Chọn người đại diện xứng tầm

- Thứ Sáu, 30/04/2021, 07:05 - Chia sẻ
Trong những ngày tháng tư lịch sử, bên cạnh các hoạt động kỷ niệm, tri ân và tưởng nhớ cha ông đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nô nức thi đua hướng tới sự kiện chính trị, ngày hội dân chủ của toàn dân vào ngày 23.5 sắp tới - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông, cử tri hãy nghiên cứu kỹ quy định về bầu cử, tìm hiểu về ứng cử viên, tham gia đóng góp cho ứng cử viên để hoàn thiện chương trình hành động sát thực tiễn, làm tiền đề lựa chọn đại biểu thực sự xứng đáng.

Chiến thắng 30.4.1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Ngày 30.4.1975 không chỉ mang ý nghĩa như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mà còn là dấu mốc quan trọng đối với Quốc hội Việt Nam. Trải qua 5 khóa trong gian lao, thử thách bởi chiến tranh, bầu cử 4 khóa trong thời kỳ đất nước bị chia cắt 2 miền, người dân cả nước có thể hòa chung khí thế dân chủ, quyết định lựa chọn người đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của mình trong hòa bình, nam bắc sum họp một nhà. Quốc hội Khóa VI là Quốc hội đầu tiên đất nước thống nhất hai miền Nam - Bắc. Từ đó đến nay, Quốc hội được bầu trong niềm hạnh phúc đoàn tụ, những lá phiếu của cử tri chứng nhận quyền làm chủ nước nhà trọn vẹn.

Cử tri Hà Tĩnh bỏ phiếu bầu ĐBQH Khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ảnh: Bình Nguyên

Thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân

Trải qua 14 khóa, có thể khẳng định Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách cử tri và Nhân dân giao phó. Cùng với HĐND các cấp, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử, cơ quan dân cử đã phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của mình, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết, đưa tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân vào nghị trường và hiện thực hóa bằng những quyết sách cụ thể, đưa đất nước bước qua gian lao, thử thách, vững bước trên con đường đối mới, đối diện tương lai với bao quyết tâm và sự kỳ vọng.

Đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, Quốc hội và HĐND các cấp đã không ngừng đổi mới tổ chức, hoạt động nhằm phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của Nhân dân, từng bước hoàn thiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, tăng cường pháp chế và hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước.

Hiến pháp khẳng định Nhân dân tổ chức nên bộ máy nhà nước trước hết thông qua chế độ bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín để lựa chọn những người có đủ đức, tài vào cơ quan quyền lực nhà nước là Quốc hội, HĐND các cấp. Quyền làm chủ của Nhân dân ngày càng được thể chế hóa đầy đủ, toàn diện hơn trong Hiến pháp và pháp luật. Thể hiện rõ chính Nhân dân mới thực sự là người làm chủ đất nước, tư tưởng “đất nước của Nhân dân” như sợi chỉ đỏ xuyêt suốt 14 kỳ Quốc hội và các nhiệm kỳ của HĐND các cấp.

Kết quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp qua các thời kỳ lịch sử của đất nước là minh chứng rõ ràng nhất, khẳng định cử tri và Nhân dân đã không sai lầm khi quyết định trao gửi niềm tin và sự kỳ vọng của mình qua lá phiếu để bầu ra đại biểu dân cử đại diện cho mình. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, có thể khẳng định Quốc hội Khóa XIV đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực: Đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, trên cơ sở tiếp thu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, có những nội dung mang tính thời sự, giải đáp kịp thời thắc mắc, thậm chí bức xúc của thực tiễn; xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước...

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đạt được nhiều dấu ấn và thành tựu đóng góp quan trọng vào thành công chung trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, tư tưởng lấy dân làm gốc, gắn bó mật thiết và lắng nghe ý kiến của Nhân dân; mối liên hệ giữa ĐBQH và cử tri được tăng cường, mật thiết hơn là những dấu ấn mà Quốc hội Khóa XIV đã đạt được trong suốt nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cùng với Quốc hội, hoạt động của HĐND các cấp cũng ngày càng có nhiều đổi mới, rõ nét hơn, nhất là trong thực hiện hai chức năng quan trọng là quyết định và giám sát. Mối liên hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri ngày càng mật thiết, gắn bó.

Để ngày thống nhất thêm trọn vẹn

Trong những ngày tháng tư lịch sử, bên cạnh các hoạt động kỷ niệm, tri ân và tưởng nhớ cha anh đã hy sinh xương máu để đổi lấy độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nô nức thi đua hướng tới sự kiện chính trị, ngày hội dân chủ của toàn dân vào ngày 23.5 sắp tới - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bày tỏ cảm xúc về niềm vui được cầm lá phiếu đi bầu cử đại biểu Nhân dân trong ngày vui thống nhất, cử tri Lê Kim Hùng - Thương binh 3/4, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An bày tỏ: Sau ngày chiến thắng, tôi may mắn hơn nhiều đồng đội là lành lặn trở về trong niềm vui chiến thắng, sau đó nhận công tác tại Lữ đoàn Pháo binh 16, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ngày 25.4.1976, tôi vinh dự là cử tri đi bỏ phiếu bầu ĐBQH Khóa VI - Quốc hội đầu tiên khi đất nước thống nhất hai miền Nam - Bắc nên không khí rất hào hùng, náo nức. Ai cũng phấn khởi, tự hào khi đi bỏ phiếu. Ngày đó, lớp người chúng tôi hiểu sâu sắc rằng để được hòa vào dòng người tham gia bỏ phiếu trong niềm vui thống nhất, biết bao người đã phải ra đi mãi mãi, trong đó có cả đồng đội tôi, có những chiến sỹ mới mười tám, đôi mươi, có rất nhiều sinh viên từ miền Bắc tạm gác đèn sách lên đường vì Tổ quốc và họ đã mãi mãi không trở về như lời hẹn với người thân.

“Tôi mong rằng thế hệ sau này, nhất là những cử tri trẻ tuổi sẽ biết, hiểu và nhận thức rõ ràng việc trực tiếp đi bỏ phiếu không chỉ là quyền chính trị của công dân mà đó còn là lòng yêu nước, là kế tục những ước mơ về ngày hòa bình độc lập của cha anh ngày trước đã nằm lại nơi miền biên viễn để đánh đổi lấy hòa bình, độc lập hôm nay” - cử tri bày tỏ.

Cùng chung cảm xúc như cử tri Lê Kim Hùng, cử tri Nguyễn Tiến Dũng - một người có nhiều năm gắn bó với hoạt động của HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh mong muốn sau khi được bầu, Quốc hội Khóa XV hãy quan tâm hơn đến chế độ đối với người có công, nhất là chế độ đối với các liệt sỹ đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc: "Chế độ đối với người có công đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Thế nhưng thật khó có thể bù đắp nỗi đau của chiến tranh. Tuy nhiên, chế độ đối với liệt sỹ chưa thỏa đáng, nhất là thờ cúng, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, cần quan tâm hơn nữa. So với thương binh, bệnh binh thì liệt sỹ thiệt thòi hơn rất nhiều, họ ra đi mãi mãi, vì vậy cần quan tâm đến việc thờ cúng liệt sỹ, tìm kiếm mộ liệt sỹ hơn nữa trong nhiệm kỳ mới 2021 - 2026" - cử tri bày tỏ mong muốn.

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho bầu cử đã bước sang các mốc quan trọng, hoàn thành xong hiệp thương lần thứ 3 và lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông, Nhân dân, cử tri hãy nghiên cứu kỹ quy định về bầu cử, tìm hiểu về ứng cử viên, tham gia và đóng góp cho ứng cử viên tại hội nghị TXCT giữa người ứng cử với cử tri để ứng viên hoàn thiện chương trình hành động sát thực tiễn, làm tiền đề lựa chọn những đại biểu thực sự xứng đáng vào ngày 23.5 sắp tới.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh