Dân là gốc và phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay

Bài 2: Đổi mới, phát triển tầm nhìn, quyết sách về Nhân dân, cho Nhân dân và vì Nhân dân

- Thứ Bảy, 07/10/2023, 13:36 - Chia sẻ

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Đất nước ta đã đi qua và làm thất bại hàng trăm cuộc chiến tranh xâm lăng lớn nhỏ. Là lẽ tự nhiên và thuận với đạo lý quốc tế, càng trải những thăng trầm có tính chất mất còn, nền độc lập tự do của Tổ quốc càng trở thành nhu cầu bất diệt; và toàn dân tộc dù hy sinh tất cả, càng quyết tâm giành lại bằng mọi giá có thể và giữ gìn bằng xương máu của mình nền độc lập vô giá ấy. Nền độc lập tự do của Tổ quốc là bất khả xâm phạm! Một trong những bảo bối giữ nước ấy chính là kinh nghiệm lịch sử vô giá được hun đúc của ông cha: Ý chí của Nhân dân là bức tường thành vững chắc nhất.

“Lấy dân làm gốc”, “Dân là trung tâm” - bài học lớn của mọi thành công

Hơn 37 năm đổi mới vừa qua, một trong những bài học lớn của mọi thành công là: “Lấy Dân làm gốc”. Đó là đỉnh cao của sự hội tụ, kết tinh và phát huy khí phách, bản lĩnh, trí tuệ và nhân văn Việt Nam, vấn đề cốt tử của nền chính trị Việt Nam hiện đại được nâng tầm từ nền tảng lịch sử dựng nước và giữ nước trải mấy nghìn năm! Niềm tin chính trị của Nhân dân đối với chế độ XHCN, với Đảng, với Nhà nước được xây nên và bảo đảm bằng mồ hôi, bằng máu, không gì thay đổi được. Không có niềm tin thì không thể nắm tay nhau đại đoàn kết và đại thành công. 

Vì thế, hãy giữ lấy và vun đắp Lòng Dân - Quốc bảo Việt Nam. Không “khoan thư sức dân” thì không thể nói tới việc “bền rễ sâu gốc” của nền độc lập tự do, không thể tính “thượng sách giữ nước”, càng không thể nói tới nền móng xã hội chính trị vững chãi để phát triển nền chính trị hiện nay! Vì, “Dân là gốc nước”, vì “dân là dân nước, nước là nước dân”, “sức dân mạnh như nước”! Không “lấy dân làm gốc” thì không thể nói tới việc nền độc lập dân tộc và “chế độ được đứng vững”, không thể nói tới hạnh phúc của Nhân dân, càng không thể bảo đảm dân tộc Việt Nam giữ vị trí chính trị vững chắc và đóng góp xứng đáng trong nền chính trị quốc tế! Và vì, Đảng ta là “con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”, nên nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”… là những vấn đề trọng yếu và cụ thể của việc đổi mới toàn diện, đồng bộ, không thể đặt trách nhiệm đó ngoài mục tiêu chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao và toàn diện của Nhân dân. Vì, điều giản dị: Nước ta là do Nhân dân là chủ và làm chủ! Có Nhân dân là có tất cả; do đó, toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân… 

Nhìn sâu hơn từ 37 năm công cuộc Đổi mới, chân lý đó phải tiếp tục tỏa sáng, sự nghiệp cách mạng của chúng ta, dưới ngọn cờ của Đảng, với tư tưởng “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, đại đoàn kết toàn dân tộc với tư cách là động lực phát triển chủ yếu phải được hiện thực hóa trong thực tiễn. Đó là một nguồn cội làm nên thành công của cách mạng nước nhà, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới hôm nay và ngày mai!

Trước yêu cầu phát triển của Đất nước trong tầm nhìn 2045, trước mắt tới năm 2030, càng phải thấm thía hơn về Quốc bảo ấy. Nói cách khác, Thế Nước - Lòng Dân - Vận Đảng phải thống nhất, hài hòa tự nhiên như trời đất! 

Lòng Dân tin tưởng - Thế Nước vững bền - Dân tộc hùng cường - Quốc gia phồn thịnh. Phải chăng ấy chính là nội dung bài học lịch sử vô giá của chúng ta 93 năm qua, hôm nay và mãi mai sau?

Phát triển tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước trên nền Nhân dân

Tròn 78 năm trước, ngày 19.8.1945, bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám,  nước Việt Nam lệ thuộc trở thành một nước độc lập. Và, Nhân dân Việt Nam từ thân phận vong quốc nô đã vùng lên: “Được rồi cả một cõi bờ/ Dân đã có nước, nước về tay Dân”. Nhưng, để phát triển cùng nhân loại, phải nhìn tới tận chân trời để hành động dưới chân mình một cách viễn kiến, kiên quyết và khôn khéo!

Những năm 1945 - 1946, lịch sử càng cho thấy, càng ở vào những khúc quanh mất còn của lịch sử dân tộc mấy nghìn năm qua, tư tưởng và hành động của dân tộc càng độc lập sẽ càng tự do tìm thấy nền độc lập cho đất nước và phát triển thịnh vượng. Trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Vì, độc lập dân tộc càng là khát vọng cháy bỏng và thiêng liêng muôn đời và muôn người Việt Nam. Vì còn Dân thì nước nhất định còn!

Do đó, một cách tự nhiên, trong tầm nhìn tới năm 2045, trước mắt năm 2030, với công cuộc đổi mới sáng tạo, xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam XHCN độc lập tự chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vươn tới một nước công nghiệp, hiện đại phát triển, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc phát triển bằng phương thức rút ngắn, với bản lĩnh Việt Nam; nơi hội tụ của niềm tin, tri thức và tấm lòng rất mực thủy chung, nhân ái, chan hòa với bạn bè quốc tế; thành viên của thế giới nhân văn, hòa bình và tiến bộ trong chỉnh thể toàn vẹn hoàn cầu không thể không đặt trên nền móng 100 triệu đồng bào.  

Kế thừa và phát triển giá trị 78 năm qua, mệnh đề hạnh phúc làm nên chỉnh thể toàn vẹn tiêu ngữ của quốc gia: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, là tiền đề, mục tiêu, động lực và là con đường phát triển chính đáng của thể chế Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, để xây dựng nước Việt Nam hùng cường vì: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Do vậy, dù muốn hay không, càng tiếp tục đổi mới thực chất là càng đổi mới nhận thức và hành động đúng quy luật vận động của đất nước một cách tổng thể, trước hết và trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề trung tâm là lợi ích và chung quanh lợi ích một cách tổng hòa, cụ thể từ cá nhân, giai cấp, giai tầng… tới quốc gia, dân tộc và với các nước trên tầm quốc tế mang tính thống nhất chỉnh thể và đa dạng. Hơn bao giờ hết, lợi ích của Nhân dân vô giá thống nhất với lợi ích của quốc gia dân tộc thiêng liêng. Đó là tất yếu.       

Trước hết, Việt Nam  phải trở thành cường quốc kinh tế một cách văn hóa. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, đạo đức và thị trường trở thành vấn đề chiến lược nhưng nóng bỏng trong phát triển kinh tế. Đó là tầm nhìn của chính trị và của chính văn hóa về phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là công cụ dưới chủ nghĩa xã hội, để tạo nên thực lực và sức mạnh Việt Nam, tôn vinh vị thế và uy tín Quốc thể Việt Nam.

Cần thiết phải thấm rằng, mỗi quyết sách về kinh tế cần bắt đầu từ nền móng trước hết là một quyết sách về chính trị, văn hóa và nhân văn, để tránh rơi vào quyết định luận kinh tế đơn thuần, nhất là khắc chế cái quy luật tàn khốc “cá lớn nuốt cá bé”, “kinh tế vị kinh tế”, “chủ nghĩa kim tiền”, cổ xúy vô hình cho thói “tiền trao cháo múc”, “trả tiền ngay, lạnh lùng không tình nghĩa”… Đó chính là đạo đức làm nên bản chất nhân văn của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mang tầm chiến lược, vì Nhân dân và cho Nhân dân và sự hùng mạnh của quốc gia. Đó cũng là bản chất, là danh dự của chế độ ta, nhân tố làm nên sức mạnh và tôn vinh Quốc thể Việt Nam.  

Tiên lượng và giải quyết những thói hư tật xấu nảy nòi trong nền kinh tế thị trường đang tác oai tác quái làm suy đồi văn hóa và đạo đức. Bệnh hình thức hư danh, tật khoe khoang, thói trọc phú, nạn lợi ích nhóm, tham nhũng… đang cảnh báo nguy hiểm. Phải dũng cảm dứt bỏ sự thiển cận, thói tự ti hoặc tệ “anh hùng nhất khoảnh”, “một mình một chợ” để học lấy những giá trị tiến bộ của thế giới một cách thực học thực nghiệp… thì mới có thể tiến kịp người. Đó là danh dự.

Muốn có Nhà nước pháp quyền, pháp luật phải là “bà đỡ” của dân chủ, của tự do. Và, tự do phải vừa là mục đích vừa là con đường để giải phóng Nhân dân và Nhân dân tự giải phóng mình. Mọi quyền dân chủ của Nhân dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và bảo vệ bằng và bởi pháp luật. Còn Nhân dân thì còn Đất nước! Đó là mục tiêu chính trị của dân chủ, của văn hóa pháp luật, của đạo đức hành động chính trị lúc này… mà lúc này cần và dứt khoát kiên định thực thi.

Chúng ta đang xây dựng một Chính phủ hành động, phục vụ Nhân dân. Chính phủ phải có chính trị trước. Đó là danh dự. Vì, nền chính trị Việt Nam là một nền chính trị đạo đức hay nền chính trị nhân bản, với hạt nhân “nước lấy Dân làm gốc”; “sao cho được lòng Dân”, vì “Chính phủ là công bộc của Dân”… Phải bảo đảm sao cho pháp quyền là sự cai trị của pháp luật chứ không dừng ở pháp trị là sự cai trị bằng pháp luật. Và, theo đó, mấu chốt quan trọng là, Nhân dân cũng như Nhà nước, tất cả đều bình đẳng và tự do trước pháp luật. Đó là danh dự.    

Muốn trở nên hùng mạnh và đi xa, nhất định phải lấy con người làm mục tiêu, chủ thể, động lực và là nhân tố quyết định phát triển. Nói cách khác, Nhân dân phải là trung tâm của mọi sự phát triển, và mọi sự phát triển phải xoay quanh con người, vì và cho con người, chứ không phải ngược lại; với một thể chế tương dung. Đó là yêu cầu khách quan và nhu cầu của chính khâu đột phá của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ vì Đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững mà Đại hội XIII của Đảng xác quyết.          

Hành động cao nhất lúc này là bảo vệ lợi ích của Nhân dân là tối cao, quyền lợi của dân tộc là tối thượng! Lòng tin của Nhân dân là nền móng vững bền của thể chế, là quốc bảo của chế độ, là tài sản vô giá của Đảng. Đây chính là nhân tố bất biến chiến lược vô địch để ứng phó với mọi khả biến trên con đường Việt Nam phát triển.       

Với tư cách là người dẫn dắt Dân tộc, hơn ai hết, Đảng phải thật sự vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân vừa là “đứa con nòi” của Dân tộc một cách xứng đáng và ngang tầm văn hóa và lịch sử.  

 Việt Nam sẽ không tồn tại vững bền khi thiếu đại đoàn kết dân tộc. Và, cho dù có phép màu kinh tế nào đó để năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao cũng sẽ không bền vững, nếu thiếu lòng tự tôn dân tộc, sự tự trọng của hai thế hệ thứ năm, thứ sáu và thứ bảy tương lai, trên nền móng danh dự của 4 thế hệ kể từ khi lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945. Chúng ta phải tự mình trở nên hùng cường trên nền móng đại đoàn kết toàn Dân tộc một cách ngang tầm văn hóa! Vì, “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. 

Tiếp nối mạch nguồn đó, hơn 78 năm qua, không có gì khác hơn, đó là tư tưởng trước sau như một và hành động không gì cản nổi vì sự phát triển của Nhân dân, của Tổ quốc, vun đắp mối quan hệ giữa Nhân dân với Tổ quốc và phát triển trách nhiệm của Tổ quốc vì Nhân dân, ở Việt Nam, với vị thế là một quốc gia dân tộc trong mọi tư cách độc lập hay rộng hơn là ngay cả khi chưa giành được độc lập!

Phát triển trên nền móng vững chãi ấy, Việt Nam đã, đang và tiếp tục cần như thế. Đảng và Nhà nước phải hướng nắm lấy: “Nước lấy Dân làm gốc… Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. “Gốc” là tài Dân, lực lượng Dân, quyền Dân, lòng Dân, niềm tin của Dân, của Dân… Trong mọi quyết sách và hành động của mình, Đảng và Nhà nước càng phải lấy Dân làm gốc. Tất cả vì sự thống nhất của Tổ quốc, vì sự trường tồn của Dân tộc và vì chính sự lớn mạnh của Nhân dân, dưới ngọn cờ của Đảng.

Đó chính là sự tự do - cái quyền tự nhiên và vô giá của Nhân dân - trên nền tảng “nước ta được hoàn toàn độc lập”. Độc lập dân tộc là điều kiện của hạnh phúc, tự do, là mục tiêu nền tảng để mỗi một người Dân đạt tới hạnh phúc, tự do. Độc lập dân tộc là để cho Nhân dân ta có hạnh phúc - một phẩm giá Dân tộc cao cả và thiêng liêng nhất.  

Do đó, Đảng và Nhà nước ra sức phụng sự Nhân dân. Vì, nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân là động lực khởi phát sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Vì, Nhân dân đóng góp trí tuệ góp phần quyết định việc xây dựng và bảo đảm tính đúng đắn của đường lối cách mạng. Vì, Nhân dân cung cấp tài lực, vật lực bảo đảm yêu cầu nền tảng vật chất để sự nghiệp cách mạng được thực hiện thắng lợi. Và, vì Nhân dân là lực lượng đông đảo, hùng hậu đóng vai trò chính thực hiện đường lối cách mạng, bảo vệ thành quả cách mạng. Do đó, gắn bó mật thiết với Nhân dân, sống giữa lòng Dân, phải luôn thấu hiểu, chăm lo thật thành tâm và hết sức đời sống toàn diện theo tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của Nhân dân. Chỉ có như thế, Nhân dân mới phát triển lớn mạnh, mới thật sự làm tròn vị thế là chủ nhân của đất nước, mới xây dựng nước ta thật sự là một nước dân chủ, tự cường, xứng đáng với khát vọng của Nhân dân.

Đó chính là cái gốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc chân chính và sự toàn vẹn thống nhất của Tổ quốc, thực hiện quyền tự quyết dân tộc thiêng liêng và Nhân dân hưởng quyền dân chủ thật sự và chân chính. Vì vậy, phát triển Nhân dân và xây dựng Tổ quốc thịnh vượng là cương lĩnh hành động tối thượng, thiêng liêng, bất khả xâm phạm và mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước. Đó chính là tầm cao và chiều sâu minh triết thấm đẫm linh hồn và sức sống Dân tộc trong hơi thở và sức mạnh thời đại: Phụng sự Nhân dân vì sự thịnh vượng của quốc gia, sự thống nhất của Tổ quốc và sự trường tồn của Dân tộc.

#