Chống dịch bằng khoa học thay vì mệnh lệnh hành chính

- Thứ Năm, 20/01/2022, 06:36 - Chia sẻ
“Việc các địa phương áp dụng biện pháp khác nhau với người dân về quê ăn Tết, như yêu cầu người tiêm đủ 2 mũi vaccine cũng phải cách ly hoặc vận động người dân không nên về là đang chống dịch bằng mệnh lệnh hành chính thay vì bằng kiến thức khoa học”. PGS.TS. NGUYỄN HUY NGA, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhìn nhận.

Vận động người dân không về quê là thiếu kiến thức chống dịch

- Mặc dù Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương chấn chỉnh tình trạng cách ly người dân về quê ăn Tết “mỗi nơi một kiểu”, song nhiều địa phương vẫn chưa có động thái điều chỉnh. Ông nghĩ sao?

- Trước hết, phải nhìn nhận rằng việc các địa phương áp dụng biện pháp phòng chống dịch khác nhau, thậm chí yêu cầu người tiêm đủ từ 2 mũi vaccine vẫn phải cách ly là cách làm rất tùy tiện, đi ngược lại tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (Nghị quyết số 128).

PGS. TS.Nguyễn Huy Nga

Một số quy định phòng chống dịch của các địa phương

Tỉnh Hải Dương quy định từ 0h giờ 19.1, người đến/về tỉnh phải tuyệt đối tuân thủ 5K, tự chi trả chi phí xét nghiệm. Nếu về từ vùng đỏ phải xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh có kết quả âm tính trong vòng 72h kể từ thời điểm lấy mẫu; nếu tiêm đủ liều vaccine, tự theo dõi sức khoẻ 7 ngày. Tỉnh cũng yêu cầu người dân trong dịp Tết hạn chế di chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh khi không cần thiết.

Tỉnh Lạng Sơn quy định những trường hợp trở về từ vùng cam, vùng đỏ phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên vào ngày thứ nhất; buộc cách ly y tế đối với người đến/về địa phương từ địa bàn có dịch nguy cơ cao, nguy cơ rất cao hoặc vùng cách ly y tế.

TP. Thái Nguyên vận động người dân hạn chế ra khỏi tỉnh lẫn tiếp xúc với người từ vùng dịch; vận động người thân trong gia đình đang học tập, làm việc ngoài tỉnh không đi, về TP. Thái Nguyên từ ngày 4.1 đến Tết Nguyên đán…

Theo đó, Nghị quyết 128, đã tạo sự thống nhất trong phòng chống dịch khi phân loại, xác định các cấp độ dịch và biện pháp tương ứng, trên cơ sở tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và được người dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Nói cách khác, Nghị quyết đã giải quyết tình trạng “mỗi nơi làm một kiểu” và vẫn có giá trị. Tuy vậy, bây giờ tình trạng này lại xuất hiện cho thấy có thể một số cán bộ địa phương đã không nắm được tinh thần của Nghị quyết, hoặc họ nắm được nhưng ngại ngày Tết phải căng mình chống dịch nên ngăn cản việc người dân trở về địa phương. Ngoài ra, cũng không loại trừ có lợi ích cá nhân ở đây, như để bán được kít xét nghiệm, hoặc là hưởng hoa hồng khi có người dân vào cách ly tại các khách sạn và cần làm rõ điều này.

Riêng việc một số địa phương vận động người dân không trở về quê ăn Tết là thiếu hiểu biết về phòng chống dịch, áp dụng quyền lực một cách máy móc. Chúng ta cần nhớ, dịch Covid-19 chỉ lây lan từ người sang người ở khoảng cách gần dưới 2m và không thực hiện nghiêm 5K. Thực tế, chúng ta đã có một số bài học về việc dùng bộ máy hành chính để chống dịch và đã xảy ra nhiều hệ lụy đáng tiếc. Điều này cần tuyệt đối tránh, khi cả Quốc hội và Chính phủ đã xác định “thích ứng an toàn, linh hoạt” với dịch Covid-19.

- Ở góc độ khoa học, việc yêu cầu người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn phải cách ly y tế có hợp lý không, thưa ông?

- Điều này hoàn toàn không hợp lý, vì hiện nay dịch đã xuất hiện ở nhiều nơi. Do vậy, có thể người dân sẽ mang dịch về quê, nhưng có thể chính ở quê lại lây dịch cho họ, tức là nguy cơ cao như nhau. Do đó, không cần thiết phải buộc những người đã tiêm vaccine phải cách ly y tế.

5K là quan trọng nhất

- Vậy theo ông, các địa phương cần phải làm gì để hài hòa giữa việc người dân trở về quê ăn Tết an toàn, vui vẻ mà địa phương vẫn kiểm soát được dịch bệnh?

- Các địa phương vẫn có thể hài hòa được bài toán này. Chúng ta đã đạt tỷ lệ tiêm chủng rất cao, trên 80%, nhiều địa phương đã tiêm mũi 3 cho người dân. Do vậy, các địa phương cần tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân thông qua hệ thống loa phát thanh, tờ rơi, áp phích… để bà con hiểu rằng có thể họ sẽ là nguồn lây lan dịch cho quê hương và biết cách phòng chống, đó là thực hiện nghiêm 5K. Người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine không cần phải thực hiện cách ly y tế. Còn việc xét nghiệm, dù nhanh hay RT-PCR, chỉ nên áp dụng với những người có triệu chứng như ho, sốt, khó thở. Địa phương có thể khuyến khích người dân từ nơi khác trở về quê xét nghiệm bằng cách miễn phí cho họ thay vì thu tiền sẽ gây bức xúc. Một số địa phương đã miễn phí xét nghiệm cho người dân thực sự là cách làm rất tốt, có ý nghĩa.

Người dân về quê ăn Tết cần tuân thủ nghiêm quy tắc 5K để phòng, chống dịch
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam

- Nhưng nhiều địa phương nguồn lực có hạn, họ khó có thể chi trả xét nghiệm miễn phí cho hàng chục, thậm chí cả trăm nghìn người dân trở về quê ăn Tết, thưa ông?

- Tùy theo nguồn lực của địa phương để có thể quyết định có xét nghiệm miễn phí hay không. Nhưng tôi xin nhấn mạnh, xét nghiệm chỉ là biện pháp phụ, 5K mới là biện pháp chính, quan trọng nhất. Tôi biết nhiều người vì lý do nào đó mà không thể tiêm vaccine nhưng do họ tuân thủ nghiêm túc 5K nên vẫn an toàn trong dịch bệnh. Bởi thế, khâu tuyên truyền là rất quan trọng!

- Hiện, cấp độ dịch ở các địa phương có sự khác nhau. Làm thế nào để tạo sự thống nhất trong phòng, chống dịch, thưa ông?

- Nghị quyết 128 vẫn có hiệu lực. Tuy vậy, tôi cho rằng Bộ Y tế cần sớm ban hành một văn bản mới rõ ràng, nhất quán, trong đó quán triệt tinh thần là chỉ xét nghiệm khi có triệu chứng, không hạn chế việc đi lại của người dân. Đây là việc làm rất quan trọng và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị!

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện