Ngày làm việc thứ tư Đại hội XIII của Đảng

Chính sách đồng bộ "kích hoạt" nền nông nghiệp sinh thái

- Thứ Bảy, 30/01/2021, 06:50 - Chia sẻ
Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định nông nghiệp chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trao đổi với báo chí, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, vừa phát huy giá trị, thành tựu của nông nghiệp vừa phải chuẩn bị sẵn sàng với tư duy mới về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chia sẻ, nông nghiệp thông minh… Tất cả những điều này sẽ được kích hoạt trên từng cánh đồng, từng thửa ruộng; kích hoạt từ nông dân, doanh nghiệp, hệ thống quản lý Nhà nước để cùng hướng đến mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng đột biến hơn.

Định vị lại vai trò của hợp tác xã

- Ông đánh giá thế nào về các nội dung liên quan đến nông nghiệp trong văn kiện trình Đại hội?

- Đối với lĩnh vực nông nghiệp, văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, với ba hướng chủ đạo gồm: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, tạo thành quỹ đạo chuyển đổi nền nông nghiệp, tăng thêm giá trị cho chương trình xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ tới.

		Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương dự Đại hội Ảnh: Thống Nhất
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương dự Đại hội
Ảnh: Thống Nhất

Việc chú trọng tăng giá trị thay cho sản lượng sẽ tạo ra giá trị gia tăng đột biến trong các chuỗi ngành hàng. Những mô hình cũ sẽ được triển khai đậm nét, lan tỏa hơn, có chính sách đồng bộ hơn để kích hoạt nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ; tạo ra giá trị trên từng đơn vị diện tích. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ và những tiến bộ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư trong khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì, thương mại điện tử... góp phần tạo ra các phân khúc, đáp ứng nhu cầu thị trường mở trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại mà Việt Nam vừa tham gia, tạo cú hích cho ngành sản xuất; đồng thời đặt ra giải pháp nhằm tương thích, đáp ứng được những điều kiện, thị trường mà các hiệp định đã nêu.

Theo đó, nền nông nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi từ sản lượng qua chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm để đáp ứng hàng rào kỹ thuật của những hiệp định thương mại. Gốc của vấn đề là vừa phải phát huy giá trị, thành tựu của 5 năm qua đối với nền nông nghiệp, đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng để tạo điểm nhấn bằng tư duy mới về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chia sẻ, nông nghiệp thông minh… Tất cả những điều này sẽ được kích hoạt trên từng cánh đồng, từng thửa ruộng; kích hoạt từ người nông dân, doanh nghiệp, hệ thống quản lý nhà nước để cùng hướng đến mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng đột biến hơn.

- Trong nông nghiệp, trình trạng sản xuất nhỏ, manh mún, nông dân xa rời và dần dần bỏ ruộng vẫn còn tồn tại. Các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng có định hướng như thế nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nói rõ vấn đề này. Một nền sản xuất nhỏ, manh mún, kéo dài đã mấy chục năm nhưng vẫn phải tiếp tục đối mặt với việc chia sẻ quỹ đất cho phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp và dịch vụ, đô thị; như vậy “nhỏ lại tiếp tục nhỏ”. Đây là một điểm nghẽn. Để khắc phục tình trạng đó, văn kiện nêu nội dung về tăng cường kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, tổ hợp tác. Do đó, cần định vị lại vai trò của hợp tác xã trong tiến trình cơ cấu nông nghiệp, đặt hợp tác xã ở vị trí cao hơn và đưa ra nhiều quyết sách để chính hợp tác xã là mảnh ghép của kinh tế hộ nhỏ lẻ, làm cầu nối giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, thị trường.

Ảnh: Q. Chi
Ảnh: Q. Chi

Thời gian qua, chúng ta đã làm được một bước về nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, văn kiện cũng đánh giá vẫn còn những tồn tại, nhất là về năng lực quản trị của hợp tác xã, về tính liên kết của hợp tác xã với các doanh nghiệp. Vì vậy, trong giai đoạn tới, chúng ta phải đặt kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã ở vị trí tương xứng với tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp, xem nó như một cứu cánh để vượt qua “lời nguyền” sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như thời gian vừa qua.

Với những kết quả đã đạt được như ở Sơn La, Đồng Tháp, Gia Lai, Kon Tum..., tôi tin rằng nếu cấp ủy, chính quyền các địa phương - nơi gần dân, gần những người sản xuất nhất, thấy được sự bức thiết của hợp tác xã, kinh tế hợp tác trong vấn đề liên kết, đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, phong trào hợp tác xã trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn; thực sự là đòn bẩy để kết nối những hộ sản xuất nhỏ lẻ. Trong nền nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng khoa học công nghệ, việc hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, chúng ta không hỗ trợ cho hộ cá thể mà hỗ trợ qua kinh tế tập thể của hợp tác xã sẽ góp phần kích hoạt sự hợp tác giữa những người nông dân với nhau, từ đó tạo ra sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Cùng với việc chủ động hợp tác, liên kết, thị trường sẽ điều chỉnh lại quy mô, chất lượng sản xuất.

- Văn kiện Đại hội cũng xác định hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững và tuần hoàn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi mà ở một số nơi, tình trạng nông dân trồng hai luống rau - luống để bán, luống nhà ăn - vẫn còn thì để đạt được mục tiêu đề ra không đơn giản, thưa ông?

- Vừa qua, một bộ phận nông dân đã nhận thức được vấn đề chất lượng, giá trị, thương hiệu nông sản. Tuy vậy, cần thời gian nhất định để chuyển đổi ngành nông nghiệp lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất sang một nền nông nghiệp “thuận thiên”, dựa trên tự nhiên. Chúng ta phải chứng minh được cho nông dân thấy rằng, khi chuyển đổi như vậy thì trong giai đoạn đầu có thể năng suất sẽ giảm xuống nhưng chất lượng nông sản sẽ tăng lên, thương hiệu nâng lên thì giá bán, thu nhập của bà con cũng sẽ nâng lên.

Nếu chúng ta quyết tâm, cơ quan truyền thông kiên nhẫn, kiên trì với nông dân để hóa giải thói quen, tập quán trong việc lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, độc hại thì đúng như mục tiêu mà văn kiện đã đề ra: chúng ta sẽ chuyển đổi được nền nông nghiệp sang nông nghiệp sinh thái. Bản thân nông nghiệp sinh thái đã bao gồm cả nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ... Chỉ một ý “nông nghiệp sinh thái” nhưng sẽ tạo thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Trân trọng “đại bàng” nhưng cũng đừng quên “chim sẻ”

- Vừa qua đã có nhiều tập đoàn tư nhân lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Lĩnh vực nông nghiệp không sinh lời ngay và cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng một tín hiệu rất vui là các tập đoàn lớn trước đây không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư vào lĩnh vực này. Đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp tâm huyết với nông nghiệp, muốn đầu tư vào nông nghiệp không chỉ với mục tiêu làm giàu mà còn mong muốn tạo ra cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam. Đó mới là giá trị cao nhất của việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp.

 Vừa qua, chúng ta có sự đột biến trong thu hút nhà đầu tư vào nông nghiệp. Tôi mong muốn các nhà đầu tư này phải trở thành hệ sinh thái để đi cùng nhau chứ ko nên đi một mình. Cùng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp như cây ăn trái, cà phê, cá tra, điều… nhà đầu tư phải hợp tác thay vì chia rẽ, cạnh tranh. Hãy nghĩ tới quyền lợi của nông dân, nghĩ tới nền nông nghiệp Việt Nam trước khi nghĩ đến lợi nhuận để từ đó, cùng tạo ra khát vọng chung cho đất nước, tạo sự lan tỏa, thương hiệu cho doanh nghiệp đồng nghĩa với việc tạo ra thương hiệu chung.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan

 

Chúng ta trân trọng sự đóng góp và muốn có nhiều “đại bàng” để dẫn dắt nền nông nghiệp nhưng tôi cũng cho rằng, không được quên các “chim sẻ” - đó là những hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương. Các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong nông nghiệp sẽ là ưu tiên trong thời gian tới. Vậy chúng ta phải có chính sách như thế nào để kích hoạt được những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở các địa phương? Cơ quan quản lý nhà nước phải đề xuất với Chính phủ về vấn đề này. Càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương thì khi các nhà đầu tư lớn đến, họ sẽ có hệ sinh thái ở xung quanh, sẽ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận những công đoạn mà doanh nghiệp lớn không làm. Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một điều kiện để kéo các “đại bàng” về. Từ đó, vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp vừa tạo ra giá trị cho nông dân.

- Một nút thắt trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn hiện nay là tích tụ, tập trung ruộng đất. Theo ông, cần cơ chế như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp tích tụ đủ diện tích đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn?

- Câu hỏi này rất hay. Hiện nay có hai mô hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Một là, doanh nghiệp muốn có quỹ đất lớn, lên đến hàng nghìn ha, để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, đầu tư nhà máy chế biến quy mô lớn. Hai là, doanh nghiệp không cần diện tích đất lớn mà tạo ra sự liên kết giữa các vùng nguyên liệu xung quanh. Mỗi mô hình có một hướng đi khác nhau. Nhưng dù hướng đi thế nào thì chúng ta cũng phải nghĩ đến bài toán việc làm cho những nông dân đang canh tác trên mảnh ruộng đó. Doanh nghiệp ôm quỹ đất lớn, tạo ra quy mô sản xuất lớn chưa chắc đã tạo ra được nhiều việc làm. Bởi sản xuất quy mô lớn, bằng công nghệ hiện đại, máy móc thì nông dân lại không có việc làm nữa.

Vì thế, chúng ta phải khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tạo ra được chuỗi ngành hàng. Bởi chuỗi ngành hàng sẽ tạo ra rất nhiều việc làm: Vừa thu hút được trí thức trẻ về, vừa đưa nông dân vào làm việc trong chuỗi ngành hàng qua công tác đào tạo của doanh nghiệp hoặc Nhà nước đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân. Có như vậy câu chuyện doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới bền vững. Nếu chúng ta không bình tĩnh, không phân tích từng dự án một thì sẽ xảy ra những vấn đề về mặt xã hội ở nông thôn. Điều quan trọng trong tư duy phát triển không chỉ là tăng trưởng mà là tăng trưởng đó tạo ra được bao nhiêu việc làm cho xã hội. Chúng ta xác định con người là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. Nếu tăng trưởng chỉ nằm ở một nhóm người là khác mà tăng trưởng đó tác động đến nhiều nhóm người lại khác.

 - Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Bình ghi