Chống “tham nhũng chính sách”

- Thứ Tư, 25/11/2020, 07:02 - Chia sẻ
Chống tham nhũng nói chung rất quan trọng, cần thiết nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng. Cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật tổ chức sáng nay, 24.11.2020.

Thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật đã được quan tâm, hệ thống pháp luật của chúng ta cơ bản đầy đủ, bảo đảm tính thống nhất, tính minh bạch, tính khả thi. Đặc biệt, với sự vào cuộc tích cực của Tổ công tác của Thủ tướng, các nhiệm vụ trong đó có công tác xây dựng pháp luật luôn được rà soát, đánh giá và có giải pháp để đốc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật kịp tiến độ. Bên cạnh những kết quả tích cực này, công tác xây dựng pháp luật vẫn còn tồn tại, hạn chế, những quy định trong một số luật ban hành tuổi thọ chưa cao, phải sửa đổi, bổ sung. Vẫn còn tình trạng “xin lùi, xin rút” dự án luật, pháp lệnh; tình trạng “nợ đọng” quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để. Chính sự chậm chễ ban hành văn bản hướng dẫn đã làm cho một số luật chậm  đi vào cuộc sống. Ngoài ra, một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay trong quá trình xây dựng pháp luật đó là tình trạng “tham nhũng chính sách”.

“Tham nhũng chính sách” là một loại hình tham nhũng đặc biệt mà ở đó, những cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đã cố tình tìm cách cài cắm lợi ích của bộ, ngành mình vào trong các quy định. Nếu cơ quan “gác cổng” – cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra không phát hiện, các cơ quan, cá nhân phản biện chính sách không lên tiếng để ngăn chặn kịp thời thì những khoản lợi thu được từ những việc cài cắm lợi ích sẽ rất khó đong đếm.

Rõ ràng, việc bảo vệ lợi ích bộ, ngành trong quá trình xây dựng chính sách là tâm lý rất khó tránh khỏi. Theo đánh giá của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, trong quá trình thẩm định vẫn để xảy ra tình trạng “lợi ích nhóm” len lỏi vào. “Lợi ích nhóm người ta cài vào thì chuyên gia pháp luật mới phát hiện được, cài kín lắm. Không có sự phát hiện, bóc tách thì rất tai hại”, ông Quyền nhấn mạnh.

Để phát hiện được lợi ích nhóm được cài cắm đòi hỏi cần minh bạch hóa quá trình xây dựng chính sách. Từ khi lập chương trình, xây dựng dự thảo, quy trình lấy ý kiến, thảo luận, đến khi chính sách được ban hành phải được công khai, minh bạch. Cùng với đó cần có sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng chính sách, đặc biệt là phát huy vai trò của cơ quan, tổ chức có chức năng phản biện chính sách. Đặc biệt, cần có cơ chế tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến đóng góp từ các cá nhân, tổ chức, cơ quan vào các chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ được ban hành.  

Chính sách được ban hành phải phục vụ cho lợi ích chung, lợi ích của cộng đồng chứ không phải để phục vụ cho một bộ, ngành nào. Một trong ba khâu đột phá mà Đảng ta đã xác định đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, mà ở đó không có bóng dáng của lợi ích nhóm, hay lợi ích cá nhân. Muốn vậy, đòi hỏi, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.

Để làm được điều này, vai trò của cơ quan gác cổng – cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra rất quan trọng để nói “không” lợi ích nhóm, lợi ích bộ, ngành được cài cắm trong từng chính sách. Bởi nói như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn, phải “rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, trong đó cần có các giải pháp hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật nhằm ngăn ngừa nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi mới xây dựng chính sách, pháp luật”.

Lê Hùng