Đề xuất giao hải quan kiểm soát thực phẩm nhập khẩu

Chồng chéo quản lý, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh

- Thứ Hai, 29/11/2021, 06:13 - Chia sẻ
Theo dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (gọi tắt là dự thảo Nghị định), cơ quan hải quan sẽ kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Các chuyên gia cho rằng, điều này vừa trái luật vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) kiểm tra thực tế hàng hóa
Nguồn Báo Hải quan

Trái quy định

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo mới nhất. Đáng tiếc, dự thảo Nghị định “hầu như không tiếp thu” các ý kiến đóng góp trước đó, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết.

Theo dự thảo, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng trừ phương tiện nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm; sử dụng thông tin truy xuất nguồn gốc, thông tin về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan các nước để phân tích, đánh giá rủi ro của hàng hóa, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Kết quả kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan là cơ sở để người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan...

Những quy định như trong dự thảo không những trái luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh, PGS.TS Trần Đáng chỉ rõ. Theo PGS.TS Trần Đáng phân tích: Luật An toàn thực phẩm quy định trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm giao cho Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương. Tuy nhiên, theo dự thảo này lại giao việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu cho Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính). Không những thế, quy định này còn trái với Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12.1.2021 phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, Quyết định 38 chỉ giao Tổng cục Hải quan xây dựng và đề xuất mô hình kiểm tra hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu. Song, ngay trong tên của dự thảo Nghị định mới là “quy định cơ chế quản lý” sai với nhiệm vụ được giao, vì quản lý an toàn thực phẩm bao gồm: Quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn; đăng ký công bố; kiểm nghiệm; ghi nhãn; thanh tra, kiểm tra... Trong đó, việc kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu chỉ là một nội dung rất nhỏ về quản lý an toàn thực phẩm. Thêm nữa, theo dự thảo, cơ quan hải quan lại hướng dẫn cả đăng ký bản công bố và tự công bố đối với thực phẩm nhập khẩu, trong khi đây là phần việc của Bộ Y tế cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn!

Đáng ra, vấn đề kiểm tra chất lượng cũng như an toàn thực phẩm cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ sâu cùng hệ thống máy móc chuyên ngành như y tế, nông nghiệp để nắm được thành phần nguyên liệu, mức độ tinh khiết, độ ổn định về hàm lượng cũng như phân tích được các chất ô nhiễm, tác động của thực phẩm tới sức khỏe, bệnh tật... Do đó, cơ quan hải quan không thể quản lý, thực hiện được nội dung này bởi không có hệ thống Labor đạt chuẩn ISO/IEC 17025; đồng thời không đủ nhân viên kiểm nghiệm và nếu muốn làm thì phải đào tạo 4 - 5 năm, làm tăng biên chế. Nếu vẫn cho phép cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước với thực phẩm nhập khẩu sẽ tiềm ẩn nguy cơ về mầm bệnh, thực phẩm kém chất lượng vào Việt Nam, PGS.TS Trần Đáng lo ngại.

“Bóp nghẹt” doanh nghiệp trong nước

Điểm đáng chú ý được các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp chỉ ra, quy định trong dự thảo Nghị định còn tạo ra sự phân biệt đối xử giữa thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Đại diện Công ty CP Dược phẩm Thái Minh phân tích, theo dự thảo, đối với thực phẩm nhập khẩu chỉ cần một doanh nghiệp đăng ký bản công bố trên hệ thống của Tổng cục Hải quan xây dựng và các doanh nghiệp khác khi nhập sản phẩm này sẽ không phải đăng ký nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc truy xuất nguồn gốc của các cơ quan quản lý, không rõ tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.

Mặt khác, quy trình tiếp nhận đăng ký bản công bố đối với thực phẩm theo dự thảo Nghị định cũng chưa chặt chẽ, bởi cơ quan hải quan không có chuyên môn để phân tích các mối nguy trong phiếu kết quả kiểm nghiệm, công bố về công dụng… Điều này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu công bố đủ các loại công dụng, trong đó có cả công dụng chữa bệnh. Trong khi đó, thực phẩm sản xuất trong nước phải chịu sự kiểm soát rất chặt về các mối nguy cũng như kiểm soát việc công bố công dụng. Nếu không xem xét kỹ, quy định này sẽ bóp nghẹt doanh nghiệp trong nước.

Tại hội nghị góp ý dự thảo Nghị định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, một số nội dung của dự thảo chưa phù hợp với Luật Thú y, chưa khoa học và phù hợp với thực tiễn. Trong đó, ở bản dự thảo ngày 1.11.2021, tại Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh) không có nội dung liên quan đến kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu nhưng Điều 7, Điều 25 và Điều 26 lại có các nội dung quy định kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu nhưng không phù hợp với Luật Thú y. Về thẩm quyền, nếu giao cho cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành cũng không phù hợp với quy định hiện hành, chưa phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ về thống nhất một đầu mối kiểm tra theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (nay là Nghị quyết 02/NQ-CP).

Theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cần nghiêm túc cân nhắc các vấn đề trên để nghị định khi ban hành sẽ tránh chồng chéo cùng những hệ quả đáng tiếc, tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp hoạt động.

Đan Thanh