Chính sách tiền lương chưa hợp lý - làm “chảy máu chất xám”

- Thứ Tư, 12/06/2013, 14:10 - Chia sẻ
Nêu một trong những bất cập nhất của hoạt động khoa học công nghệ hiện nay, ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC (UVTT) ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG PHÙNG ĐỨC TIẾN cho rằng, chính sách tiền lương cho cán bộ khoa học và công nghệ chưa hợp lý nên đã triệt tiêu động lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học, không khuyến khích sự toàn tâm, toàn ý gắn bó với sự nghiệp khoa học của đất nước. Đây là nguyên nhân làm “chảy máu chất xám” trong các tổ chức khoa học công nghệ công lập.
- Ông đánh giá như thế nào về thực trạng hoạt động khoa học và công nghệ hiện nay?

UVTT Phùng Đức Tiến:
Trước hết về hiện trạng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, trong những năm qua, nước ta đã đào tạo được hơn 3,6 triệu cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng trở lên, trong đó có khoảng 18.000 tiến sỹ và gần 36.000 thạc sỹ, lực lượng cán bộ tham gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là hơn 14.400 tiến sỹ và 16.000 thạc sỹ, trên 2 triệu công nhân kỹ thuật.

Về năng lực khoa học cũng cho thấy trong một số lĩnh vực khoa học, công nghệ của nước ta đã có sự phát triển vượt bậc, thể hiện qua các công trình công bố quốc tế, các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều sản phẩm từ kết quả nghiên cứu đã đạt được trình độ khu vực và quốc tế. Với mức đầu tư thấp nhưng trình độ nghiên cứu trong một số lĩnh vực của chúng ta đã sánh được với các nước trong khu vực như công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ sản xuất vaccine, các chế phẩm y sinh học và đạt tương đương trình độ thế giới như kỹ thuật mới trong điểu trị tim mạch, mổ nội soi, ghép tạng, viễn thông. Tuy vậy, năng lực khoa học và công nghệ của nước ta vẫn còn nhiều yếu kém, trong 10 năm qua số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 2/5 của Maylaysia (giai đoạn 2006 - 2010 có 4.869 bài báo, công bố quốc tế).

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ khoa học ở nước ta còn ít về số lượng, hạn chế về năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước; cơ cấu nhân lực theo ngành nghề và lãnh thổ cũng nhiều bất hợp lý, sự phân bổ nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao giữa các vùng miền có sự chênh lệch lớn như các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ rất cần nhiều cán bộ giỏi nhưng còn thiếu rất nhiều. Rồi tình trạng hẫng hụt cán bộ giỏi diễn ra trong thời gian dài chưa được khắc phục; thiếu cán bộ đầu đàn giỏi, thiếu cán bộ trẻ kế cận có trình độ cao, một bộ phận không nhỏ cán bộ khoa học ở các trường đại học chưa được huy động hết vào nghiên cứu khoa học. Lực lượng cán bộ khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm hơn 7% lực lượng lao động. Việc phối hợp nghiên cứu giữa viện, trường còn hạn chế, tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng nhóm của các cán bộ khoa học và công nghệ chưa cao, khó hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành.

Số lượng các nhà khoa học đầu ngành có trình độ chuyên môn cao và hiện đang tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính chuyên nghiệp là rất ít và ngày càng suy giảm. Trong khi đó, cán bộ khoa học trẻ lại chưa được tạo động lực để phấn đấu theo đuổi và gắn bó với sự nghiệp khoa học lâu dài. Chúng ta chưa có tổ chức khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế.


Nguồn: ITN
- Ông vừa nêu ra những hạn chế, tồn tại trong hoạt động khoa học và công nghệ. Vậy theo Ông nguyên nhân do đâu?

UVTT Phùng Đức Tiến: Có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết tôi cho rằng là hệ thống giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, đặc biệt đối với những lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ, cũng như sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Thứ hai là thiếu quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đặc biệt cán bộ tài năng trẻ, cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành.

Thứ ba là điều kiện làm việc, hệ thống trang thiết bị cho cán bộ khoa học công nghệ còn hạn chế.

Thứ tư là chính sách tiền lương cho cán bộ khoa học và công nghệ chưa hợp lý, không tính đến năng lực nghiên cứu, hiệu quả công việc, không có bất cứ loại phụ cấp nào. Chính vì hạn chế này đã triệt tiêu động lực sáng tạo của cán bộ khoa học, không khuyến khích sự toàn tâm, toàn ý gắn bó với sự nghiệp khoa học của đất nước. Đây là nguyên nhân làm “chảy máu chất xám” trong các tổ chức khoa học, công nghệ công lập gia tăng nhanh.

- Cho đến nay, nền khoa học nước ta vẫn bị đánh giá là lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Theo Ông làm thế nào để chúng ta thu hút được đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng góp cho sự phát triển của nền khoa học và công nghệ quốc gia?

UVTT Phùng Đức Tiến: Những chủ trương chính sách mới chỉ dừng ở mức khuyến khích về tinh thần, nên các tổ chức khoa học, công nghệ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc tạo lập các nhóm nghiên cứu xuất sắc. Để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học vững mạnh, đáp ứng nhu cầu CNH-HĐH đất nước, phải có vai trò của Nhà nước bảo đảm thường xuyên, liên tục trong thời gian dài. Chính vì vậy tôi đề nghị, bổ sung vào khoản 2, Điều 67 Luật Khoa học, Công nghệ (sửa đổi) cụm từ: Nhà nước “chăm lo đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ”, trước đoạn thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học công nghệ…


Nguồn: ITN
- Để quyết định đến sự phát triển của nền khoa học và công nghệ của đất nước thì vấn đề đổi mới cơ chế quản lý và tài chính là vô cùng cấp thiết, thưa Ông?

UVTT Phùng Đức Tiến: Đúng như vậy, nhưng hiện nay cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ còn nhiều bấp cập, cụ thể định mức lạc hậu không được chỉnh sửa như Thông tư 44, 93 duyệt cho 5 năm triển khai chưa được điều chỉnh mặc dù giá vật tư, nhân công, máy móc tăng lên. Mặt khác, thủ tục thanh toán quá phức tạp, vốn thông báo chậm trong nhiều năm qua, quyết toán ngân sách cho khoa học chỉ đạt trên dưới 90%, thừa hàng trăm tỷ đồng không tiêu được nhưng trong thực tế các nhà khoa học thiếu kinh phí để triển khai nghiên cứu. Các quy định về tài chính không tạo điều kiện cho người đứng đầu cơ quan khoa học được chủ động, sáng tạo.

Về xã hội hóa nguồn kinh phí cho nghiên cứu ở các nước cho thấy, thường thì Nhà nước đầu tư 1 thì xã hội đến 4-5 lần. Nhưng còn ở nước ta thì ngược lại vì doanh nghiệp của nước ta còn nhỏ, cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp chi tiêu phần kinh phí dành cho khoa học công nghệ phức tạp; đầu tư cho khoa học công nghệ còn thấp với 2% trong tổng chi ngân sách. Tham khảo tại một số nước cho biết, năm 2006 tại Nhật Bản là 3,4% GDP, Hàn Quốc là 3,2% GDP, Mỹ là 4,5% GDP và Đức là 2,4% GDP…

- Ngoài việc kế thừa những giá trị có tính thực tiễn của luật hiện hành, dự án Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi) đã xác định những giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ như thế nào thưa Ông?

UVTT Phùng Đức Tiến: Với những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, trước hết xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ gắn với kế hoạch phát triển KT-XH quy hoạch theo ngành, theo vùng, theo địa phương, gắn lực lượng khoa học và công nghệ với doanh nghiệp và thị trường. Tiếp đến là ban hành chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ cùng với chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ; đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ khoa học, công nghệ dựa trên những giá trị đóng góp nổi bật trong nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật; chế độ lương phải dựa trên kết quả công việc, tạo điều kiện cho cán bộ tài năng trẻ, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chủ trì công trình trọng điểm cấp Nhà nước có trình độ cao; tạo môi trường làm việc tốt cho các nhà khoa học, bảo đảm trang thiết bị, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, phương tiện đi lại, chủ động sử dụng kinh phí, nhà ở…

Dự án Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi) khi được thông qua sẽ mở những hướng đi mới cho sự phát triển hoạt động khoa học, công nghệ nước nhà với những điểm mới như thành lập và đăng ký hoạt động khoa học, công nghệ; quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học, công nghệ; đánh giá xếp hạng tổ chức khoa học, công nghệ; ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ… Theo đó, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học chủ trì chương trình, đề tài quan trọng cấp Nhà nước, nhà khoa học trẻ tài năng sẽ có những ưu đãi. Các đề tài khoa học sẽ triển khai theo phương thức đặt hàng, cơ chế tài chính được cấp từ quỹ, một số đề tài có định mức kinh tế kỹ thuật ổn định sẽ được giao khoán; các cơ chế huy động từ doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp chủ động tự quản kinh phí dành cho khoa học, công nghệ; chiến lược khoa học, công nghệ và trách nhiệm của người đứng đầu.

- Xin cám ơn Ông !
Vi Hoa thực hiện