nghị bổ sung trang thiết bị y tế vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phải áp dụng biện pháp bình ổn giá. Việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với trang thiết bị y tế quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về giá; Cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh Covid-19. Giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người nhiễm Covid-19 hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch Covid-19, trong đó cho phép quy định yêu cầu, điều kiện và thủ tục phê duyệt hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện là những nội dung quan trọng, liên quan đến sự an toàn, tính mạng và sức khỏe người dân, có đối tượng tác động lớn, do đó, cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội thấy rằng, có nội dung trong dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, do đó, đề nghị Chính phủ rà soát lại dự thảo Nghị quyết, chỉ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nội dung được Quốc hội uỷ quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 30/2021/QH15. Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ thêm một số nội dung cụ thể, tiếp tục rà soát về kỹ thuật lập pháp để dự thảo Nghị quyết ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, nhất là những vấn đề có liên quan đến chuyên môn về y tế.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Quốc hội ủy quyền xem xét quyết định một số vấn đề để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số Nghị quyết, trong đó cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng để thực hiện minh bạch và hiệu quả; bảo đảm tinh thần “nhanh nhưng phải đúng, phải chắc chắn và hiệu quả”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị nội dung cấp bách này. Về phạm vi của chính sách, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, ngoài lực lượng y tế ra thì các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch hoặc được điều động tham gia phòng, chống dịch có cần cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù gì hay không? Lưu ý tới lực lượng y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, biên chế của y tế cơ sở rất ít, lương thấp nên số lượng nhân viên y tế cơ sở bỏ việc rất nhiều do áp lực công việc lớn. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp với đội ngũ y tế cơ sở và lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Tại phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng 
Ảnh: Lâm Hiển

Theo Tờ trình của Chính phủ về nội dung này, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập để bán tại cửa hàng miễn thuế, doanh nghiệp có hàng gửi kho ngoại quan nhưng quá thời hạn lưu giữ tại Việt Nam theo quy định của Luật Hải quan nhưng không thể tái xuất trả nước ngoài do tác động của dịch Covid-19. Chính phủ đề nghị, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 một điều quy định về việc cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan, cụ thể:

“1. Cho phép hàng hóa lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan nhưng hết thời hạn lưu giữ theo quy định tại Điều 47, Điều 61 Luật Hải quan (bao gồm cả thời gian gia hạn) phát sinh trong thời gian Thủ tướng Chính phủ công bố dịch Covid-19 theo Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1.4.2020, được tiếp tục lưu giữ đến ngày cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc và được gia hạn một lần không quá 12 tháng kể từ thời điểm công bố hết dịch.

2. Thẩm quyền gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan thực hiện theo quy định của Luật Hải quan”.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết và nhận thấy, nội dung quy định tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết có tác động đến quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan. Do đó, các nội dung này cần phải được quy định chặt chẽ, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu sau: kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có liên quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động hải quan, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc hiểu và áp dụng quy định về gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan khi Nghị quyết được ban hành. Đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021 và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 – 2024.

Thanh Chi