Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi)

- Thứ Ba, 02/04/2024, 10:11 - Chia sẻ

Sáng 2.4, tiếp tục chương trình phiên họp pháp luật tháng 4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) -3
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm trình bày.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) -0
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Theo đó, qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, UBND và Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc, vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các nội dung trên nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân. Dự thảo luật gồm 8 chương, 74 điều.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành luật với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật. Hồ sơ dự án luật đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) -1
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật. Ảnh: Hồ Long

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc dự án luật của cơ quan chủ trì soạn thảo và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các nội dung cụ thể của dự thảo luật như: phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, hành vi nghiêm cấm, quy định quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ; nghe thành viên Chính phủ báo cáo làm rõ hơn một số nội dung...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) -2
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, để bảo đảm chất lượng dự thảo luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của các cơ quan hữu quan. Đặc biệt cần lưu ý đánh giá toàn diện hơn kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc của Luật hiện hành để tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi khi luật ban hành. Tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; không gây chồng chéo với các luật khác; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế.

Trưa cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4. Phát biểu bế mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, phiên họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan khẩn trương hoàn thành để ban hành các thông báo kết luận về từng nội dung. Đồng thời, đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cũng như Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên tinh thần khẩn trương, lắng nghe, chia sẻ với nhau, cùng chịu trách nhiệm với nhau để tạo sự đồng thuận cao nhất; khẩn trương thực hiện các nội dung kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án Luật và Nghị quyết, Đề án, chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ Bảy tới. Đặc biệt, lưu ý gửi tài liệu đúng hạn nhất là đối với những dự án Luật và Nghị quyết dự kiến cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

Minh Trang
#