Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao:

Ngoại giao văn hóa giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam

- Thứ Hai, 18/03/2024, 16:30 - Chia sẻ

Tổ chức thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa là một vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay.

Chủ động triển khai ngoại giao văn hóa

Quan tâm đến thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết kết quả của việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa trong quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng?

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ, Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành. Đây là sự phát triển kế tiếp của Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020 và đưa vào một số nội dung mới. Bộ trưởng cũng cho rằng, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới mà ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới.

Với tinh thần nêu trên, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác và phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO). Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất thì Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất, trong đó được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới với số tín nhiệm rất cao. Đây là cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa.

“Ở cấp độ quốc gia có thể thấy, những hoạt động ngoại giao văn hóa cũng giúp tạo những dấu ấn rất quan trọng của đất nước ta với bạn bè quốc tế, đặc biệt, những hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa. Những hoạt động, hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi uống trà với Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hay Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngồi uống cà phê với Thủ tướng Belarus Roman Golovchenk… là những hình ảnh để chúng ta truyền bá hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, hữu nghị. Những hình ảnh này đồng thời cũng giúp giới thiệu những nét đẹp của ẩm thực của Việt Nam ra thế giới, với bạn bè quốc tế”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc các địa phương trên cả nước đều chú ý thực hiện xây dựng và quảng bá hình ảnh của địa phương thông qua các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Các sự kiện, các lễ hội đã góp phần tạo thành những thương hiệu của các địa phương như lễ hội chè Thái, lễ hội bắn pháo hoa ở Đà Nẵng, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột…

Đồng hành với các địa phương quảng bá di sản văn hóa

Tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu rõ, trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã đưa ra một số hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch, đặc biệt là kết hợp với việc đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao để từ đó quảng bá ẩm thực, con người,... Tuy nhiên, những hoạt động này mới đề cập tới quảng bá văn hóa trong nước, chưa đề cập tới hoạt động của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã quy định rõ để phát triển du lịch phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện và thương mại của Việt Nam tại nước ngoài trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82/2023/NQ-CP về phát triển du lịch cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác ngoại giao kinh tế, trong đó có du lịch.

Từ các văn bản trên cho thấy, chúng ta đang hướng tới hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá văn hóa để thúc đẩy du lịch. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm rõ hơn về vấn đề này?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, thúc đẩy hợp tác du lịch là một chủ trương lớn của Nhà nước và đây cũng là nhiệm vụ được Bộ Ngoại giao quan tâm, chú trọng triển khai thời gian qua. Do vậy, đối với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã giao nhiệm vụ tham khảo kinh nghiệm các nước về chính sách phát triển du lịch, từ đó tham mưu Chính phủ kịp thời điều chỉnh. Các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cũng đều có nhiệm vụ quảng bá văn hóa thông qua tổ chức ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các ngoại giao văn hóa. Nêu ví dụ cụ thể về công tác này, Bộ trưởng cho biết, mới đây nhất, tại Nhật Bản tổ chức Lễ hội Phở Việt Nam thu hút hàng trăm nghìn du khách tham gia.

Về việc đồng hành với các địa phương quảng bá văn hóa, Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao đã đề nghị các địa phương xây dựng các clip ngắn để cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài quảng bá hình ảnh, bản sắc của những địa phương này. Tại trụ sở của các cơ quan đại diện của Việt Nam cũng được trang trí mang đậm hình ảnh, bản sắc của đất nước, con người Việt Nam. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho việc nhập cảnh của du khách nước ngoài vào Việt Nam; tổ chức quảng bá, thông tin đầy đủ về quy trình, thủ tục thực hiện visa điện tử.

Về việc hỗ trợ các địa phương bảo tồn và phát huy di sản được UNESCO vinh danh được ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) quan tâm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, các di sản văn hóa nói riêng và danh hiệu UNESCO nói chung được cộng đồng quốc tế đã công nhận không chỉ là tài sản quý báu, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa của quốc gia, dân tộc Việt Nam, mà còn có giá trị toàn cầu. Do vậy, việc quảng bá những hình ảnh về di sản này nhằm phát huy được sức mạnh mềm, vừa nâng cao vị thế hình ảnh của đất nước ta, dân tộc ta trên trường quốc tế, điều quan trọng hơn là đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ đề xuất các chính sách để thúc đẩy thực chất, hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO; đề nghị UNESCO hướng dẫn chúng ta; đưa thông tin đầy đủ đến các địa phương về những công việc cần thực hiện để bảo tồn và phát huy giá trị di sản sau khi được UNESCO công nhận, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền và vững lâu dài.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đã và đang hỗ trợ các địa phương xây dựng hồ sơ đề nghị tiếp tục công nhận di sản của Việt Nam đúng mẫu mã để được xét duyệt. Đồng thời tiếp tục quảng bá giới thiệu về các di sản của Việt Nam với bạn bè thế giới như các biện pháp đã triển khai thời gian qua.

Thanh Hải
#