Chờ đợi sự trở lại của Mỹ trong hệ thống đa phương

- Thứ Sáu, 04/12/2020, 06:29 - Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến hợp tác quốc tế gần như bị tê liệt 4 năm qua. Mặc dù ứng cử viên tổng thống đắc cử Joe Biden khó toàn tâm toàn ý theo đuổi chủ nghĩa đa phương như các tổng thống trước ông Donald Trump đã làm, nhưng ít nhất nước Mỹ sẽ trở lại là một người chơi trách nhiệm trong sân chơi toàn cầu.

Các tổ chức đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ) gần đây không còn được công chúng ưa chuộng vì bị cáo buộc là xâm phạm chủ quyền quốc gia trong khi lại tỏ ra kém hiệu quả trong xử lý các cuộc khủng hoảng. Nhưng sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện và khiến hợp tác quốc tế trở nên bất khả thi bằng cách rút cường quốc số 1 thế giới ra khỏi hầu hết các thể chế đa phương. Và lập tức thế giới lại mơ ước một vị lãnh đạo Mỹ khác sẽ hàn gắn điều đó.

Covid-19 và biến đổi khí hậu

Khi Tổng thống đắc cử Joe Biden bước vào Nhà Trắng ngày 20.1.2021, ông sẽ phải đối mặt với một chương trình nghị sự khẩn cấp về các vấn đề quốc tế, bao gồm đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và suy thoái toàn cầu, đòi hỏi sự phối hợp hành động của các nền kinh tế tiên tiến trong kích thích tài khóa, tái cơ cấu nợ và trao đổi thương mại.

	Nguồn PS
Nguồn PS

Trong chiến dịch của mình, hợp tác kinh tế quốc tế không phải là một chủ đề vận động tranh cử của ông Biden. Đây cũng là chủ đề mà hầu hết ứng cử viên tổng thống Mỹ thường không đề cập đến. Nhưng ông Biden đã cam kết sẽ ngay lập tức đảo ngược các quyết định thiển cận của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015.

Các đại dịch như Covid-19 là ví dụ điển hình về thách thức xuyên biên giới mà các chính phủ riêng lẻ không thể tự giải quyết một cách thỏa đáng. Đối mặt với một đại dịch mang tính toàn cầu, không còn cách nào khác là các nước buộc phải hợp tác. Hợp tác sẽ mang lại hiệu quả hơn trong điều tra các đợt bùng phát dịch bệnh tại mỗi quốc gia; cảnh báo các mối nguy toàn cầu; phối hợp nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine hoặc phương pháp điều trị; thỏa thuận về các thủ tục hạn chế nhập cảnh hoặc cách ly du khách. WHO có thể cho đến nay vẫn không hoàn hảo, nhưng rõ ràng là không thể thiếu trong bối cảnh đại dịch.

Tương tự như vậy, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức không chừa bất kỳ quốc gia nào. Một tấn khí carbon thải ra ở bất kỳ đâu đều gây ra cùng một hiệu ứng nhà kính. Mỗi quốc gia tự mình không thể điều chỉnh việc phân bổ hạn ngạch khí thải. Do đó, cần có một hiệp định quốc tế như Hiệp định khí hậu Paris.

Phối hợp tài chính

Ông Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác cũng phải đối mặt với cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930. Ngoài các biện pháp để giải quyết đại dịch, các nền kinh tế phát triển trên hết phải nhất trí về các biện pháp kích thích tài khóa chung, như họ đã làm tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Bonn năm 1978 và các cuộc họp G20 năm 2009, thời điểm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ.

IMF gần đây ước tính rằng nếu các nước G20, với không gian tài chính lớn nhất thế giới, đồng loạt tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng bằng 0,5% GDP năm 2021 và 1% GDP trong những năm tiếp theo; đồng thời những nước có không gian tài chính hạn chế hơn đầu tư một phần ba số đó, thì có thể giúp nâng GDP toàn cầu lên gần 2% vào năm 2025, so với mức tăng chỉ dưới 1,2% nếu các nước tiếp cận tài khóa theo hướng không đồng bộ.

Việc các nước phối hợp mở rộng tài chính (bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh hay cuộc chiến chống Covid-19) sẽ giúp tiến trình phục hồi GDP và việc làm nhanh hơn, cũng như hạn chế tối đa nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu theo hình W.

Với lãi suất gần bằng 0, Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác không cảm thấy bị hạn chế về khả năng đi vay, ngay cả khi tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên. Nhưng các nền thị trường mới nổi và đang phát triển - đặc biệt là những nền kinh tế đã phải chịu gánh nặng nợ không bền vững trước khi đại dịch xảy ra - có ít dư địa hơn để hành động.

Một số nền kinh tế mới nổi sẽ phải cơ cấu lại các khoản nợ. Cho đến nay, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế mới chỉ có Sáng kiến ​​hoãn nợ (DSSI) của G20, nhưng lại hạn chế về phạm vi. Kế hoạch này chỉ hoãn (thay vì giảm) các nghĩa vụ nợ và không bao gồm nợ tư nhân.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong tháng 11 vừa qua, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đều cho rằng các quốc gia đáp ứng đủ các điều kiện của DSSI cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa ngoài các khoản giảm nợ chính thức. Nhưng cuộc họp cuối cùng lại đạt được rất ít tiến bộ.

Tìm lại ảnh hưởng thương mại

Về thương mại, nhiều đảng viên Dân chủ sẽ thúc giục ông Biden tiếp tục theo đuổi một số mục tiêu của Tổng thống Donald Trump, nhưng Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh thay vì chống lại họ như cách ông Trump đang làm. Một trong những mục tiêu đó là ngăn chặn các tập đoàn nước ngoài chia sẻ công nghệ độc quyền với các đối tác Trung Quốc như cái giá phải trả để tiếp cận thị trường này. Trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, một trong những “mặt trận” căng thẳng nhất là việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm nguyên tắc thương mại khi “ép buộc chuyển giao công nghệ”. Thuật ngữ này được dùng để ám chỉ chuỗi hành động mà trong đó các công ty nước ngoài nếu muốn hoạt động ở Trung Quốc phải tiết lộ bí quyết của mình với phía Trung Quốc.

Một chiến lược thông minh của Mỹ có thể là duy trì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khuyến khích Trung Quốc ngày nào đó sẽ gia nhập tổ chức này và tuân thủ các nguyên tắc mà hầu hết do Mỹ đặt ra. Với quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP vào tháng 1.2017, các nước thành viên khác đã đi trước mà không có Mỹ. Nhưng ông Biden có thể giúp nước Mỹ bắt kịp chuyến tàu này bằng cách gia nhập lại. Washington không thể chần chừ hơn nữa bởi trong khi Chính quyền Trump còn mải mê với học thuyết nước Mỹ là trên hết và quay lưng với chủ nghĩa đa phương, thì Trung Quốc đã thúc đẩy được khối thương mại châu Á - Thái Bình Dương của riêng mình, với tên gọi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Những nhân vật được lựa chọn cho chính quyền Biden sắp tới theo chủ nghĩa quốc tế. Mỹ có lẽ sẽ tạo điều kiện cho WTO hoạt động trở lại. Nhưng các hiệp định thương mại quốc tế nhiều khả năng sẽ không nằm trong danh sách ưu tiên của chính quyền mới. Hơn nữa, đồng minh của Mỹ đã không còn hào hứng với việc để Mỹ tiếp tục chỉ huy dàn nhạc quốc tế. Nhưng, ít nhất, họ sẽ rất vui khi Mỹ trở lại với tư cách là một người chơi quan trọng và có tính xây dựng.

Theo PS

Đạt Quốc