Thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII

Chọn phương án tăng trưởng phù hợp

- Thứ Năm, 22/07/2021, 16:19 - Chia sẻ
Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm đầy thách thức, thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Khóa XVIII vừa qua, các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19; đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe của người dân lên trên hết… Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích các đơn vị và người đứng đầu các cấp đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, chọn phương án tăng trưởng phù hợp với thực tiễn.

Bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết

Thảo luận tại Kỳ họp, đa số các đại biểu đều thống nhất đánh giá, hậu quả thiên tai năm 2020 cùng với đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến người dân trên địa bàn và tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh… Góp ý vào các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 9%, nhiều đại biểu nhấn mạnh: UBND tỉnh cần có các giải pháp thực hiện đồng thời nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn từ ngân sách Trung ương còn đạt thấp.

Về những giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, đại biểu Phạm Nghĩa cho rằng: Hà Tĩnh cần đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe của người dân lên trên hết; triển khai tiêm vắc xin kịp thời cho các đối tượng ưu tiên và Nhân dân khi có nguồn cung. Bên cạnh đó, UBD tỉnh cần chỉ đạo tập trung cao cho nhiệm vụ thu ngân sách; xây dựng kịch bản tăng trưởng trong các tình huống để chủ động điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ cho phù hợp với thực tiễn…

Ở góc nhìn khác, đại biểu Lê Trung Phước đề xuất, Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm; đồng thời, có giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các Khu kinh tế, Khu công nghiệp trên địa bàn.

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Tới cũng đề nghị, các cấp, các ngành tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Đối với phát triển công nghiệp trong khu kinh tế Vũng Áng, phải hết sức coi trọng công tác củng cố, bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, trong quy hoạch các khu công nghiệp phải gắn với quy hoạch khu tái định cư, dân cư bảo đảm điều kiện phát triển kinh tế ổn định cho người dân…”, ông Tới nhấn mạnh.

Chốt lại vấn đề, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đề nghị, UBND tỉnh kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch Covid-19; phải luôn lấy mục tiêu trên hết, trước hết là bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân. Cùng với đó, khuyến khích các địa phương, đơn vị và người đứng đầu các cấp đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, chọn phương án tăng trưởng phù hợp trong điều kiện khó khăn; từng địa phương, từng ngành theo chức năng tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.  “UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành, Trung ương hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc; tham khảo cách làm của một số tỉnh, thành để đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án... Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp, hợp tác xã, các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn do dịch bệnh”, ông Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.

Tạo đột phá mới cho ngành nông nghiệp

Dù phải hứng chịu tác động trực tiếp của hậu quả thiên tai và đại dịch Covid-19, nhưng lĩnh vực nông nghiệp Hà Tĩnh vẫn tăng 2,13% trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng: Ngành nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế; dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nguy cơ tái phát cao; việc huy động các nguồn lực thực hiện Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM còn khó khăn, nhất là nguồn hỗ trợ của Trung ương…

Theo các đại biểu Nguyễn Quang Thọ và Nguyễn Văn Danh, thực hiện Đề án tích tụ, tập trung đất nông nghiệp cần gắn với ưu tiên các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách mạnh mẽ hơn để khuyến khích doanh nghiệp làm nông nghiệp. Đặc biệt, cần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, chuyển đổi số, thúc đẩy hình thành và mở rộng liên kết, hợp tác giữa người nông dân và doanh nghiệp tạo thành các chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Tiến Hùng cho rằng: Để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh cần xem xét, nghiên cứu, ban hành thêm các chính sách trên cơ sở lấy mô hình tiêu biểu, chương trình OCOP là hạt nhân… Đại biểu Lê Thành Đông thì đề nghị sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, quan tâm nhân rộng các mô hình phá bỏ bờ vùng, bờ thửa, xây dựng cánh đồng lớn gắn với tuyên truyền, thực hiện Đề án tích tụ, tập trung đất nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.

Đề cập đến dịch bệnh trên gia súc, đại biểu Từ Thị Hòa nhấn mạnh: UBND tỉnh cần chỉ đạo đánh giá cụ thể, toàn diện hơn công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; quan tâm, theo dõi các loại dịch bệnh mới; nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp cho các hộ dân bị thiệt hại để mua con giống, tái đàn vật nuôi… Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng: Ngoài việc làm nhà ở cho người có công, hộ nghèo, đặc biệt là các hộ gặp khó khăn trong lũ lụt; làm nhà văn hoá kết hợp phòng tránh lũ thì UBND tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra các hồ, đập, xả lũ đúng quy trình để giảm thiểu thiệt hại.

Liên quan nội dung này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh: UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đề xuất các giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn để khống chế tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm. “Đối với việc bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa bão, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đã tích cực, khẩn trương làm việc với Bộ NN và PTNT để xây dựng, nâng cấp hạ du hồ Kẻ Gỗ. Song, các ngành chức năng cần lưu ý thêm các nội dung đại biểu trao đổi để đưa ra kịch bản phù hợp, tối ưu; sửa chữa, bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi trước mùa mưa bão”, ông Dũng nhấn mạnh.

Lệ Thanh