Bài 3 - Singapore:

Chống bệnh truyền nhiễm bằng luật pháp

- Chủ Nhật, 06/12/2020, 06:44 - Chia sẻ
Ở đảo quốc sư tử, những luật như Luật về các bệnh truyền nhiễm đã có hơn 30 năm để bảo đảm rằng người dân Singapore luôn trong tình trạng sức khỏe tốt. Hạnh phúc của họ không chỉ dựa trên tiến bộ kinh tế của đất nước, mà còn phụ thuộc vào khả năng bảo vệ trước những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Luật pháp không phải để trừng phạt mà để bảo vệ

Thực tế đã chứng minh, sự lây lan của các căn bệnh truyền nhiễm có thể phá vỡ sự ổn định của xã hội. Tuy nhiên, người dân Singapore có thể yên tâm việc chống lại các mối đe dọa sức khỏe đang được luật pháp hỗ trợ. Các luật được xây dựng không phải để trừng phạt, mà dựa trên sức khỏe của chính họ.

		Nguồn: AP
Nguồn: AP

Hiện nay, Luật về các bệnh truyền nhiễm (IDA), được Quốc hội Singapore thông qua năm 1976 và có hiệu lực vào ngày 1.8.1977, là một phần của pháp luật liên quan đến việc phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm ở đảo quốc sư tử. Mặc dù luật do Bộ Y tế (MOH) và Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) cùng quản lý, nhưng nó chỉ có thể đi vào cuộc sống thông qua nỗ lực hợp tác của các chuyên gia y tế và nhân viên điều trị các ca bệnh tại cơ sở. Do những người này có thể tham gia trực tiếp vào các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, họ sẽ giúp cảnh báo cho các cơ quan hữu quan nếu phát hiện ra tình huống cho thấy mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng. Danh sách các bệnh cần lưu ý liên tục được xem xét và thông báo cho tất cả cơ quan y tế, người làm nghề y cũng như các phòng thí nghiệm có liên quan. Hình thức thông báo này, vốn đóng vai trò rất quan trọng khi dịch bùng phát, là một trong những biện pháp do IDA cung cấp.

Dẫu có vẻ khó thực hiện luật pháp để đối phó với mối đe dọa của các bệnh truyền nhiễm, IDA vẫn là cần thiết trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Có thể nói, pháp luật chính là công cụ giúp chống lại các bệnh nói trên.

Kiểm soát đi đôi với phòng ngừa

Về kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, thứ nhất, bên cạnh cung cấp thông báo về các bệnh này, IDA ủy quyền cho Giám đốc Dịch vụ y tế ra lệnh khám và điều trị cho bất kỳ ai, hoặc bị nghi ngờ là người mang hoặc tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm. Giám đốc cũng được ủy quyền ra lệnh khám nghiệm tử thi đối với bất kỳ cá nhân nào đã chết hoặc bị nghi ngờ là người mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm.

Giám đốc cũng được trao quyền ra lệnh xử lý hoặc thậm chí đóng cửa các cơ sở như cơ sở thực phẩm, nếu nghi ngờ là nguồn lây truyền bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, giám đốc còn có thể cấm các cuộc họp và tụ tập giải trí công cộng vì sự tiếp xúc gần của con người có thể làm tăng khả năng lây lan của bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào. Những biện pháp đó được thực hiện để giảm nguy cơ bùng phát, đồng thời hỗ trợ điều tra và kiểm soát nguồn bệnh truyền nhiễm.

Thứ hai, liên quan đến phòng chống các bệnh truyền nhiễm, theo IDA, bộ trưởng có thẩm quyền tuyên bố bất kỳ khu vực nào trong hoặc ngoài Singapore là khu vực bị nhiễm bệnh. Biện pháp này được thực hiện khi có lý do để tin rằng một bệnh truyền nhiễm có thể được du nhập vào Singapore từ khu vực đó. Ngoài việc xác định các khu vực bị nhiễm bệnh, nhiều biện pháp khả thi khác - được quy định nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm tại bất kỳ cảng nhập cảnh nào - cũng có thể được thực hiện.

Bên cạnh đó, tiêm chủng bắt buộc được sử dụng như biện pháp phòng ngừa. IDA bắt buộc trẻ nhỏ phải tiêm ngừa các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine ở Singapore. Lý do là trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Như vậy, IDA cũng đã đóng góp trong việc thiết lập Chương trình Tiêm chủng trẻ em quốc gia, bao gồm các quan chức cấp cao của Bộ Y tế và nhiều chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm. Đây là cơ quan chủ quản giám sát chương trình tiêm chủng ở quốc gia Đông Nam Á này.

Hơn nữa, theo quy định của IDA, việc không tiêm chủng cho trẻ em chống lại một số bệnh là vi phạm pháp luật. Ví dụ, trẻ bắt buộc phải tiêm vaccine phòng các bệnh như bạch hầu trong vòng 12 tháng sau khi sinh, trong khi tiêm vaccine phòng bệnh sởi nên được thực hiện từ 1 tuổi đến 2 tuổi. Theo IDA và các quy định về bệnh truyền nhiễm, cha mẹ và người giám hộ bắt buộc phải cho con mình tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu và bệnh sởi. Hình phạt cho việc không tuân thủ là phạt tiền lên đến 500 USD cho lần vi phạm đầu tiên và lên đến 1.000 USD cho lần vi phạm thứ hai hoặc tiếp theo.

 Mặc dù Singapore hầu như không xuất hiện các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine do chương trình tiêm chủng hiệu quả, vốn là kết quả của các quy định trong IDA, nhiều hướng dẫn về quản lý các bệnh truyền nhiễm khác nhau vẫn được đưa ra lâu nay. Mục đích là duy trì cảnh giác và đáp ứng nhiều sự cố khác nhau của các bệnh truyền nhiễm đã xuất hiện và biến mất trong vài năm qua. Người dân có thể truy cập thông tin được cung cấp trong hướng dẫn và chúng cũng hữu ích cho những người hoạt động trong lĩnh vực y tế ở Singapore.

Cơ hội duy trì sức khỏe tốt hơn là hoàn toàn nằm trong tầm tay đảo quốc sư tử nhờ việc áp dụng luật pháp một cách cứng rắn. Điều này đóng vai trò là nền tảng để thực hiện các biện pháp giảm thiểu và kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh, đồng thời thiết lập một xã hội lành mạnh và vận hành suôn sẻ.

Thái Anh