Tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường

Chống bán phá giá để không thua trên sân nhà

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:24 - Chia sẻ
Việt Nam thực thi cam kết của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (ATIGA) với ngành đường từ ngày 1.1.2020, theo đó không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN với thuế suất chỉ 5%. Việc này tạo điều kiện cho đường giá rẻ từ nước ngoài tràn vào thị trường Việt Nam, khiến nông dân và doanh nghiệp đối diện nhiều áp lực, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” ngày 1.12.

Cạnh tranh không công bằng

Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, 10 tháng năm nay, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh, lên đến hơn 884 nghìn tấn, lớn hơn lượng đường sản xuất trong nước. Trong đó, đường Thái Lan chiếm 87,67% do được Chính phủ nước này hỗ trợ bằng nhiều hình thức để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nếu trước đây, Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường thì từ khi tham gia ATIGA đến tháng 9.2020 chỉ còn 29 nhà máy hoạt động. Dự báo thời gian tới sẽ có thêm 4 nhà máy bị đóng cửa do không bảo đảm nguồn nguyên liệu, hoạt động không hiệu quả, lại chịu tác động của dịch Covid - 19.

“Ngành mía đường đang phải chịu sự cạnh tranh không công bằng”, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh. Ông Lộc cho biết, trình độ sản xuất chúng ta hoàn toàn tương đương với các nước trong khu vực. Thậm chí trong cùng điều kiện thời tiết không thuận lợi, nước ta vẫn có năng suất mía cao hơn Thái Lan và trình độ chế biến cao hơn Philippines và Indonesia.

Tuy nhiên, khi Việt Nam thực hiện cam kết ATIGA đối với ngành đường, một khối lượng lớn đường nhập khẩu đã tràn vào Việt Nam. Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân đường thô và đường tinh luyện từ Thái Lan vào Việt Nam chỉ có 334 USD/tấn, thấp hơn cả chi phí mía trong đường (niên vụ 2019-2020, chi phí mía trong đường của nước này là 410 USD/tấn). "Điều này càng làm nổi rõ tính chất phá giá của đường Thái Lan khi tràn vào thị trường Việt Nam và cũng cho thấy đang không có sự cạnh tranh không công bằng”, ông Lộc chỉ rõ.

Tổng giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng Trần Ngọc Hiếu cho biết, vùng nguyên liệu sản xuất mía đường ở địa phương  ngày càng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2017 có 8.400ha nhưng hiện chỉ còn khoảng 2.400ha, dự kiến năm 2021 còn dưới 2.000ha. Ông Hiếu bộc bạch: “Doanh nghiệp đã tập trung đầu tư chuyên sâu để phát triển vùng nguyên liệu, đồng thời cải tiến công nghệ chế biến để hội nhập tốt hơn nhưng có một thực tế nhiều vụ chỉ bán được 10%, 90% là hàng tồn kho. Nguyên nhân khiến diện tích, số lượng thu mua giảm là do ảnh hưởng của hàng nhập lậu, của gian lận thương mại. Bên cạnh đó, đường Thái Lan nhập chính ngạch nhập với giá thấp cũng gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với đường của Việt Nam”.

Ngành mía đường đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn  

Nguồn: ITN 

Sớm áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Mong bán được mía tại ruộng với giá 900 đồng/kg

Đại diện các hộ nông dân trồng mía ở Phú Yên, bà Trần Thị Yến kiến nghị, doanh nghiệp mua mía tại ruộng với giá tối thiểu 900đ/kg để người dân yên tâm trồng mía ổn định. Bên cạnh đó, Nhà nước có cơ chế cho vay vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi cho nông dân trồng mía; các cơ quan chức năng có biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm ngăn chặn đường nhập lậu, siết chặt phòng vệ thương mại để ổn định thị trường.

Cùng quan điểm, nông dân trồng mía Đào Văn Thảo ở Kon Tum cũng kỳ vọng thời gian tới các cơ quan chức năng quan tâm hơn đến cây mía hơn nhằm tạo sự ổn định cho nông dân.

Trước khó khăn này, ngày 14.7.2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 28/CT-Ttg về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, nhằm đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng cho ngành đường và nông dân trồng mía. Từ cơ sở đó, Bộ Công thương đã vào cuộc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng cho biết, ngành sản xuất trong nước đã cung cấp bằng chứng cho thấy đường mía Thái Lan đang bán phá giá vào Việt Nam. Tháng 9.2020, Bộ Công thương ban hành Quyết định2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. “Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài", ông Dũng nhấn mạnh.

“Tôi ủng hộ giải pháp chống bán phá giá nhưng hiện chúng ta chỉ mới ở giai đoạn khởi xướng, vậy ai sẽ là người giải quyết vấn đề này?”, Phó trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Nguyễn Hồng Vân đặt câu hỏi. Theo ông Vân, trên thực tế Bộ Công thương và Bộ Tài chính có nhiều chính sách để hạn chế tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu nhưng có lẽ những chính sách này vẫn chưa đủ mạnh và căn cơ. “Thời điểm này cần phải làm quyết liệt và làm ngay mới mong cứu được ngành mía đường”.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng Trần Ngọc Hiếu đề xuất Bộ Công thương sớm điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp với sản phẩm đường từ các nước khác, nhất là từ Thái Lan để tạo sân chơi cạnh tranh công bằng lành mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua mía của người dân với giá cao hơn.

Góp ý thêm về giải pháp bảo đảm sự ổn định và phát triển của ngành mía đường trong cạnh tranh bình đẳng theo ATIGA, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa về vấn đề tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Cần bịt chặt “kẽ hở” pháp luật để ngăn chặn nhiều doanh nghiệp lợi dụng để đưa đường thô, đường tinh luyện nhập khẩu vào tiêu thụ trong nước. Ông Thịnh nhấn mạnh thêm, việc tạm nhập nhưng không tái xuất và bán ngay tại thị trường trong nước cũng sẽ gây phương hại lớn đến ngành sản xuất đường nội địa.

Hạnh Nhung