Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cho ý kiến về công tác thi hành án năm 2020

- Thứ Hai, 14/09/2020, 14:08 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, sáng nay, 14.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2020.

Linh hoạt vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, về công tác thi hành án dân sự, Chính phủ đã ban hành một Nghị định; Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng đã ban hành 6 Thông tư. Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quan trọng liên quan đến thi hành án dân sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành các văn bản nhằm phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình; chỉ đạo các bộ, ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt để vừa phòng, chống dịch, vừa cố gắng thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020; chủ trì nhiều phiên họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm bàn biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành một số vụ việc về kinh tế, tham nhũng, một số vụ việc có giá trị lớn, có tính chất phức tạp, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…

Tổng số việc phải thi hành là 794.525 việc. Số có điều kiện thi hành án là 645.782 việc, đã thi hành xong 425.859 việc, đạt 65,94%. Tổng số tiền phải thi hành trên 264.085 tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành là hơn 159.846 tỷ đồng. Thi hành xong trên 41.554 tỷ đồng, đạt 26%.

Về kết quả thi hành đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Đã thi hành xong 2.584 việc có điều kiện thi hành, đạt 61,95%, thu được số tiền là trên 11.390 tỷ đồng, đạt 23,25%.

Về công tác thi hành án hình sự, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã ban hành 6 Nghị định; Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng một Thông tư liên tịch; 4 Thông tư; đồng thời, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 12 Thông tư.

Về số lượng người có án phạt tù, tính đến ngày 31.7.2020, có 148.593 người bị kết án tù, tăng 4.131 người so với cùng kỳ năm 2019.

Công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, đã tổ chức 1.963 lớp giáo dục pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ cho trên 620.000 lượt phạm nhân; 69 lớp dạy văn hóa xóa mù chữ cho trên 1.700 lượt phạm nhân; 932 lớp giáo dục công dân cho trên 26.000 phạm nhân mới đến chấp hành án, 578 lớp cho trên 55.000 lượt phạm nhân đang chấp hành án và 557 lớp cho trên 23.000 lượt phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; 366 lớp truyền thông phòng, chống tác hại của ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trên 118.000 lượt phạm nhân.

Tích cực, chủ động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội

Trình bày Báo cáo thẩm tra, bày tỏ cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, đề ra nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính. Các vụ án dân sự trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng thi hành xong tăng 17,38% về việc và tăng 40,33% về tiền so với cùng kỳ năm 2019. Công tác kiểm tra, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương.

Về công tác thi hành án dân sự vẫn còn một số hạn chế khi tỷ lệ thi hành xong về việc và tiền trong tổng số án có điều kiện thi hành đạt thấp, giảm 5,1% về việc, 4,4% về tiền so với năm 2019; công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong công tác thi hành án hành chính: tỷ lệ thi hành án đạt thấp (34%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019; phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành do người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND (trong tổng số 472 bản án hành chính chưa thi hành xong thì có tới 451 bản án người phải thi hành là Chủ tịch UBND).

Về công tác thi hành án hình sự, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác thi hành án hình sự, nhất là trong điều kiện dịch bệnh và số người bị kết án phạt tù, số người chấp hành án tại các cơ sở giam giữ cũng như số người bị kết án tử hình tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tại một số trại giam vẫn còn để xảy ra 18 phạm nhân bỏ trốn, trong đó có trường hợp phạm tội mới, gây hoang mang trong dư luận...

Hồ Long