Chỗ dựa để người lao động vượt qua đại dịch

- Thứ Bảy, 11/12/2021, 05:45 - Chia sẻ
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm; hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Khi dịch Covid-19 ảnh hưởng hàng triệu lao động, BHTN đã là “chỗ dựa” giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống trong thời gian tìm việc làm mới.

Bảo đảm nguyên tắc đóng hưởng

​​​​​Theo BHXH Đồng Nai, đến hết tháng 11.2021, số người nộp hồ sơ học nghề là 1.032 người. Số học viên Trung tâm trực tiếp đào tạo là 103 người, đạt 57% so với kế hoạch năm. Trong đó, hàng trăm lao động tìm được việc làm mới với những ngành nghề như may mặc, tin học, lái xe, sửa chữa xe máy, điện công nghiệp.

Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm tham gia loại hình BHTN. Khi tham gia, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm...

Chính sách BHTN luôn bảo đảm nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng. Đồng thời, việc triển khai thực hiện theo phương châm “3 đúng” là đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn. Từ những quyền lợi trên, BHTN thật sự trở thành điểm tựa của người lao động và người sử dụng lao động, được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao. Trong lúc khó khăn bởi dịch Covid-19, BHTN được xem giải pháp hỗ trợ  khó khăn cho người lao động.

Tại Đồng Nai, chỉ sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ quỹ BHTN, tính đến ngày 16.11, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã chi trả cho gần 800 nghìn lao động với số tiền trên 1.900 tỷ đồng.

Nhằm mục đích kịp thời hỗ trợ người lao động và đơn vị gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và hoàn thành nhiệm vụ đã được giao, bảo đảm không bỏ sót người lao động thuộc diện thụ hưởng chính sách theo quy định, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chỉ đạo các bộ phận liên quan tìm giải pháp đôn đốc số đơn vị sử dụng lao động lập danh sách đề nghị hỗ trợ gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết, bảo đảm người lao động được hỗ trợ kịp thời.

Người lao động đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Nai

Nguồn: ITN 

Hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN nhằm hỗ trợ lao động thất nghiệp. Theo quyết định này, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng cao nhất không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề hơn 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng cao nhất không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ BHTN.

Theo bà Trần Thùy Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, đầu năm đến nay, số người được tư vấn, tiếp nhận thông tin tư vấn học nghề là 42.558 người; riêng trong tháng 11, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 3.400 người, số người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là 114 người. Trong những tháng gần đây, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề buộc phải dừng lại để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 nên người lao động không được tham gia học nghề. Tuy nhiên, từ ngày 1.12, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tiếp tục tổ chức các lớp giáo dục nghề nghiệp trở lại.                   

Hà Thủy