Chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính

Chưa phát hiện trường hợp công ty thẩm định giá bị cổ đông chi phối để thực hiện hành vi sai trái

- Thứ Hai, 18/03/2024, 12:13 - Chia sẻ

Thẩm định giá là một trong những nội dung “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay.

Nhấn mạnh yếu tố con người có vai trò quan trọng nhất trong thẩm định giá, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tăng cường nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, kiểm tra, thanh tra, đào tạo và cấp chứng chỉ.

Kết quả thẩm định giá phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ thẩm định viên

Quan tâm đến chất lượng của các cơ quan thẩm định giá, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho biết, để nâng cao chất lượng thẩm định giá, Luật Giá năm 2023 đã bổ sung một số nội dung mới về rào cản kỹ thuật gia nhập thị trường với doanh nghiệp, như nâng số lượng thẩm định viên từ 3 lên 5, quy định tỷ lệ vốn điều lệ… Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của quy định nêu trên vì "nâng được lượng chưa chắc nâng được chất".

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra đánh giá về ý kiến này, đồng thời cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp bị đình chỉ và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá có xu hướng tăng nhanh.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, theo quy định, các chi nhánh của công ty thẩm định giá phải tăng từ 2 - 3 người, công ty phải có ít nhất 3 - 5 người, tỉ lệ phần trăm của các doanh nghiệp tham gia không quá 35%, những người có thẻ thẩm định viên phải trên 50%. Bộ trưởng cũng khẳng định, chưa phát hiện trường hợp các công ty thẩm định giá bị các cổ đông chi phối để thực hiện hành vi sai trái.

Để nâng cao chất lượng thẩm định giá, việc kiểm tra chéo, siết chặt quản lý, nâng cao tiêu chuẩn là cần thiết. Nhấn mạnh quan điểm này, Bộ trưởng nêu rõ, đây cũng là một trong nhiều nội dung nhằm bảo đảm chất lượng thẩm định giá, đồng thời dự phòng trường hợp các công ty không có chức năng thẩm định giá nhưng bỏ tiền để trở thành cổ đông chính trong công ty thẩm định giá; từ đó biến công ty thẩm định giá thành công cụ, làm mất tính độc lập, khách quan trong hoạt động thẩm định giá. Mặt khác, muốn thực hiện đúng thì phải bắt đầu từ chất lượng, năng lực, phương tiện và thiết bị, đạo đức của thẩm định viên về giá.

Thẩm định giá là dịch vụ tư vấn tài chính về xác định giá trị tài sản, là yếu tố quan trọng góp phần làm minh bạch, thúc đẩy hiệu quả thị trường và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của Nhà nước, tổ chức và công dân; kết quả thẩm định giá phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ thẩm định viên về giá. Nêu vấn đề này, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ và có kiến nghị gì với Chính phủ để tạo chuyển biến căn bản, nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thẩm định viên và chất lượng cấp quản lý thẻ thẩm định viên về giá trong điều kiện hiện nay.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu về vai trò của thẩm định giá, Bộ trưởng nêu rõ, vấn đề thẩm định giá liên quan đến 2 yếu tố là con người và luật pháp, công nghệ. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất, do vậy Bộ sẽ tăng cường nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, kiểm tra, thanh tra, đào tạo và cấp chứng chỉ để các thẩm định viên vừa thông thạo chuyên môn vừa nắm chắc quy định pháp luật.

Sai phạm chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai

Tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu vấn đề, thực tế cho thấy, các công ty thẩm định giá không những có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế mà trong các vụ án sai phạm xảy ra vừa qua, vai trò của công ty này cũng rất quan trọng, có trách nhiệm hoặc thậm chí là tiếp tay trong việc "dìm" giá hoặc "nâng" giá.

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó là thời gian qua có sự gia tăng quá "nóng" các doanh nghiệp thẩm định giá, bên cạnh đó còn là vấn đề về đạo đức nghề nghiệp như Bộ trưởng đã nêu, vì vậy dẫn đến việc tiếp tay và sai phạm.

Tuy nhiên, sau khi xử lý sai phạm lại dẫn đến việc “không dám làm”, gây khó khăn trong các hoạt động của nền kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm trách nhiệm của Bộ, và cho biết giải pháp khắc phục?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay cả nước chỉ có mấy trăm công ty về thẩm định giá, hơn nữa Bộ Tài chính cũng quản lý rất chặt chẽ trong quá trình cấp phép và quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên về giá.

Trong 3 năm vừa qua, chưa có trường hợp nào trong một kì thi vượt quá 33% số người dự thi trúng tuyển. Những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai; thêm đó, một số văn bản pháp luật vẫn có lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng.

Lấy ví dụ về giá đất, áp dụng theo phương pháp thặng dư nếu kiểm tra thì việc thẩm định giá sẽ có điểm sai, bởi tài sản hình thành trong tương lai phải trải qua nhiều bước, như lập dự án, phê duyệt thiết kế, lập dự toán nhưng đến khi cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra thì đều chưa đúng quy định. “Do vậy, nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật, nhưng cũng có một phần nguyên nhân từ cán bộ thẩm định giá cố tình làm sai dẫn đến xảy ra sai phạm phải xử lý kỷ luật thậm chí xử lý hình sự”, Bộ trưởng nói.

Minh Trang
#