Chủ động các giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản phát triển hiệu quả, bền vững giai đoạn 2021-2025

- Thứ Tư, 02/12/2020, 15:29 - Chia sẻ
Sáng 1.12.2020, tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn đồng chủ trì Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025”. Tham dự Hội nghị có trên 600 đại biểu, trong đó có trên 300 đại biểu từ các Hiệp hội, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Đây là Hội nghị lần thứ 3 liên tiếp trong 3 năm qua về lĩnh vực sản xuất chế biến và xuất khẩu lâm sản. Thông qua Hội nghị này nhằm đánh giá kết quả chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2020 trước những khó khăn, thách thức; nhất là sự tác động của dịch Covid-19; đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy ngành Lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 phát triển bền vững, hiệu quả.

Theo báo cáo, năm 2020, mặc dù phải đối mặt với đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế; cùng với những diễn biến khó lường của các cuộc cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, nhưng với những nỗ lực vượt bậc, cộng đồng hiệp hội, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản và toàn ngành lâm nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức duy trì sản xuất, tranh thủ cơ hội mở rộng thị trường, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5%  so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp; giá trị xuất khẩu lâm sản nước ta tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín và mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc.

Để đạt được những kết quả này, trong những năm qua và trong năm 2020, toàn ngành đã đoàn kết, nỗ lực đổi mới sáng tạo trên mọi phương diện, thể hiện tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách và kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thời gian qua, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ, lâm sản được thực hiện lồng ghép tại các chính sách phát triển lâm nghiệp và cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như chính sách miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước); chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất (Nghị định số 41 của Chính phủ); chính sách hỗ trợ người lao động bị nghỉ việc (Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ) đã hỗ trợ và là niềm động viên lớn lao, tạo niềm tin và yên tâm cho các doanh nghiệp, người lao động ngành chế biến gỗ và lâm sản vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, tạo thêm động lực cho đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ theo hướng hiện đại. Năm 2019 cả nước có 5.539 doanh nghiệp, 340 làng nghề sản xuất kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản; trong đó có 4.873 doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ và lâm sản. Trong 10 tháng đầu năm 2020 đã thành lập mới 1.730 doanh nghiệp. Cùng với đó, hầu hết doanh nghiệp đã thay đổi về dây truyền công nghệ, từ sử dụng nguyên liệu rừng trồng nhập khẩu và gỗ rừng tự nhiên chế biến sản phẩm sang sử dụng nguyên liệu rừng trồng trong nước, nhất là về sản xuất ván nhân tạo (ván ghép thanh, ván sợi, ván dán, ván dăm). Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị để sản xuất các sản phẩm phụ trợ như sơn, keo, vật liệu trang trí bề mặt thay thế hàng nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Ngành lâm nghiệp chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo duy trì thị trường truyền thống. Trong khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ rừng và nhà quản lý trong toàn ngành đã sáng tạo và đổi mới phương thức, hình thức tiếp thị, bán hàng để duy trì bạn hàng và mở rộng thị trường; trong đó thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường quan trọng của gỗ, lâm sản Việt Nam. Ước giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó Hoa Kỳ đạt trên 6,0 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi các Hiệp định VPA/FLEGT, EVFTA giữa Việt Nam-EU, TPP, RCEP… có hiệu lực tiếp tục là tiềm năng cao về thị trường quốc tế mà các doanh nghiệp đang triển khai tiếp thị, quảng bá.

 Ngoài ra, ngành cần tập trung đào tạo, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng lao động, đảm bảo môi trường làm việc. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế biến lâm sản vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập cơ bản ổn định; lao động được đào tạo, có tay nghề chiếm khoảng 55-60%. Năng suất lao động ngành chế biến gỗ, lâm sản tiếp tục được nâng lên, năm 2010 đạt khoảng 17.000 USD/người/năm; năm 2015 khoảng 20.000 USD/người/năm; đến nay đạt khoảng 25.000 USD/người/năm, tăng 25% so với năm 2015 và tăng 47% so với năm 2010. Chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng trong nước để chủ động nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. Chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp bước đầu cho thấy mang lại hiệu quả thiết thực và phù hợp với tình hình phát triển mới; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2011-2020 với nhiều chính sách phát triển rừng bền vững gắn bảo vệ phát triển rừng với an sinh xã hội nâng cao thu nhập đời sống đồng bào dân tộc. Năm 2019, tổng diện tích rừng trồng trên 4,3 triệu ha, trong đó trên 3,5 triệu ha là rừng trồng sản xuất, với loài cây rừng keo, bạch đàn trên 2 triệu ha chiếm 59%, năng suất bình quân đạt khoảng 18m3/ha/năm, tăng 38,5% so với năm 2010; rừng trồng các loài cây bản địa mọc nhanh (mỡ, bồ đề, lát, xoan...) và cây cao su chiếm 27% tổng diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước, cùng với sản lượng gỗ cây trồng phân tán, gỗ cao su, đến nay đã đáp ứng trên 75% lượng gỗ nguyên liệu cho sản xuất, chế biến gỗ. Chất lượng rừng trồng được cải thiện, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích rừng trồng sản xuất. Đến nay cả nước đã có hơn 600 ngàn ha rừng gỗ lớn (126.175 ha rừng trồng chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trồng mới 489.017 ha rừng gỗ lớn) và trên 200,000 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhận định về cơ hội của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới là rất lớn, khoảng 450 tỷ USD giá trị thương mại/năm; trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ nội thất bằng gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Bên cạnh, các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc thì một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ, UEA… Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: viên nén, dăm gỗ, gỗ dán, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. Cung với đó, các Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), EVFTA và các hiệp định thương mại khác đang là cơ hội cho ngành chế biến, gỗ, lâm sản xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2021 – 2025 định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và gia tăng xuất khẩu. Theo đó, tiếp tục phát triển rừng trồng nguyên liệu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đảm bảo cung cấp tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Duy trì ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gỗ từ khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà, vườn rừng và vườn cây cao su thanh lý với sản lượng gỗ từ 7-10 triệu m3/năm. Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021 đạt 14-14,5 tỷ USD, tăng từ 10-11% so với năm 2020, và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025. Chủ động nguồn nguyên liệu gỗ và vật liệu phụ trợ trong nước, bảo đảm 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp. Tăng dần tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm trung gian.

Nằm trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức trưng bày, triển lãm với chủ đề “Kết nối thành tựu 75 năm ngành Lâm nghiệp Việt Nam” tại tầng 1 Khách sạn Mường Thanh Sông Lam, TP Vinh. Triển lãm sẽ được mở cửa tự do, chào đón quan khách, người dân địa phương đến tham quan từ 30.11.2020 đến 1.12.2020. Toàn bộ sản phẩm trưng bày tại triển lãm sẽ được bán đấu giá để ủng hộ cho Quỹ Việt Nam Xanh.

Anh Hiến