Chờ đợi chính sách đột phá, khả thi

- Thứ Tư, 14/04/2021, 06:31 - Chia sẻ
Sau khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Mười một vừa qua, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Thủ tướng Phạm Minh Chính lãnh đạo đã bắt tay ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm sự tiếp nối thông suốt trong chỉ đạo, điều hành đất nước. Đánh giá cao tinh thần này, các đại biểu Quốc hội cũng mong muốn Thủ tướng và tập thể Chính phủ cần nhìn bao quát, sâu hơn và xa hơn vào các vấn đề nội tại của nền kinh tế, xã hội để có giải pháp hữu hiệu, đưa giáo dục, văn hóa, xã hội tiến kịp tốc độ phát triển kinh tế.

Giáo dục "đụng" đến mọi gia đình, mọi cá nhân, là vấn đề vô cùng quan trọng, là gốc rễ để phát triển một quốc gia. Quan điểm, triết lý và thành quả từ giáo dục sẽ quyết định vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Với vai trò quan trọng này, tôi kỳ vọng tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những quyết sách đúng đắn hơn. Còn nhớ, khi đi giám sát, tôi đã hỏi giáo viên - lực lượng nòng cốt để thực hiện đổi mới dạy và học - thì họ đều chia sẻ sự hoang mang. Khi giáo viên còn hoang mang thì việc dạy và học khó đạt hiệu quả cao. Ví dụ này một lần nữa cho thấy, việc đổi mới giáo dục - đào tạo phải tiến hành rất thận trọng, có đường hướng cụ thể, có một thời gian chuẩn bị chi tiết, kỹ lưỡng, không thể vội vàng. Do vậy, trong thời gian tới, mỗi thay đổi về chính sách trong ngành giáo dục phải được rà soát kỹ, dự liệu tất cả các phản ứng có thể xảy ra.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật

Theo đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực (Bắc Giang), yêu cầu đối với các bộ trưởng, trưởng ngành vừa được Quốc hội phê chuẩn tại Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Khóa XIV đã được nêu rõ ngay trong 5 nhiệm vụ trọng tâm hành động được Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức. Trong đó, các bộ trưởng, trưởng ngành cần quan tâm triển khai thực hiện yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội. Những chính sách, pháp luật được xây dựng trong thời gian tới phải là những chính sách tốt nhất cho lợi ích chung của quốc gia, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của mọi chính sách, thước đo hoạt động của các cơ quan quản lý là sự hài lòng của người dân. Nếu thực hiện được như vậy, đại biểu Ngô Sách Thực tin tưởng, các nguồn lực của đất nước sẽ được khai thác tốt hơn, phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.  

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, một Chính phủ có chức năng kiến tạo, phát triển không thể chỉ gói gọn trong nhiệm kỳ 5 năm mà sẽ cần thời gian nhiều hơn thế. Bởi, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người. Chính phủ đã "bắt rất đúng bệnh", việc tiếp theo là điều trị bệnh chứ không chỉ dừng lại ở thăm khám, kê đơn, điều trị triệu chứng mà không điều trị nguyên nhân. Trên tinh thần này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành cần dành nhiều thời gian rà soát, đánh giá thực trạng chính sách thu hút nhân tài, sử dụng nhân lực, đội ngũ chuyên gia trong bộ máy giúp việc, tham mưu của mình có thực chất, có hiệu quả hay không. Đồng thời, cần cương quyết xóa bỏ những lối mòn về tư duy hay tránh xa những vết xe đổ trong điều hành, quản lý. 

Giáo dục, văn hóa, xã hội chưa theo kịp kinh tế

Chính phủ đã có một nhiệm kỳ thành công trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và công tác đối ngoại. Các kết quả đã đạt được trong chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ là rất đáng khích lệ, song theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), không thể sớm hài lòng với các kết quả đạt được, vì trong khi kinh tế có sự phát triển mạnh mẽ thì dường như văn hóa, xã hội chưa theo kịp với sự phát triển này. Thực tế, trong thời gian qua, nhiều hiện tượng cho thấy sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa xảy ra liên tiếp, thậm chí có những việc rất đáng báo động, đòi hỏi Quốc hội phải tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lưu ý, trong thời điểm tiến hành giám sát chuyên đề này, sau giám sát, thậm chí đến mới đây cũng có những sự việc đáng buồn đã xảy ra.

Bên cạnh đòi hỏi từ thực tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đều cần chú ý thực hiện từ bây giờ việc tạo dựng nền tảng để có đội ngũ lãnh đạo đất nước vừa có tâm, vừa có tài. Thế hệ trẻ hiện nay đã được đào tạo bài bản, có bản lĩnh, có đủ kiến thức, kỹ năng để gánh vác trọng trách lớn, nhưng nếu không ngăn chặn triệt để những hiện tượng xuống cấp về đạo đức, văn hóa xảy ra, việc tạo dựng một thế hệ lãnh đạo trẻ năng động, đủ đức, đủ tài sẽ khó thực hiện được.

Nêu thực tế gần đây nhiều vụ án được đưa ra xét xử có bị cáo là cán bộ lãnh đạo từng giữ chức vụ cao, am hiểu luật pháp, được đào tạo bài bản và đều được đánh giá là có tài, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, một trong những nguyên nhân là bởi nền tảng con người chưa chắc chắn nên các bị cáo này mới bất chấp tất cả để vun vén cho lợi ích cá nhân. Do vậy, để tạo dựng thế hệ lãnh đạo đất nước trong thời gian tới, bên cạnh đào tạo kỹ năng, kiến thức, thì phải chú trọng giáo dục đạo đức. Khi nào làm tốt được cả dạy chữ và dạy làm người, chúng ta sẽ có đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ có tài, vì dân, vì nước. 

Có thể thấy, các đại biểu Quốc hội và cử tri đều mong chờ đội ngũ nhân sự vừa được kiện toàn của Chính phủ sẽ chung sức, tập hợp trí tuệ, đồng tâm hiệp lực để làm cho mỗi lĩnh vực càng tốt thêm lên. Mỗi bộ trưởng, "tư lệnh" ngành phải kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, sáng tạo. Tất nhiên, như nhận định của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, thực hiện sự nghiệp này phải trên một tầm nhìn bao quát, sâu hơn và xa hơn, không để tâm lý nhiệm kỳ cản trở trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách.

Lê Bình